Ứng dụng CNTT trong y tế: Cần thay đổi từ đầu tư sang đi thuê dịch vụ

(Dân trí) - "Bản chất của việc xã hội hóa ứng dụng CNTT là thay đổi đầu tư ứng dụng các giải pháp CNTT sang đi thuê dịch vụ. Các nhà cung ứng giải pháp thay vì chuyển sang chuyển giao công nghệ một lần thành nhà cung ứng dịch vụ". Đó là tầm nhìn của hội tin học TPHCM.

toan-canh-hoi-thao-1466819316388

Hội thảo toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 21 với chủ đề “Kỷ nguyên số trong chăm sóc sức khoẻ” vừa diễn ra tại TPHCM

Hầu hết bệnh viện TPHCM chưa tiếp cận được CNTT hiệu quả

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 113 bệnh viện với 34.388 giường bệnh. Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân là 43/10.000. Bên cạnh đó là hệ thống y tế dự phòng có 12 trung tâm, 2 chi cục, 24 Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện và 319 Trạm Y tế phường, xã, thị trấn.

Trong khi đó, việc ứng dụng CNTT tại các đơn vị thuộc ngành Y tế Thành phố không đồng đều, vẫn có đơn vị chưa chú trọng đến việc phát triển ứng dụng CNTT, phần mềm chưa đáp ứng được yêu cầu, hạ tầng và nhân lực CNTT không phù hợp và tương xứng với quy mô hoạt động của đơn vị. Lĩnh vực y tế dự phòng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch... chưa đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan quản lý về y tế.

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TPHCM (HCA) cho biết: “Cho đến nay, hầu hết bệnh viện Việt Nam vẫn chưa thể tiếp cận với CNTT một cách hiệu quả. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương khuyến khích ứng dụng CNTT trong quản lý, hướng tới chính phủ điện tử và Bộ Y tế đã ra nhiều chỉ thị thúc đẩy ứng dụng CNTT trong quản lý y tế. Tuy nhiên hầu hết các bệnh viện vẫn còn chưa triển khai vì không tìm được phần mềm đáp ứng đúng hoạt động của bệnh viện. Quản lý và khai thác dữ liệu y tế cho công tác khám chữa bệnh hiện nay là yêu cầu cấp thiết trong Y tế và Chăm sóc sức khỏe. Hệ thống y tế, bệnh viện, phòng khám tại Việt Nam cần những giải pháp hữu hiệu nhằm tin học hóa, cải cách hành chính, thực hiện quản lý, thống kê trên máy tính”…

Với mạng lưới khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho hơn 9 triệu dân rất cần các giải pháp tin học hóa quản lý mạnh có tính hệ thống cao, liên thông liên kết giữa các bệnh viện, giữa y tế điều trị và ý tế dự phòng cũng như đầu tư phát triển các cơ sở khám chữa bệnh hợp lý và hiệu quả.

Cần thay đổi mô hình, từ đầu tư sang thuê dịch vụ


Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ Tịch Hội Tin học TPHCM

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ Tịch Hội Tin học TPHCM

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ Tịch Hội Tin học TPHCM (HCA): "Sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing) mang lại cách tiếp cận mới trong triển khai ứng dụng cho toàn xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng. Từ khái niệm chủ sở hữu hệ thống CNTT từ hạ tầng đến phần mềm, với Cloud conputing chuyển sang thuê dịch vụ theo nhu cầu".

Việc thay đổi đầu tư ứng dụng các giải pháp CNTT sang đi thuê dịch vụ là điều cần thiết hiện nay. Theo ông Tuấn Anh, điều này giúp phân bổ chi phí cho đầu tư CNTT hợp lý từ Capex sang chi phí thuê Opex. Đồng thời, các bệnh viện không cần đầu tư nhiều cho nguồn CNTT tại đơn vị mình và chuyển sang khai thác nguồn nhân lực của đơn vị cho thuê dưới dạng dịch vụ. Điều này sẽ giúp cho các bệnh viện tiết kiệm được chi phí bản quyền phần mềm hoạt động. Bên cạnh đó, cũng đảm bảo cập nhật công nghệ mới theo lộ trình nâng cấp sản phẩm của đơn vị cung ứng giải pháp.

Giải pháp mô hình triển khai dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây của HCA
Giải pháp mô hình triển khai dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây của HCA

Bản chất của việc xã hội hóa ứng dụng CNTT trong ngành y tế là các bệnh viện, hệ thống y tế dự phòng và cả Sở Y tế thành phố chuyển từ đầu tư ứng dụng các giải pháp CNTT sang đi thuê dịch vụ. Các nhà cung ứng giải pháp thay vì chuyển sang chuyển giao công nghệ một lần thành nhà cung ứng dịch vụ. Việc xã hội hóa này như đã phân tích ở trên có thể thực hiện cho tất cả các mảng kể từ thuê hạ tầng, đến thuê nền tảng, thuê phần mềm và thuê xử lý nghiệp vụ.

Việc xã hội hóa này mang lại các lợi ích cho các đơn vị thụ hưởng. Về phía nhà cung ứng dịch vụ cũng được hưởng lợi với việc nguồn thu ổn định, tập trung vào chất lượng dịch vụ cũng như nâng cấp cập nhật công nghệ liên tục mang lại các giá trị gia tăng cho khách hàng.

Thách thức lớn nhất cho mô hình này tại thời điểm hiện tại là các đơn vị bệnh viện, tổ chức có thói quen đi theo hướng đầu tư. Từ đó các khung pháp lý chi tiết cho phép thuê dịch vụ CNTT chưa được hoàn thiện. Giải pháp phần mềm đáp ứng tiêu chuẩn Cloud cho ngành y tế chưa nhiều nên chất lượng dịch vụ chưa được khách hàng thật sự tin tưởng.

Do đó, theo anh Tuấn Anh, để có thể thúc đẩy việc xã hội hóa triển khai ứng dụng CNTT trong y tế, chúng ta cần thay đổi nhận thức về triển khai ứng dụng CNTT cho ngành dựa trên các phát triển vũ bão của công nghệ để đưa ứng dụng CNTT nhanh hơn. Cần có các trao đổi thảo luận của cơ quan chủ quản y tế và CNTT, hiệp hội ngành nghề để từ đó có được hành lang pháp lý cho phép các đơn vị thụ hưởng được dùng phương thức thuê dịch vụ. HCA kiến nghị sẽ cùng với Bộ Y tế xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật chung phục vụ liên thông, kết nối để làm cơ sở lựa chọn giải pháp CNTT. Hình thành được tổ chuyên gia tham vấn để lựa chọn được các giải pháp tốt nhất cho ngành y tế trong cung ứng dịch vụ Cloud.

"Triển khai ứng dụng y tế thông minh là một chương trình dài hơi và phức tạp. Bằng tham luận này chúng tôi mong muốn đóng góp một cách nhìn mới cho Sở Y tế xem xét, tham khảo để đưa ứng dụng CNTT vào ngành một cách hiệu quả, nhanh và chất lượng nhất". Ông Phí Anh Tuấn cho biết thêm.

Ngoài ra, tại Hội thảo toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 21 với chủ đề “Kỷ nguyên số trong chăm sóc sức khoẻ” vừa diễn ra tại TPHCM, nhiều diễn giả đến từ các đơn vị CNTT lớn trong và ngoài nước đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để thúc đẩy nhanh quá trình đưa CNTT vào lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe như: bệnh viên thông minh, giải pháp mạng y tế Việt Nam hay đào tạo từ xa, ứng dụng nâng cao năng lực và hiệu quả cho các bệnh viện địa phương...

Quốc Phan