Trải nghiệm mạng 4G ở Mỹ

(Dân trí) - Trong khi các thuê bao di động ở Việt Nam vẫn đang “phát bực” vì tốc độ 3G thì ở Mỹ, mạng 4G với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc đã được phổ biến từ nhiều năm nay.

4G trở thành phổ thông

Mỹ là quốc gia đi đầu thế giới về nhiều lĩnh vực. Do vậy không quá ngạc nhiên khi 4G đã phổ biến ở nước này từ năm 2010. Trong vòng 5 năm nay, tốc độ 4G liên tục được các nhà mạng cải thiện và nâng cấp không ngừng.

Đi tiên phong trong việc triển khai 4G tại Mỹ là Sprint, tiếp đó Verizon, rồi tới tất cả các nhà mạng khác như AT&T, T-Mobile. Tới nay tất cả các mạng ở Mỹ đều đã triển khai 4G và mạng này đã trở nên phổ thông với tất cả người dùng trên nước Mỹ.

Ở thành phố San Francisco, các biển hiệu quảng cáo của nhà mạng nằm rải rác trên nhiều con phố. Trong mỗi cửa hàng, ngoài phần cung cấp dịch vụ, có nhà mạng còn bày bán cả phụ kiện điện thoại cũng như những món đồ công nghệ nhỏ như thẻ nhớ.

 

Trải nghiệm mạng 4G ở Mỹ - 1

Bên này đường là cửa hàng giao dịch của nhà mạng T-Mobile.

Trải nghiệm mạng 4G ở Mỹ - 2

Bên đối diện là cửa hàng giao dịch của AT&T.

Trái với Việt Nam, các nhân viên trong những cửa hàng viễn thông thường ngồi cố định một vị trí trong các quầy giao dịch, ở Mỹ, nhân viên đi lại như những nhân viên trong các cửa hàng điện thoại, sẵn sàng tư vấn bất cứ điều gì khách hàng cần hỏi.

Khi tôi bước chân vào cửa hàng T-Mobile ở góc phố Mission, một nam nhân viên nhanh chân bước hẳn ra bên ngoài mở cửa giúp tôi. Anh ta nói nếu tôi là khách du lịch, anh ta sẽ tư vấn gói cước phù hợp.

Tiếp đó, sau khi tôi nghe tư vấn và chọn cho mình một gói cước phù hợp, anh này dắt tôi vào quầy thanh toán. Họ yêu cầu tôi trình hộ chiếu và làm thủ tục cấp sim trong vòng chưa đầy 5 phút. Nam nhân viên tôi không kịp nhớ tên, ân cần thay giúp tôi sim mới vào chiếc điện thoại.

Trải nghiệm mạng 4G ở Mỹ - 3
Trải nghiệm mạng 4G ở Mỹ - 4

Những gói cước phổ thông của nhà mạng T-Mobile.

Mua gói cước 60$, tôi được sử dụng 3Gb dữ liệu dung lượng cao, gọi điện, nhắn tin miễn phí trong mạng T-Mobile trong vòng 1 tháng. Tất nhiên tôi có thể nhận cuộc gọi từ mọi nơi trên thế giới.

Ở Mỹ, không chỉ T-Mobile mà tất cả các nhà mạng đều xây dựng nhiều gói cước rất phong phú. Chẳng hạn, với 10 USD, khách hàng đã có thể hòa mạng 1 tài khoản hoàn toàn mới, có sẵn 1GB dữ liệu tốc độ 4G sử dụng trong vòng 1 tuần.

Với 50$, khách hàng có 1Gb dữ liệu tốc độ 4G, nghe gọi nhắn tin nội mạng không giới hạn trong 1 tháng, với 60$ thì gói dữ liệu là 3Gb.

Các mạng cũng nghiên cứu đưa ra những gói dữ liệu dành cho khách du lịch nước ngoài, những người không có nhu cầu nghe gọi ít nhưng sử dụng rất nhiều dữ liệu cho mạng xã hội, các dịch vụ bản đồ dẫn đường, email… Dịch vụ bán "travel sim cards" có phổ biến ở tất cả các sân bay.

Tốc độ nhanh, nhiều tiện ích

Trải nghiệm mạng 4G ở Mỹ - 5

Biển quảng cáo gói cước 40USD của nhà mạng T-Mobile.

T-Mobile được ghi nhận là nhà mạng cung cấp 4G LTE nhanh nhất nước Mỹ. Theo kết quả từ ứng dụng Ookla Speedtest, T-Mobile cung cấp tốc độ dữ liệu trung bình nhanh nhất trên mạng 4G LTE ở Mỹ là 17,8 Mbps. Thậm chí ở một số nơi đạt tốc độ "không thể tin được", download là 72Mbps và upload là 27Mbps.

Ookla Speedtest

Đo tốc độ 4G mạng T-Mobile bằng phần mềm Ookla Speedtest. (ảnh: internet)

Tôi đã sử dụng dịch vụ nhà mạng này trong khoảng thời gian hơn 10 ngày ở Mỹ.

Tại San Francisco, sử dụng mạng 4G của T-Mobile trên điện thoại iPhone 6 Plus, kết quả thật ấn tượng. Tốc độ duyệt web cực nhanh, tốc độ truy cập Facebook cũng tương tự. Tất cả các clip trên Facebook đều có thể xem dễ dàng mà không hề bị lag.

Thậm chí đối với các clip 4K trên Youtube, hình ảnh cũng chạy rất mượt mà.

Tuy nhiên, khi sử dụng mạng 4G trong một sự kiện ra mắt điện thoại, nơi có khá đông người cùng kết nối internet, tốc độ đường truyền tụt xuống rõ rệt. Tốc độ upload ảnh khá chậm chạp và hiện tượng lag liên tục xảy ra, rất khó chịu.

Trải nghiệm 4G đối với các dịch vụ OTT không mang đến nhiều khác biệt so với 3G ở Việt Nam. Những dịch vụ tích hợp trên iOS như FaceTime, Facetime audio, Maps… đều sử dụng tốt. Với tốc độ này, các dịch vụ OTT khác như Viber, Zalo, Mocha… đều hoạt động mượt mà.

Trên nền 4G bạn có thể làm gì? Ở Mỹ, ngoài việc mua sắm online, hầu hết tất cả các dịch vụ phổ thông, bạn đều có thể đặt trực tuyến thông qua các trang web hoặc các ứng dụng trên điện thoại, như thuê khách sạn, thuê xe bus, đặt xe đi sân bay, đặt vé xem phim, mua tour du lịch...

Điều thu hút người dùng sử dụng dịch vụ trực tuyến là giá cả luôn rẻ hơn dịch vụ tại chỗ. Chẳng hạn, nếu đặt trực tuyến một vé xe bus đi từ Las Vegas tới Los Angeles, giá khoảng 32USD. Nhưng nếu mua trực tiếp tại bến xe vào giờ chót, bạn phải trả tới gần 70USD. Đắt gấp đôi. Các dịch vụ khác cũng tương tự. Đây chính là yếu tố kích thích người dùng sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên nền 4G ở Mỹ cũng như các quốc gia khác.

Và còn một điều nữa, không phải tốc độ mạng lúc nào cũng là “tuyệt vời”. Trong những ngày tôi lang thang khắp California, Arizona, Nevada… mạng 4G nhiều lúc tụt về Edge. Ngoài ra, vùng phủ sóng của mạng T-Mobile cũng không rộng. Ở nhiều nơi thuộc bang Arizona, chẳng hạn như ở khu vực Grand Canyon, mạng T-Mobile hoàn toàn không phủ sóng.

Bảo Trung

(lebaotrung@dantri.com.vn)