Sẽ tắt sóng analog sớm hơn 1 năm tại 7 tỉnh Nam Bộ

(Dân trí) - Trên cơ sở các điều kiện thuận lợi trong việc triển khai số hóa truyền hình thời gian qua, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình công bố đẩy mạnh công tác triển khai số hóa truyền hình mặt đất tại 7 tỉnh Nam bộ, thuộc giai đoạn III trước ngày 31/12/2017.

Sẽ tắt sóng analog sớm hơn 1 năm tại 7 tỉnh Nam Bộ - 1

Số lượng kênh người dân có thể thu được từ 26 kênh đến 70 kênh khi số hóa truyền hình

Cụ thể, 18 tỉnh thành thuộc giai đoạn III theo đúng kế hoạch trước đó sẽ hoàn thành số hóa truyền hình đến hết tháng 12/2018. Tuy nhiên, dựa trên các cơ sở điều kiện thuận lợi trong việc triển khai số hóa truyền hình thời gian qua, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình đã đẩy nhanh tiến độ số hóa truyền hình ở 7 tỉnh Nam bộ thuộc nhóm III, sớm hơn một năm so với kế hoạch. 7 tỉnh thành dự kiến sẽ hoàn tất việc số hóa truyền hình vào ngày 31/12/2017 gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Theo Ban Chỉ đạo số hóa truyền hình, việc triển khai số hóa tại các tỉnh thành nhóm I cho thấy các điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh công tác số hóa truyền hình, từ thị trường cung cấp thiết bị thu truyền hình số mặt đất đa dạng, hợp quy, giá cả hợp lý và vùng phủ sóng truyền hình mặt đất ngày càng được mở rộng. Ban chỉ đạo cũng đang tích cực triển khai tất cả các công tác liên quan và sẽ chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất, ngừng phát sóng truyền hình tương tự cho 15 tỉnh thành thuộc nhóm II trước ngày 01-7-2017.

Ban Chỉ đạo số hóa truyền hình cũng cho biết thêm, dân số thuộc các địa bàn chuyển đổi nêu trên chiếm gần 50% dân số cả nước và được người dân đánh giá cao, chưa có dư luận trái chiều. Việc phủ sóng truyền hình số mặt đất, số lượng kênh người dân có thể thu được từ 26 kênh đến 70 kênh (trong đó có 5 đến 7 kênh truyền hình độ nét cao HDTV), chất lượng, số lượng các kênh chương trình truyền hình đã được nâng cao rõ rệt.

Trên cơ sở các điều kiện thuận lợi nêu trên, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa đề nghị các tỉnh nêu trên sớm triển khai phủ sóng DVB-T2; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo kế hoạch ngừng phát sóng truyền hình tương tự; lặp kế hoạch rà soát, tổng hợp số liệu hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định.

Đến thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 530.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ trong vùng ảnh hưởng của việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại các tỉnh, thành phố nêu trên.

Gia Hưng