Qualcomm muốn Việt Nam triển khai mạng “xuyên tường”

(Dân trí) - Mạng di động 3G tại Việt Nam đã đạt độ phủ sóng rộng, tuy nhiên, chất lượng của mạng di động thế hệ thứ 3 này chưa làm người dùng hài lòng, đặc biệt là tại các toà nhà cao ốc, các khu đông dân cư.

Theo thống kê mới nhất, trên thế giới đã có 2 tỉ thuê bao 3G, trong khi đó, Việt Nam hiện mới chỉ có 20 triệu thuê bao 3G. Vì vậy, các nhà mạng cũng như các hãng chuyên cung cấp các giải pháp 3G, như Qualcomm vẫn nhận thấy tiềm năng cũng như không gian phát triển 3G tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều, đặc biệt khi các thiết bị di động và máy tính bảng ngày càng phổ biến.

Nói về chất lượng 3G tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng đánh giá sau 3 năm triển khai từ năm 2009, 3G đã phủ sóng gần như toàn quốc, và số lượng người dùng đã tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt tỷ lệ người dùng 3G trong năm 2012 tăng gấp 5 lần so với năm 2011.

Thứ trưởng cho rằng Việt Nam đang có hạ tầng 3G thuộc hàng tốt nhất trong khu vực ASEAN với khoảng 44.000 trạm, 28.000 tỷ đồng (1,3 tỷ USD) đầu tư trong 3 năm qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng 1 trong những điểm yếu nhất của Việt Nam trong quá trình triển khai 3G là chất lượng sóng 3G trong nhà còn yếu so với phủ sóng ngoài trời. Theo Thứ trưởng, sóng 3G trong nhà của Việt Nam kém hơn rất nhiều so với châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ.

Kết quả khảo sát chất lượng dịch vụ 3G tại Việt Nam do công ty Nielsen thực hiện mới đây cho thấy người dùng đã hài lòng với độ phủ sóng của mạng 3G nhưng không ưng ý về chất lượng đường truyền 3G.

Thứ trưởng yêu cầu các nhà mạng cần tiếp tục hoàn thiện bằng các giải pháp kỹ thuật để tăng cường chất lượng dịch vụ.

Mạng 3G tại Việt Nam đã phủ sóng rộng nhưng chất lượng sóng, đặc biệt là sóng trong nhà còn kém.

Mạng 3G tại Việt Nam đã phủ sóng rộng nhưng chất lượng sóng, đặc biệt là sóng trong nhà còn kém.

Chất lượng 3G là một bài toán khó đối với các nhà mạng bởi Qualcomm dự báo xu hướng sử dụng dữ liệu trên di động (mobile data) trên toàn cầu sẽ tăng 1.000 lần trong thời gian tới, và hãng này gọi là đây là dấu mốc 1000x Challenge. Để giải quyết bài toán về dữ liệu, tại hội nghị “What's Next in Mobile” vừa diễn ra tại California, Mỹ, Qualcomm đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một mạng lưới giúp mở rộng tầm phủ sóng cho mạng di động bằng công nghệ Small Cells. Hãng bán dẫn hàng đầu thế giới đang nhắm đến mục tiêu cải thiện tầm phủ sóng và đáp ứng nhu cầu truyền dữ liệu nhiều gấp 1.000 lần hiện nay của người dùng.

Chia sẻ với báo giới gần đây, ông Thiều Phương Nam, TGĐ Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, cho rằng bên cạnh việc lên kế hoạch để xây dựng và triển khai mạng 4G trong thời gian tới (Bộ TT&TT cho biết đến năm 2015 mới bắt đầu thi tuyển để cấp phép mạng 4G), các nhà mạng nên tính đến phương án nâng cấp chất lượng của mạng 3G, đặc biệt là cải thiện mạng 3G trong nhà.

Theo ông Nam, mạng 3G tại Việt Nam đã có tầm phủ sóng rộng nhưng tại những nơi công cộng, trong những khu đông dân cư, như hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), đường Nguyễn Huệ (TPHCM) vào các dịp Tết hay các ngày lễ, khi tất cả mọi người đều cùng chụp ảnh và đồng loạt muốn đăng ảnh lên Facebook hay gửi mail thì mạng 3G gần như tê liệt, không thể nào tải được một khối lượng lớn dữ liệu bùng nổ lùng một lúc. Ngoài ra, mạng 3G tại Việt Nam không đạt chất lượng tốt trong các toà nhà hay các khách sạn lớn.

Đại diện Qualcomm cho biết hãng đang tư vấn và hỗ trợ các nhà mạng Việt Nam xây dựng các trạm phát sóng nhỏ (Small Cells) đặt tại nhà, các cột điện, văn phòng hay các trung tâm thương mại để những thiết bị chỉ nhỏ bằng một chiếc modem Wi-Fi kết hợp cùng với các trạm phát sóng lớn đã được lắp đặt trên các toà nhà, cao ốc hay các trụ phát của nhà mạng, từ đó sẽ truyền sóng 3G xuyên tường đến các toà nhà, khách sạn.

“Các trạm phát sóng nhỏ sẽ đưa mạng di động tới gần với người sử dụng hơn, và nhờ đó sẽ nâng cao trải nghiệm cho người dùng và tăng được doanh thu từ các dịch vụ gia tăng, video, giải trí…”, ông Nam nhấn mạnh.

“Công nghệ đã sẵn sàng. Các nhà mạng AT&T (Mỹ), và Verizon (Mỹ) đã tuyên bố sẽ triển khai mạng Small Cells trong năm nay. Vì vậy, Qualcomm cũng khuyến khích Việt Nam sớm nghiên cứu để bắt tay xây dựng mạng lưới mới để có thể đáp ứng nhu cầu truyền dữ liệu nhiều gấp 1.000 lần hiện nay”, ông Nam nói.

Theo đại diện Qualcomm, chi phí triển khai trạm phát các trạm phát Small Cells thấp hơn nhiều so với xây dựng các trạm Base Station ngốn hàng trăm triệu USD, và người dùng cá nhân hoàn toàn có thể tự lắp đặt trạm phát để sử dụng tại nhà khi đã có mạng lưới Small Cells của nhà mạng. Tuy không công bố mức giá cụ thể đối với mỗi trạm phát nhưng ông Nam cho biết giá thành của một thiết bị này chỉ ngang bằng với một Access Point của Wi-Fi.

TGĐ Qualcomm Việt Nam cũng cho biết hãng đang cùng các nhà mạng tại Việt Nam xem xét và đánh giá công nghệ mới này để triển khai tại Việt Nam. Ông Nam cho rằng việc triển khai Small Cells sẽ dễ dàng hơn đối với những doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng backbone, cáp đồng và cáp quang tốt, dẫn tới từng nhà dân bởi Small Cells sẽ vẫn cần phải kết nối với hạ tầng mạng của các nhà mạng. Có thể thấy hai nhà mạng VNPT và Viettel với hệ thống cáp ngầm rộng lớn đang có lợi thế này trước các nhà mạng Vietnammobile, Gtel… trong bước phát triển tiếp theo của mạng 3G. Ngoài ra, việc quản lý băng tần khi triển khai Small Cells cũng là điều phải quan tâm vì có những băng tần của mạng Wi-Fi hiện tại sẽ gây nhiễu đối với các trạm phát sóng nhỏ.

Khôi Linh