Phần mềm Việt, cơ hội bứt phá cả trong và ngoài nước

(Dân trí) - Không chỉ mở rộng sự “bành trướng” ở thị phần gia công nước ngoài, các công ty phần mềm Việt cũng “bao sân” luôn cả thị trường trong nước với nhiều mảng phần mềm khác nhau. Năm 2016 được xem là cơ hội bứt phá của các công ty gia công phần mềm Việt.

aaeaaqaaaaaaaaufaaaajdg3ytg0m2zhltrknmqtngy4os05ogq1lwu1nmvjmjuwyjk2nq-1458018827701-1458627053167

2016 được xem là năm bức phá của các công ty gia công phần mềm Việt

Theo báo cáo năm 2015 của Tholons, TPHCM và Hà Nội lần lượt đứng ở vị trí thứ 18 và 20 trong tốp 100 địa điểm hấp dẫn hàng đầu về gia công CNTT (ITO). Báo cáo năm 2015 của Cushman & Wakefield (C&W) lại thông báo Việt Nam lần đầu tiên đạt vị trí số 1 trong các điểm đến hấp dẫn về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) trên toàn thế giới.

Khả năng cạnh tranh cao

Năm 2015 là năm mà CNTT Việt đã giành được nhiều ảnh hưởng lớn và các thay đổi sau một khoảng thời gian CNTT bị kìm hãm bởi các tác động của nền kinh tế thế giới.

Theo đánh giá của Gartner, một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Bangladesh, Thái Lan… cũng đang có sự tăng trưởng nhanh trong ngành gia công phần mềm.

Tuy nhiên, ngành gia công phần mềm Việt Nam vẫn đang chứng tỏ khả năng cạnh tranh cao trong khu vực; chứng tỏ sự hấp dẫn với các khách hàng đang có nhu cầu gia công phần mềm. Việc ngày càng có nhiều các hãng công nghệ lớn của thế giới đầu tư vào Việt Nam cùng các chính sách khuyến khích ngành CNTT đã giúp đội ngũ kỹ sư CNTT trưởng thành nhanh, tiếp xúc và làm việc trong các mô hình hiện đại. Bên cạnh đó, các hợp đồng cho các dự án lớn và phức tạp hơn từ các nhà đầu tư này cũng được ký kết các công ty CNTT Việt, tạo cơ hội để các công ty này trưởng thành và phát triển hơn.

Một lợi thế khác của CNTT Việt đến từ tập quán văn hóa, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT công ty TMA cho biết, sức mạnh cạnh tranh của thị trường gia công phần mềm Việt Nam đến từ giá cả và tỷ lệ nhân viên CNTT nhảy việc thấp hơn các nước cạnh tranh.

Cụ thể chúng ta ít nhảy việc hơn Ấn Độ (tỷ lệ nhảy việc CNTT Việt Nam hiện khoảng 15% trong khi Ấn Độ là 35%). Ông Lệ cũng cho rằng khả năng đào tạo và thích nghi với công việc của kỹ sư Việt Nam cũng được đánh giá cao. Hàng năm, Việt Nam trên 40.000 sinh viên tốt nghiệp hàng năm từ hơn 290 trường đại học trên cả nước, bổ sung cho nguồn nhân lực kỹ thuật và CNTT Việt đủ sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng bộ phận tư vấn, phân tích & thiết kế của TTSOFT, công ty chuyên về giải pháp ERP và tài chính kế toán cho biết, “Chúng tôi đã triển khai rất nhiều dự án ERP cho Doanh nghiệp May trên khắp cả nước như Tổng Công ty May 10, Công ty TNHH Minh Trí, Công ty CP May Hai, Công ty TNHH Dệt kim Fenix (VN)... Từ thực tế đã triển khai thành công cho nhiều doanh nghiệp, cộng với việc luôn sát cánh cùng khách hàng trong giải quyết các tình huống phát sinh hằng ngày, chúng tôi có lợi thế là hiểu rất rõ những yếu tố tác động đến ngành may, nên có thể hỗ trợ xử lý các tình huống mà những phần mềm khác chưa lường được. Năm 2015 vừa qua, TTSOFT cũng đã ký hợp đồng và triển khai thành công dự án ERP Sewman cho một Doanh nghiệp Hàn Quốc với trị giá hợp đồng gần 7 tỷ”.

Những lợi thế vô hình đó đang dần giúp các doanh nghiệp CNTT Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong và mở đường ra ngoài nước.

Thích ứng nhanh với công nghệ mới

Một ưu điểm khác cũng là cơ sở để tin phần mềm Việt có khả năng bứt phá. Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT công ty FPT Software nhận thấy doanh nghiệp CNTT Việt Nam có sự thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới; có nguồn lực nhân lực CNTT dồi dào; có khả năng học hỏi, nắm bắt xu hướng công nghệ mới rất nhanh… CNTT Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng từ mua sắm CNTT, đầu tư triển khai hệ thống đầu tư lớn sang cho thuê dịch vụ. Không chậm trễ, có khá nhiều doanh nghiệp CNTT đã chuyển hướng qua cách kinh doanh này.

Thấy rõ nhất là ở thị trường phần mềm kế toán trong nước, đây là thị trường phần mềm có thể nói là duy nhất mà người dùng Việt 100% sử dụng phần mềm Việt. Phần mềm kế toán Việt Nam được viết với giao diện bằng tiếng Việt hoàn toàn, cập nhật liên tục các thay đổi thường xuyên của Bộ Tài chính trong hệ thống tài khoản, hạch toán, hệ thống báo cáo… trong nền kế toán và thuế đặc thù mà các doanh nghiệp CNTT nước ngoài khó nắm bắt và cạnh tranh được.

Thế nên với thế mạnh thấu hiểu, các doanh nghiệp CNTT đã tập trung cải thiện các phần mềm kế toán theo hướng đơn giản hóa bằng công nghệ cao để cho nhiều người có thể nắm bắt và sử dụng, kể cả khi không có chuyên môn kế toán. Việc tính toán hay xuất báo cáo thủ công được hạn chế tối đa, phù hợp cho các doanh vừa, nhỏ hay siêu nhỏ vốn chiếm tỉ trọng lớn các doanh nghiệp chủ yếu ở nước ta.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh: “Việc thiết kế phần mềm hiện nay cần theo hướng đơn giản, bắt kịp xu thế với tiêu chí phải thật đơn giản và đặc biệt phải cập nhật từng ngày các quy định mới phải thật đầy đủ. Chẳng hạn, phần mềm Kế toán 1A 2016 được bổ sung đủ các tính năng cơ bản, thường dùng và tạo cho người dùng thấy dễ và quen thuộc như Excel. Tất nhiên, các tính năng quan trọng phải liên tục cập nhật, đáp ứng nhu cầu cao của các doanh nghiệp nhỏ, linh động như: Quản lý tiền lương, BHXH, Thuế TNCN, Quản lý hóa đơn, hỗ trợ kê khai thuế. Ngoài ra còn có giao diện chuyên dụng cho bộ phận kinh doanh, lãnh đạo DN...”

Với khả năng đáp ứng nhanh thị trường, giá tốt, hiệu quả và linh hoạt mở rộng như thế, cơ hội để phần mềm Việt bứt phá khẳng định mình không phải là quá xa. Theo tập đoàn Tư vấn Frost & Sullivan, doanh thu ngành CNTT-TT được dự đoán sẽ đạt 55 tỉ USD, tăng hơn 35% trong năm 2016 sau khi tăng mạnh trong năm 2015. Dự đoán này dựa trên cơ sở các doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trong cả thị trường trong nước và quốc tế.

Song song đó, vào đầu tháng 3 vừa qua, sau thành công của Hội nghị phát triển gia công CNTT Việt Nam VNITO 2015, Ban tổ chức VNITO (Vietnam IT Outsourcing) 2015 và Câu lạc bộ Doanh nghiệp Gia công phần mềm (Software Outsourcing Club) đã quyết định hợp nhất và thành lập Liên minh gia công phần mềm VNITO (tên tiếng Anh: VNITO Alliance).

Trong năm 2016, Liên minh VNITO sẽ tổ chức Chương trình xúc tiến tại Mỹ, Nhật Bản và các nước khác như New Zealand, Singapore... Đồng thời tổ chức các buổi hội thảo định kỳ chia sẻ các vấn đề về nhân lực, công nghệ, quản lý hoạt động, quảng bá truyền thông... Kỳ vọng sẽ giúp cho phần mềm Việt có cơ hội bứt phá cả trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Phan Tuấn