Phải làm gì để bảo vệ an toàn tài khoản trực tuyến?

(Dân trí) - Những lưu ý dưới dây sẽ giúp bạn bảo vệ an toàn hơn cho các tài khoản trực tuyến của mình như email, mạng xã hội... để hạn chế khả năng bị hacker lấy cắp các tài khoản này.

Thường xuyên thay đổi mật khẩu tài khoản

Nhiều người dùng thường không có thói quen thay đổi mật khẩu tài khoản trực tuyến của mình, bản thân các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng ít khi nhắc nhở người dùng trong việc thay đổi mật khẩu đăng nhập.

Đổi mật khẩu thường xuyên là một cách để tránh bị hacker lấy cắp tài khoản, dù tin tặc có tấn công trực tiếp vào máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ
Đổi mật khẩu thường xuyên là một cách để tránh bị hacker lấy cắp tài khoản, dù tin tặc có tấn công trực tiếp vào máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ

Để bảo vệ an toàn cho tài khoản của mình, người dùng nên hình thành thói quen thay đổi tài khoản trực tuyến của mình sau một khoảng thời gian nhất định (sau vài tháng nên thay đổi mật khẩu một lần). Như vậy, cho dù hacker có tấn công, lấy cắp và công khai thông tin đăng nhập lên mạng Internet, tài khoản của bạn có thể vẫn được an toàn do mật khẩu đăng nhập đó đã cũ do bạn thường xuyên thay đổi chúng.

Không sử dụng chung một mật khẩu cho nhiều tài khoản trực tuyến

Nhiều người có thói quen sử dụng chung một mật khẩu đăng nhập cho nhiều tài khoản và đây là một thói quen “chết người”. Ưu điểm của thói quen này đó là người dùng không phải ghi nhớ quá nhiều mật khẩu khác nhau nhưng bù lại nếu không may một tài khoản bị hacker chiếm đoạt mật khẩu đăng nhập, tin tặc có thể sử dụng mật khẩu này để đăng nhập thử vào các tài khoản khác của người dùng, từ đó chiếm đoạt thành công các tài khoản khác.

Do vậy tốt nhất hãy sử dụng mật khẩu khác nhau cho mỗi tài khoản trực tuyến bạn đang có. Tuy nhiên điều này sẽ khiến người dùng phải vất vả ghi nhớ từng mật khẩu đăng nhập cho các tài khoản của mình, dẫn đến nguy cơ quên mật khẩu đăng nhập. Trong trường hợp này, sử dụng một phần mềm quản lý mật khẩu sẽ giúp bạn quản lý thông tin đăng nhập dễ dàng hơn.

Phần mềm quản lý mật khẩu là những phần mềm cho phép người dùng quản lý và lưu trữ thông tin đăng nhập tài khoản trực tuyến (bao gồm tên sử dụng và mật khẩu) một cách an toàn. Các dữ liệu này sẽ được phần mềm mã hóa và bảo vệ, người dùng sẽ cần một mật khẩu tổng để xem các thông tin do phần mềm quản lý. Với phần mềm này, người dùng sẽ không cần phải tốn công ghi nhớ mật khẩu của từng tài khoản đăng nhập trên Internet, mà thay vào đó bạn chỉ cần nhớ mật khẩu tổng của phần mềm, sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều.

SuperEasy Password Manager sẽ giúp bạn quản lý hiệu quả hơn các tài khoản trực tuyến, để bạn không phải ghi nhớ những mật khẩu phức tạp cho mỗi tài khoản
SuperEasy Password Manager sẽ giúp bạn quản lý hiệu quả hơn các tài khoản trực tuyến, để bạn không phải ghi nhớ những mật khẩu phức tạp cho mỗi tài khoản

Trong trường hợp này bạn đọc có thể sử dụng phần mềm quản lý mật khẩu miễn phí SuperEasy Password Manager (download miễn phí tại đây. Xem hướng dẫn sử dụng phần mềm đã được Dân trí giới thiệu tại đây).

Sử dụng mật khẩu mạnh

Brute-force là hình thức tấn công mà hacker sử dụng một công cụ để thử nghiệm mọi mật khẩu có thể từ đó tìm ra được mật khẩu chính xác để đăng nhập vào tài khoản trực tuyến. Việc sử dụng các mật khẩu đơn giản như một chuỗi số hoặc một chuỗi ký tự gần giống nhau sẽ khiến hacker mất không quá nhiều thời gian để tìm ra mật khẩu của người dùng.

Ngoài ra nhiều người có thói quen sử dụng ngày sinh nhật hoặc các thông tin cá nhân để làm mật khẩu cho mình, điều này có thể khiến tin tặc dễ dàng đoán ra được mật khẩu đăng nhập của bạn.

Do vậy, cách tốt nhất là sử dụng những mật khẩu đủ mạnh để cho hacker khó có thể đoán ra, cho dù sử dụng các công cụ bẻ khóa mật khẩu cũng phải mất rất nhiều thời gian.

Cách tốt nhất đó là sử dụng kết hợp cả chữ, số, chữ hoa, chữ thường và các ký tự để khiến cho mật khẩu phức tạp và khó đoán hơn. Dĩ nhiên điều này cũng kéo theo nhược điểm là bạn sẽ khó ghi nhớ những mật khẩu này, do vậy bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của phần mềm quản lý mật khẩu (đã đề cập ở trên) để lưu trữ mật khẩu của mình.

Kích hoạt chế độ mật khẩu 2 lớp

Các dịch vụ trực tuyến ngày nay như Gmail, Facebook, Yahoo, Dropbox, Box... đều cung cấp chế độ mật khẩu 2 lớp để bảo vệ an toàn cho tài khoản của người dùng.

Với cơ chế mật khẩu 2 lớp, mỗi khi bạn đăng nhập vào tài khoản trực tuyến, quá trình không chỉ yêu cầu bạn điều mật khẩu của tài khoản, mà còn yêu cầu xác nhận thêm lớp mật khẩu thứ 2. Mật khẩu thứ 2 này sẽ gửi về điện thoại của bạn dưới dạng tin nhắn hoặc thông qua ứng dụng của nhà cung cấp dịch vụ. Bạn phải khai báo đúng 2 mật khẩu (mật khẩu hộp thư và mật khẩu thứ 2) mới có thể đăng nhập vào tài khoản.

Mật khẩu hai lớp là giải pháp hiệu quả nhất để chống lại tin tặc
Mật khẩu hai lớp là giải pháp hiệu quả nhất để chống lại tin tặc

Với cách thức này, nếu hacker có đánh cắp được mật khẩu hộp thư Gmail của bạn vẫn không thể đăng nhập vào hộp thư này vì còn vướng lớp bảo mật bằng mật khẩu thứ 2.

Cơ chế bảo mật 2 bước được xem là vũ khí tốt nhất để chống lại hacker tấn công và xâm nhập vào các tài khoản cá nhân chứa thông tin, dữ liệu quan trọng.

Bạn đọc có thể tham khảo cách thức để kích hoạt mật khẩu 2 lớp đã dành cho hộp thư Gmail đã được Dân trí giới thiệu tại đây và mật khẩu 2 lớp dành cho Facebook đã được Dân trí giới thiệu tại đây.

Phải biết cách tự bảo vệ mình

Không ai có thể bảo vệ được bạn hơn chính ý thức tự bảo vệ bạn, nhất là trong môi trường Internet đầy cạm bẫy, người dùng cần phải trang bị những kiến thức để tránh mắc bẫy của tin tặc từ đó bị đánh cắp các tài khoản trực tuyến.

Trong quá trình sử dụng Internet, tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ được gửi đến email hoặc thông qua các phần mềm chat, cũng như không cung cấp mật khẩu đăng nhập tài khoản khi được hỏi dù đó là người quen, bởi lẽ có thể tin tặc đã lấy cắp tài khoản của người đó và lợi dụng để lấy cắp thông tin từ bạn.

Bạn có thể tuân thủ theo những lưu ý kể trên để giúp cho tài khoản trực tuyến của mình trở nên an toàn hơn.

Phạm Thế Quang Huy