Nokia, Sony Ericsson có chinh phục được thị trường Mỹ?

(Dân trí) - Hai hãng sản xuất điện thoại rất thành công trên thị trường di động đang hy vọng chinh phục “con tim” của người dùng Mỹ bằng những dòng điện thoại mở khóa. Song, với mức giá quá cao so với những mobile được trợ giá, liệu hai ông lớn này có “ăn nên làm ra”?

Hết lòng vì “thượng đế”

 
Nokia, Sony Ericsson có chinh phục được thị trường Mỹ? - 1
Sony Ericsson W995a sở hữu nhiều tính năng mạnh nhưng giá bán 600 USD không lấy lòng được người dùng Mỹ
 
 

Về tính năng, những điện thoại mới của Nokia và Sony Ericsson không có gì phải lo ngại bởi chúng có thể cạnh tranh được với những mobile hot nhất trên thị trường hiện nay.

 

Nokia N97 là điện thoại cảm ứng hỗ trợ mạng 3G và Wi-Fi, được tích hợp camera 5 megapixel, bộ nhớ 32GB. N97 được đánh giá là đối thủ thực sự của điện thoại iPhone 3GS của Apple và Palm Pre.

 

Trong khi đó, Sony Ericsson W995a cũng là điện thoại đa kết nối, hỗ trợ cả 3G và Wi-Fi, camera 8,1 megapixel và màn hình sáng nét. Máy có máy nghe nhạc cùng nhiều tính năng mạnh, như Bluetooth và GPS. Về tính năng, W995a vượt hội hơn những dòng điện thoại cao cấp đang bán khá chạy ở Mỹ, như LG enV3 do Verizon Wireless phân phối và Samsung Memoir T929 của T-Mobile.

 

Tuy nhiên, dù không kém cạnh về tính năng nhưng những chiếc điện thoại này của Nokia và Sony Ericsson không có đối tác phân phối là các hãng viễn thông, thế nên chúng không được trợ giá - giá bán đắt hơn rất nhiều so với khả năng chi trả của người dùng bình dân. N97 có giá bán lẻ là 700 USD, và Sony bán W995a với giá 600 USD.

 

Trong khi đó, AT&T bán phiên bản 8GB iPhone 3G chỉ có 99 USD, 16GB iPhone 3GS 199 USD và 32GB iPhone 3GS 299 USD. Đổi lại, AT&T yêu cầu người dùng ký hợp đồng 2 năm sử dụng dịch vụ. Phí dịch vụ bao gồm cước đàm thoại và dữ liệu tối thiểu là 70 USD/tháng.

 

“Tại thị trường Mỹ, giá bán là một yếu tố cực kỳ quan trọng để người dùng quyết định mua một chiếc điện thoại”, Will Stofego - một nhà phân tích của IDC - nói. “Người dùng sẽ đặt câu hỏi tại sao lại phải trả đến 500 USD để mua điện thoại trong khi mua iPhone chỉ mất 100 USD? Tất nhiên, người dùng phải ký một hợp đồng sử dụng dịch vụ 2 năm, nhưng có vẻ như mọi người đều rất hài lòng với hình thức kinh doanh này”.

 

Nếu như điện thoại “khóa” quá phổ biến ở Mỹ thì những thiết bị “mở” - có thể sử dụng ở nhiều mạng di động khác nhau - lại chỉ xuất hiện ở các thị trường “chợ đen”, mua hàng xách tay từ nước ngoài. Nhiều hãng sản xuất đã bắt đầu bán điện thoại trên các website, tại các cửa hàng bán lẻ và thông qua một số kênh bán lẻ lớn, như Best Buy. Nokia đã mở một số cửa hàng bán lẻ tại Mỹ và Sony Ericsson cũng chào bán các model thông qua kênh bán lẻ của hãng trên đất Mỹ.

 

Trong nỗ lực chinh phục thị trường Mỹ, Nokia và Sony Ericsson cũng “nhún nhường”, cho phép các điện thoại bán tại đây có thể hoạt động trên các băng tần mà AT&T và T-Mobile - hai mạng GSM hàng đầu của Mỹ.

 

Một “chiêu” chiều lòng khách hàng nữa mà Sony Ericsson áp dụng là tặng thời gian bảo hành khi mua điện thoại mở khóa tại Mỹ. Từ trước tới nay, hãng này không bảo hành cho những điện thoại sản xuất ở một nước nhưng lại sử dụng ở nước khác.

 

Gian nan cách trở

 
Nokia, Sony Ericsson có chinh phục được thị trường Mỹ? - 2
Nokia N97 khó lòng rút được 700 USD từ hầu bao của người dùng Mỹ
 
 

Mặc dù nỗ lực hết sức nhằm đưa điện thoại mở tấn công thị trường di động Mỹ nhưng có vẻ như “mảnh đất màu mỡ” này không hề dễ “xơi”. Tại nước này, chỉ khoảng 5% điện thoại bán ra mỗi năm là điện thoại mở, và chủ yếu là hàng xách tay. Xu hướng này hoàn toàn khác so với các thị trường khác. Trên toàn thế giới, điện thoại mở chiếm khoảng 50% điện thoại bán ra thị trường. Riêng châu Á, khoảng 80% điện thoại được kích hoạt hoạt động độc lập với các nhà mạng. Và ở châu Âu, con số này là 70%.

 

Thực tế thì có rất nhiều nguyên nhân tạo ra sự khác biệt này. Thứ nhất, hai trong bốn nhà mạng lớn của Mỹ sử dụng công nghệ CDMA - không sử dụng thẻ SIM để thay đổi trong các điện thoại. Trong khi đó, hầu hết các mạng di động trên thế giới đều dùng công nghệ GSM, có thể dùng các loại SIM card khác nhau. Và, do người dùng mua điện thoại mở để dùng nhiều SIM khác nhau của các mạng khác nhau. Trong khi đó, điện thoại của Nokia, Sony Ericsson đều là hoạt động trên mạng GSM, thế nên, nó lại bị hạn chế trong 2 mạng AT&T và T-Mobile khi “đặt chân” đến Mỹ.

 

Tuy nhiên, một lý do lớn nhất giữ chân điện thoại mở khóa chưa thể “khởi sắc” tại Mỹ là chúng quá đắt so với điện thoại khóa được trợ giá.

 

Thật lòng mà nói, chính Nokia và Sony cũng xác định, điện thoại mở tại Mỹ chỉ thuộc vào thị trường ngách (niche) với khách hàng chủ yếu là những người yêu công nghệ và những người thường xuyên đi nước ngoài để du lịch và làm việc.

 

Cơ hội vàng đang đến với Nokia và Sony Ericsson?

 

Tuy vậy, Sony và Nokia không hoàn toàn mất cơ hội trong cuộc chinh phục trái tim người dùng Mỹ. Hai ông lớn này có thể sẽ được sự trợ giúp từ chính phủ. Ủy ban viễn thông liên bang (FCC) và quốc hội Mỹ đang điều tra về những hợp đồng độc quyền giữa các hãng viễn thông với các nhà sản xuất điện thoại. Và, một số quan chức đã lên tiếng sẽ yêu cầu các nhà mạng phải vô hiệu hóa một số tính năng nhất định của các điện thoại khóa.

 

Thật khó để nói liệu FCC hay quốc hội Mỹ có hạn chế được hoạt động kinh doanh đã đi vào máu của người dân Mỹ hay không. Bởi dù động thái này sẽ giúp người dùng có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn nhưng cũng chính họ phải mở nhiều hầu bao hơn.

 

Có lẽ giải pháp tốt nhất cho những công ty nào muốn thâm nhập thị trường Mỹ là hãy sản xuất điện thoại giá thành rẻ nhưng vẫn đủ sức đánh bật các đối thủ. Sony Ericsson có thể trợ giá cho điện thoại của mình bằng cách tính phí cho các trò chơi và ứng dụng điện thoại. Cách làm này rõ ràng đã được thực hiện rất hiệu quả trên thị trường game. Và thành công của gian hàng App Store của Apple là một minh chứng cho điều này.

 

Và, một lần nữa, giá bán vẫn là yếu tốt quyết định cho sự thành công của kế hoạch này. Người dùng đã chấp nhận chi 99 cent để mua các ứng dụng trên gian hàng App Store.
 
N.H.
Theo CNet