Những dự án máy tính giá rẻ VN “đi về nơi xa lắm”

Liên minh G6 tuyên bố giải tán, thương hiệu Thánh Gióng đang “ở buổi xế chiều”. Nhiều tuyên bố, dự kiến của các nhà sản xuất khác về máy tính giá rẻ không được thực thi... Giờ đây, những người trong cuộc thừa nhận không dễ để có một kế hoạch dài hơi cho chiến lược kinh doanh kiểu này.

Tại website riêng của liên minh máy tính G6 (g6computer.com.vn), ở vị trí dễ thấy nhất là dòng quảng bá mang nội dung hứa hẹn thương hiệu này sẽ trở nên uy tín nhất Việt Nam với doanh số, dịch vụ và giá thành tốt nhất. Song, trang web này đang “đắp chiếu” với thông tin đăng tải đã lỗi thời cả năm nay.

Thực tế là cách đây ít lâu, liên minh G6 (gồm các công ty máy tính ở Hà Nội là Trần Anh, Mai Hoàng, Phúc Anh, Vĩnh Trinh, Máy tính Hà Nội, Ben) đã âm thầm giải tán dù 1 năm trước đây, họ còn có ý tưởng thành lập doanh nghiệp chung. “Chúng tôi từng tính đến chuyện thành lập công ty, nhưng để làm điều đó phải định giá được từng doanh nghiệp và sau đó là giải tán hết những cái riêng, vì duy trì cả hai sẽ bất ổn. Điều đó là không thể. Hơn nữa, khi kết hợp thì có nhiều vấn đề nảy sinh”, ông Trần Xuân Kiên, Giám đốc Công ty Trần Anh - một thành viên của liên minh G6, lý giải. “Sau sự kiện trao quà cho các thủ khoa năm ngoái, chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều phương án hoạt động nhưng không tìm được tiếng nói chung. Vậy là giải tán”.

 

Khi mới xuất hiện, G6 cũng đã tạo được dấu ấn nhất định trên thị trường. Theo ghi nhận của PV, vào thời điểm “vàng son”, mỗi thành viên của liên minh này tiêu thụ xấp xỉ 400 bộ PC/tháng. Nhưng rồi, sức nóng ấy nguội dần và 1 năm trở lại đây con số này giảm tới mức chưa đến 10 PC/tháng. Các doanh nghiệp trong G6 lần lượt loại bỏ thương hiệu này ra khỏi bảng báo giá của mình. Giám đốc một công ty thành viên khác trong G6 thừa nhận nếu bây giờ có khách hàng muốn mua máy G6 cấu hình như trên website đang quảng cáo thì cũng... xin chịu vì các linh kiện cho nó đã ngừng sản xuất, nếu có thì cũng rất đắt.

 

Trong khi đó, dự án máy tính giá tốt đầu tiên có mặt trên thị trường là Thánh Gióng từ lâu cũng đã... im hơi lặng tiếng vì cả FPT và CMS, 2 nhân vật chính của chương trình, đều không có hoạt động quảng bá, khuếch trương nào dành cho thương hiệu này. Ông Nguyễn Minh Huyên, Giám đốc thương hiệu của CMS, cho biết: “Chúng tôi vẫn duy trì nhãn hiệu Thánh Gióng cho một số khách hàng bán lẻ. Nhưng nói là rất quan tâm và lên kế hoạch thúc đẩy nó thì không. Chúng tôi chỉ coi đó là thương hiệu có sẵn, có uy tín nhất định chứ chưa bao giờ coi đó là sản phẩm định vị của mình”.

 

Thời gian qua, một dự án máy tính xách tay giá rẻ thương hiệu Vopen với sự hậu thuẫn của Intel dành cho 8 doanh nghiệp trong nước cũng đã đi vào quên lãng mà không gợn chút dư âm nào trên thị trường.

 

Một người trong cuộc nhận định: “Các chương trình máy tính giá rẻ nói chung là đã thất bại nhưng không ai muốn công nhận điều đó”.

 

Giám đốc thương hiệu của CMS khẳng định doanh nghiệp này từng đầu tư hàng tỷ đồng cho Thánh Gióng vì những cam kết với Trung ương Đoàn và thấy có trách nhiệm xã hội trong chương trình này. “Còn nếu vì 100% mục đích kinh doanh thì CMS sẽ không làm theo mô hình Thánh Gióng, tức là máy tính giá rẻ”, ông Huyên phân tích. “Khi cố gắng làm rẻ thì đồng nghĩa với việc hy sinh chất lượng, uy tín. Đó là cả vấn đề lớn và phức tạp. Với Thánh Gióng, mức thu và chi bù nhau khá vất vả”.

 

Nhiều doanh nghiệp máy tính cũng cho rằng nếu không có một sức mạnh lớn về tài chính và chiến lược tốt thì khó doanh nghiệp nào có thể bám trụ và phát triển được bằng hướng đi này. Máy tính giá rẻ khác với điện thoại và dịch vụ hàng không giá rẻ bởi tính tích hợp cao, kéo theo sự rủi ro lớn. Điều đó sẽ đưa doanh nghiệp đến chỗ quá tải về dịch vụ đã cam kết hoặc thất hứa với khách hàng.

 

Dù thừa nhận nhu cầu máy tính tầm trung cả về giá và chất lượng còn rất lớn, mỗi doanh nghiệp của G6 hay Thánh Gióng đều đang theo đuổi những phương án và sản phẩm ưu tiên riêng. Định hướng của CMS là các dòng sản phẩm máy tính xách tay chất lượng tốt và đề cao giá trị về dịch vụ. Còn mỗi thành viên G6 lại cho ra đời máy tính thương hiệu của riêng mình. Phúc Anh có SunPac, Mai Hoàng là ISTC, Vĩnh Trinh là Super Power... Riêng Trần Anh tiết lộ máy nhãn hiệu Tiger của doanh nghiệp này đang tiêu thụ khoảng 400 bộ/tháng. Thời gian tới sẽ còn tăng nhiều hơn nữa vì sức mua đang mạnh dần vào dịp cuối năm.

 

“Tôi cho rằng trong 1-2 năm nữa, sẽ không còn chuyện người mua chọn, nhặt linh kiện để lắp thành một bộ PC nữa mà họ sẽ lựa chọn tức thời máy nguyên chiếc có thương hiệu”, Giám đốc Trần Anh, ông Trần Xuân Kiên, dự đoán.

 

Còn đại diện CMS thì khẳng định: “Lượng khách hàng quan tâm máy tính giá rẻ còn nhiều nhưng đến một ngưỡng nào đó, máy tính sẽ rẻ đến mức giá cả không còn là vấn đề đáng quan tâm. Khi đó sẽ là câu chuyện của máy tính xách tay chứ không phải máy để bàn”.

 

Theo Nguyễn Hằng

VnExpress