Nhức nhối SIM rác - “gõ” là thấy, gọi là lấy!

(Dân trí) - Đó là thực trạng "nóng bỏng" hiện nay khi tình trạng SIM rác ngày càng bùng phát mạnh mẽ. Chỉ cần gõ tìm kiếm trên mạng là có thể thấy, gọi để giao hàng nhanh… hay thậm chí những bán SIM có chức năng spam tin nhắn, gây nhức nhối trong dư luận.

SIM kích hoạt sẵn “vô tư” bày bán 

 

Dạo quanh các cửa hàng tại khu vực quận Phú Nhuận, PV Dân trí ghi nhận tình trạng hầu hết các cửa hàng bán SIM Card đều bày bán các SIM kích hoạt sẵn, chỉ từ 30.000 đồng, người dùng có thể mua ngay 1 SIM rác với tài khoản lên đến 40.000, 50.000 đồng. Tuỳ theo mức giá SIM mà tài khoản có số tiền tích hợp sẵn cao hơn. 

 

Trong thời đại công nghệ phát triển chóng mặt như hiện nay, chỉ cần lên mạng, người dùng cũng có thể mua ngay 1 chiếc SIM với giá trị tương ứng. 


SIM kích hoạt sẵn được chào bán công khai
SIM kích hoạt sẵn được chào bán công khai


Thử tìm kiếm trên một website chuyên mua bán đồ công nghệ cao, khu vực chợ SIM luôn tấp nập với những giới kinh doanh SIM chào bán những chiếc SIM có giá trị cao cùng những dòng SIM rác. Đáng chú ý, hầu hết các chủ đề về SIM giá rẻ, SIM cho sinh viên luôn đông khách và người bán vô tư bày bán các dòng SIM này. 

 

Khi truy cập vào một chủ đề bán SIM 10 số, tại đây chúng tôi ghi nhận, thông tin về SIM được bày bán công khai và vô tư ghi tài khoản có sẵn trên SIM. Với một chiếc SIM 0901.308370 chào bán 80.000 đồng nhưng tài khoản kích hoạt sẵn có 90.000 đồng. 

 

PV liên lạc với người bán trên tại quận 10, TPHCM để hỏi mua SIM, người bán này cho hay: “Đây là SIM kích hoạt sẵn rồi, chỉ cần mua và bỏ vô máy là có thể nghe gọi được rồi, không cần làm gì cả, mua SIM 90.000 đồng/1 số 10 số dễ nhớ sẽ có ngay 80.000 đồng. SIM 100 ngàn đồng có ngay 120.000 đồng…”

 

Khi được hỏi việc có cần khai báo thông tin để được đăng kí chủ SIM hay không, người bán cho biết: “Vì SIM kích hoạt sẵn nhưng chưa có thông tin, cứ mang SIM ra cửa hàng MobiFone họ sẽ chuyển đổi tên cho người dùng. Hoặc có thể đọc 5 cuộc gọi gần nhất để thay đổi tên họ của chủ SIM.” 

 

Thử truy cập vào một số chủ đề bán SIM khác dành cho sinh viên, giá SIM bán ra tuỳ mức độ số dễ nhớ để định giá nhưng hầu hết đều có mức giá chung, giá mua SIM mới có tài khoản cao hơn so với giá phải trả.

 

Cho thuê SIM rác vô tội vạ để “spam" 

 

Bên cạnh việc bán SIM sai quy định thì thị trường còn nóng bỏng hơn khi công khai chào bán, cho thuê hoặc nhận cả dịch vụ spam tin nhắn quảng cáo đến các SIM của người dùng. 


Cho thuê SIM spam nhan nhản trên mạng

Cho thuê SIM spam nhan nhản trên mạng

 

Có rất nhiều người bán công khai chào bán, thuê dịch vụ này rất nhiều với nhiều mức giá khác nhau. Tại một chủ đề “Nhận bắn tin Spam, SMS quảng cáo - Spam SMS giá siêu tốt” , người bán dịch vụ này nhận bắn tin nhắn Spam SMS quảng cáo cho người dùng với số lượng tối thiểu là 10.000SMS/mạng/lần gửi với giá trị 30 đồng cho mỗi tin nhắn của nhà mạng MobiFone và VinaFone. Ở nhà mạng Viettel sẽ là 38 đồng cho mỗi tin nhắn với 100 ký tự, 45 đồng cho mỗi tin nhắn với 160 ký tự. 

 

Nhẩm tính, 10.000 SMS sẽ có giá 300.000 đồng, trong khi 1 tin nhắn gửi đi bình thường của một mạng MobiFone gửi đi nội mạng là 200 đồng/sms và liên mạng là 250 đồng/SMS. Tính ra, 1 tin nhắn quảng cáo gửi đi, đơn vị mua tiết kiệm được 170 đồng, và 10.000 SMS tiết kiệm đến 1,7 triệu đồng. 



Giá dịch vụ rẻ thu hút 

Giá dịch vụ rẻ thu hút nhiều công ty nhỏ lẻ muốn quảng bá các dịch vụ


Có lẽ vì sức “hấp dẫn” quá lớn nhờ chi phí rút gọn đáng kể, nên dịch vụ này luôn thu hút sự quan tâm của nhiều công ty nhỏ lẻ muốn quảng bá các dịch vụ của mình đến gần hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiệu ứng của chương trình thì đi ngược lại hoàn toàn!

 

Hầu hết người dùng khi được hỏi đều tỏ ra bực bội khi phải ngày nào cũng nhận những tin rác đầy điện thoại, từ chào bán nhà, bán SIM, bán các dịch vụ mà họ không cần tới… Đặc biệt hơn là tình trạng lừa đảo qua tin nhắn, thông báo trúng thưởng… nhằm rút ruột của người dùng diễn ra nhan nhản! Và người dùng cảm thấy mệt mỏi vì tin nhắn rác.

 

Chính vì vậy, nhiều người dùng khi được hỏi đều cho biết, họ khá mệt mỏi khi phải nhận những tin nhắn rác như vậy, chỉ thấy là xoá ngay và chẳng "buồn" để đọc. Chính lý do trên cho thấy, hiệu ứng của chương trình có thể được xem là thất bại đáng kể, chưa kể gây ảnh hưởng xấu về uy tín của đơn vị quảng cáo theo dạng này. 

 

Cần quyết liệt “tẩy chay” SIM rác và tin nhắn rác

 

Tin nhắc rác ồ ạt tấn công, gây phiền nhiễu cho người tiêu dùng

Tin nhắc rác ồ ạt "tấn công", gây phiền nhiễu cho người tiêu dùng


Liên quan đến tình trạng ngày càng bùng phát của SIM rác, tin nhắn rác gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội…, tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2014 và Triển khai nhiệm vụ năm 2015, Bộ Thông tin & Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT - yêu cầu Cục Viễn thông phải tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước, giảm thuê bao ảo, SIM rác; tích cực phối hợp với Bộ Công an trong việc hoàn thiện và sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử về Chứng minh nhân dân, nhanh chóng hoàn thiện các quy định về kết nối giữa nhà mạng với CP, quy định chi tiết về đầu số, tỷ lệ phân chia giá cước.... đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp CP, hạn chế tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo... Cục cũng phải nghiên cứu, đề xuất quy định quản lý giá cước quảng cáo; Sớm hoàn thiện thông tư quản lý ứng dụng OTT, có cơ chế hạn chế tình trạng gửi tin nhắn rác qua OTT.

 

Chỉ thị yêu cầu các nhà mạng sẽ phải xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa trong nội dung; chủ động thống kê, thu thập các từ khóa thường xuyên xuất hiện trong tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo để cập nhật cho hệ thống này; Triển khai các đợt nhắn tin tới cho tất cả thuê bao trong mạng (theo yêu cầu của cơ quan quản lý) để nâng cao nhận thức cho người sử dụng về phòng, chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; Báo cáo kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước và thông báo cho người dùng khi có các vụ việc tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo có quy mô rộng và tính chất nghiêm trọng.

 

Ngoài ra, nhà mạng phải tăng cường rà soát, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung (CP) đang hợp tác với mình. Nếu phát hiện doanh nghiệp nào có dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cung cấp dịch vụ có nội dung không lành mạnh, nội dung vi phạm pháp luật thì chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh theo các điều khoản quy định trong hợp đồng. Các nhà mạng  cần báo cáo Bộ TT&TT để theo dõi và có hình thức xử lý thích hợp.

 

Đồng thời, theo quy định của Bộ TT&TT đã ban hành về việc quản lý thuê bao di động trả trước có bắt buộc thuê bao phải đăng ký thông tin cá nhân, SIM bán ra phải là SIM trắng, không được kèm tài khoản và mỗi cá nhân không được sở hữu quá 3 SIM/1 mạng.

 

Quy định là thế, nhưng thực trạng này vẫn còn diễn biến vô cùng phức tạp và đang gây ra những nhức nhối và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân. Thậm chí, những dịch vụ cho thuê tin nhắn Spam còn tiếp tục gây ám ảnh người dân với những tin nhắn lừa đảo, khủng bố… Nếu tình trạng trên tiếp diễn thì người dân vẫn còn là những nạn nhân cho những kẻ lừa đảo lợi dụng lòng cả tin để chiếm đoạt tài sản… 

 

Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc hiệu quả để làm trong sạch thị trường SIM, loại bỏ những công ty, cá nhân nhận spam dịch vụ tin nhắn rác đến người dân… Ngoài ra nhà mạng cũng cần có biện pháp mạnh đối với những doanh nghiệp vi phạm theo như chỉ đạo của Sở TT-TT TPHCM vào ngày 27/1 vừa qua: “Khi phát hiện có trường hợp doanh nghiệp cung cấp nội dung dịch vụ phát tán tin nhắn rác, tin nhán lừa đảo, vi phạm pháp luật thì các nhà mạng phải chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh.”


Quốc Phan