Nguồn nhân lực thiết kế vi mạch Việt giỏi nhưng thiếu!

(Dân trí) - Với thành công bước đầu trong đào tạo và hợp tác thiết kế vi mạch cho một doanh nghiệp của Nhật Bản, ICDREC đang chứng minh cho việc đào tạo ra những nhân lực tốt trong ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế, nguồn lực này hiện đang rất thiếu.

Nhân lực đầu tiên của "lò đào tạo" gia công cho công ty Nhật

Sáng ngày 9/6, tại TPHCM, Ban chỉ đạo chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch TPHCM giai đoạn 2013-2020 đã chính thức bế giảng khóa đào tạo thiết kế vi mạch tương tự (Analog +1). Đây là khóa đào tạo nhân lực đầu tiên của đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch thuộc Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch của TPHCM.

Theo công bố từ trung tâm ICDREC (ĐHQG TPHCM - đơn vị tổ chức và đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch tương tự Analog +1 cho biết: "Qua 10 tháng học tập và nghiên cứu, 15 học viên đã hoàn tốt nội dung chương trình đào tạo. Đây cũng là nguồn nhân lực đầu tiên của Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch của TPHCM." 

Đáng chú ý, sản phẩm của các học viên khi kết thúc khóa học đào tạo là bản thiết kế lõi IP cứng Delta-Sigma Modulator (DSM) 24-bit. Bản thiết kế được gửi đi chế tạo ở nước ngoài và kết quả kiểm tra các đặc tính kỹ thuật của chip Analog đáp ứng được yêu cầu của thiết kế ban đầu đặt ra.  

Chính những bước đi đầu tiên đầy vững chắc trong chương trình đào tạo, đã sản xuất ra những sản phẩm thiết kế vi mạch chất lượng và giá phải chăng, tạo được niềm tin ở các công ty, tập đoàn trên thế giới. 

Đại diện ICDREC và CM Engineering ký kết hợp tác

Đại diện ICDREC và CM Engineering ký kết hợp tác

Minh chứng rõ ràng nhất, ICDREC đã công bố ngay tại buổi lễ bế giảng lần này với việc đã ký hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tương tự cho một đối tác Nhật Bản - công ty CM Engineering. 

Trao đổi với Dân trí, ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC cho biết: "Đây được xem là một bước tiến mới trong việc hợp tác phát triển công nghiệp vi mạch giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung cũng như sự hợp tác phát triển trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tương tự nói riêng. Sự thành công của việc hợp tác sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hơn nữa việc tạo ra các sản phẩm vi mạch chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu của xã hội và tạo ra một nền tảng vững chắc trong việc phát triển các chương trình đào tạo ra các kỹ sư giỏi, phục vụ cho ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam trong thời gian tới". 

Đánh giá cho sự hợp tác lần này, ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM cho biết: "Hôm nay, ICDREC ký hợp tác gia công các sản phẩm vi mạch cho CM Engineering (Nhật Bản) được xem là dấu chứng nhận cho kết quả, chất lượng của chương trình đào tạo thiết kế vi mạch tương tự (Analog +1), thuộc Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch của TPHCM."

Góp ý cho chương trình đào tạo, ông Lê Thái Hỷ cho hay: "Đây là khóa bồi dưỡng thêm, đào tạo thêm trên nền đã đào tạo về đại học của trường Đại học Quốc gia TPHCM. Do đó, tôi nghĩ nên phải có sự kết nối giữa các khóa đào tạo của đại học Quốc gia với chương trình đào tạo vi mạch của TPHCM. Làm sao cho thấy thực sự chúng ta không có trùng lên chương trình của Đại học nhưng phải đưa đến những kiến thức mới mà chúng ta đã thấy có sự hợp tác với các công ty, yếu tố thị trường để đảm bảo cho chất lượng và đầu ra của sản phẩm. 

Do đó, tôi mong muốn các trường Đại học có liên quan như Đại học Quốc gia, đại học Bách Khoa, đại học CNTT... chúng ta sẽ co cụm vào để hoàn thiện chương trình, làm sao tạo ra một bộ đào tạo chuẩn và được cập nhật liên tục. Qua đó, để đào tạo và bồi dưỡng cho các chương trình về sau." 

Chia sẻ thêm tại buổi lễ, ông Lê Thái Hỷ còn cho biết: "Chúng ta cũng cần có thêm một chương trình sau đào tạo có thể kết nối học viên để trao đổi và làm việc về sau. Sau khóa đào tạo đầu tiên, chúng ta sẽ có thêm khóa thứ 2, thứ 3... do đó, cần một chương trình để có thể kết nối các học viên sau đào tạo. Qua đó, tạo thành nhóm phục vụ cho chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của thành phố cũng như là phục vụ cho thu hút xúc tiến đầu tư trong tương lai... như cách mà 14 học viên trong khóa đào tạo đang thực hiện dự án cho  CM Engineering." 

Nhân lực giỏi nhưng rất thiếu!

Nguồn nhân lực đầu tiên của Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch của TPHCM

Nguồn nhân lực đầu tiên của Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch của TPHCM

Theo công bố của trung tâm ICDREC, 14 trong tổng 15 kỹ sư trong khóa đào tạo lần này sẽ tiến hành gia công các sản phẩm cho CM Engineering. Thời hạn hoàn tất hợp đồng trong vòng 6 tháng và đơn vị tự tin sẽ hoàn thành đúng thời hạn. 

Chia sẻ thêm với Dân trí, ông Ngô Đức Hoàng cho biết: "Ngoài hợp đồng lần này, CM Engineering còn mong muốn kí kết thêm một số dự án mới trong việc thiết kế gia công các sản phẩm khác cho họ. Tuy nhiên, thực tế, nguồn nhân lực về thiết kế vi mạch của chúng tôi hiện quá mỏng và không đủ để đáp ứng nhu cầu của công việc." 

"Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch TPHCM giai đoạn từ 2013 đến 2020 dự kiến sẽ đào tạo ra 2000 kỹ sư được chia ra thành 2 nhánh: thiết kế và chế tạo. Quan trọng nhất là nguồn nhân lực thiết kế chiếm đến 1500 trong tổng 2000 kỹ sư được đào tạo cho chương trình. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, chúng tôi chỉ mới đào tạo ra 125 kỹ sư thuộc Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch TPHCM. Trong đó, 15 kỹ sư thuộc khóa đào tạo Analog, còn lại là các khóa Digital và các khóa đào tạo khác... của năm 2013. Dự án trong năm 2014 của chúng tôi được trình lên không được sở Thông tin Truyền thông TPHCM phê duyệt. Và năm 2015, chúng tôi cũng đã trình lên Sở dự án đào tạo tiếp theo và hứa sẽ duyệt sớm. 

Như vậy, trong con số 2000 kỹ sư sẽ đào tạo đến năm 2020 thì 1500 kỹ sư trong phần thiết kế sẽ không đủ vì chúng tôi nhận xét thấy rằng, nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cao hiện nay đang cần rất lớn... và việc đào tạo của chúng ta, giúp các em làm ra chip sẽ làm cho các em có kinh nghiệm rất nhiều. Mà để làm ra chip thì thời gian đào tạo rất lâu và sau đó gửi ra nước ngoài để sản xuất và kiểm chứng. Thì tôi nghĩ rằng, chúng ta cần có động thái sớm để chúng ta có thể đào tạo riêng, nếu không chúng ta có thể rơi vào tình trạng tắt nghẽn nguồn nhân lực. Do đó, chúng tôi đang xúc tiến rất nhiều khóa đào tạo và cũng mong chương trình, Sở Thông tin Truyền thông thành phố phê duyệt sớm để chúng tôi có thể triển khai một cách mạnh mẽ, tạo ra nguồn nhân lực có trình độ dồi dào, phục vụ cho ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam trong thời gian tới." Ông Hoàng chia sẻ thêm. 

Theo thống kê của Viện Chiến lược CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện 72% SV ngành CNTT không có kinh nghiệm, thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và thiếu kỹ năng mềm. Chỉ khoảng 15% SV mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu.

Từ các số liệu trên có thể thấy nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT chất lượng của các doanh nghiệp CNTT hiện nay rất lớn. Trong khi đó, sự phát triển công nghệ ngày càng vượt bậc, môi trường doanh nghiệp, khả năng ứng dụng CNTT hay việc mở rộng ứng dụng nhanh hơn, đơn giản hơn... đặt ra yêu cầu mới hơn đối với các nhân sự CNTT.

Theo bà Nguyễn Hồng Trang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông,  để có thể giải quyết thực trạng trên đòi hỏi chương trình giảng dạy CNTT cần được cập nhật thường xuyên theo thực tế phát triển công nghệ của thế giới. Đồng thời, cần gia tăng thời lượng thực hành trong đào tạo, tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho sinh viên và nâng cao chất lượng giảng viên ngành CNTT…

Do đó, việc đào tạo cần đi đôi với thực hành, giúp cho các sinh viên ra trường có đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm để đáp ứng với nhu cầu của thị trường và các nhà tuyển dụng. Và ở một khía cạnh đào tạo thuộc Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch TPHCM, đã đào tạo ra nguồn nhân lực đầu tiên chất lượng với những kỹ sư giỏi, phục vụ cho ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam. Vì vậy, mô hình đào tạo này cần được cổ vũ và triển khai nhiều để có thể tạo ra nguồn nhân lực có trình độ dồi dào, phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong thời đại mới. 

Quốc Phan