Giải Nhì CNTT thành công, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015:

Người Việt hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ

(Dân trí) - “Tôi vô cùng xúc động và tự hào khi sản phẩm của nhóm đã được vinh danh, ghi nhận nhưng hạnh phúc hơn cả là giải thưởng một lần nữa khẳng định người Việt hoàn toàn có thể làm chủ CNTT với những sản phẩm chất lượng, uy tín…”, anh Nguyễn Duy Khang – Phó Giám đốc Công tyInfras Consult chia sẻ cảm xúc sau khi nhận Giải nhì Nhân tài Đất việt 2015.

Cảm xúc của anh ra sao khi “Giải pháp thu nhập số liệu công tơ điện tử từ xa (IFC-AMR) của nhóm được xướng tên và giành Giải Nhì trong hạng mục những sản phẩm CNTT thành công - Nhân tài Đất Việt năm 2015?

Vào lúc này tôi và các thành viên trong nhóm vô cùng hạnh phúc và tự hào. Tự hào vì những nỗ lực, cố gắng của các thành viên đã được ghi nhận. Giải thưởng này là động lực để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm của mình trong thời gian tới, phục vụ nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng không bất ngờ về Giải thưởng được vinh danh bởi từ 3 năm nay sản phẩm của nhóm đã được ứng dụng và sử dụng rộng rãi và đem lại nhiều giá trị thiết thực.

Anh có thể nêu lợi ích lớn nhất mà sản phẩm IFC-AMR mang lại?

Thứ nhất, sản phẩm IFC-AMR giúp các đơn vị điều hành, cung cấp điện tối ưu nguồn nhân lực cho việc ghi chỉ số, trong khi lại thu thập được đầy đủ số liệu thông số vận hành và số liệu khác lưu trữ trong tất cả các loại công tơ điện tử đang được lắp thực địa.

Thứ hai, sản phẩm IFC-AMR còn giảm thiểu sai số trong quá trình ghi chỉ số thủ công

Thứ ba, sản phẩm IFC-AMR giúp khách hàng tiêu thụ điện giám sát sản lượng điện tiêu thụ từ đó tối ưu hóa và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp mình.

Điều chúng tôi tâm đắc nhất với sản phẩm, chính là những đóng góp to lớn của mình phục vụ thiết thực nhu cầu của doanh nghiệp đời sống dân sinh trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao.


Người đại diện nhóm giải pháp thu nhập số liệu công tơ điện tử từ xa lên nhận giải thưởng Nhân tài Đất việt 2015

Người đại diện nhóm giải pháp thu nhập số liệu công tơ điện tử từ xa lên nhận giải thưởng Nhân tài Đất việt 2015

Đây là lần đầu tiên tham gia cuộc thi, lại tiến hành tranh giải trong nhóm những Sản phẩm CNTT thành công với rất nhiều sản phẩm đã có tên tuổi, được ứng dụng và có chỗ đứng trên thị trường, bản thân anh và nhóm có bị áp lực gì không?

Thực tế, khi gửi dự thi Nhân tài Đất Việt 2015 chúng tôi mong muốn được chia sẻ những thông tin về sản phẩm, về những đóng góp âm thầm của Infras Consult trong 3 năm qua và mong nhận được các ý kiến đóng góp của cộng đồng CNTT Việt Nam để hoàn thiện hơn sản phẩm của mình hơn là mục tiêu giành giải . Áp lực trong cuộc thi chúng tôi không có, vì IFC-AMR không thua kém các sản phẩm khác tham dự, hơn nữa sản phẩm đã có đủ thời gian để người dùng trải nghiệm, chứng minh tính hiệu quả về giá trị đem đến cho khách hàng cũng như doanh thu của Infas Consulttăng trưởng cao hàng năm. Nhưng sau khi nhận giải thưởng cao quý của Ban Tổ chức, áp lực là thứ mà chúng tôi đang cảm nhận được. Áp lực để làm sao trong thời gian tới tiếp tục sáng tạo, hoàn thiện sản phẩm của mình để có thể ứng dụng rộng rãi hơn nữa trong đời sống xã hội.

Thực tế, từ trước đến nay việc thu thập dữ liệu từ công tơ điện chủ yếu vẫn được thực hiện bằng phương pháp thủ công, một số giải pháp dành cho lĩnh vực quản lý năng lượng lại chủ yếu được sử dụng của nước ngoài. Đi vào một lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam như vậy, nhóm có gặp khó khăn gì không?

Khi chúng tôi bắt tay vào làm sản phẩm là thời điểm năm 2011-2012, lúc đó trên thị trường gần như chưa có một giải pháp có chất lượng ổn định để có thể thu thập số liệu từ công tơ điện tử, kiểm soát, quản lý vận hành điện hiệu quả. Các doanh nghiệp Việt Nam đa phần đều hướng đến việc sử dụng các giải pháp của nước ngoài, đặc biệt là modem giao tiếp để tiết kiệm thời gian và chi phí nghiên cứu phát triển. Tuy nhiên các giải pháp có thể áp dụng tốt tại nước ngoài nhưng lại không thực sự ổn định tại Việt Nam do đặc thù mạng viễn thông (đối với công nghệ modem GPRS). Tỷ lệ lỗi cao, tốn rất nhiều công sức khắc phục là rảo cản vô cùng lớn đối với một doanh nghiệp như Infras Consult lúc bấy giờ. Nhưng cũng chính vì thế, đây vừa là thách thức vừa là động lực để chúng tôi theo đuổi đam mê, hoàn thiện và phát triển sản phẩm có chất lượng ổn định như ngày nay.

Nhớ lại thời điểm 4 năm trước, trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, những lỗi không lường trước được liên tục xảy ra, rất nhiều lần làm nản lòng những người tham gia, các giải pháp quay lại sử dụng thiết bị của nước ngoài cũng đã được tính đến. Nhưng sự quyết tâm mang đến cho khách hàng một sản phẩm “thuần Việt” đã giúp chúng tôi đi đúng hướng.  Sau hơn khoảng 10 bản bản vá lỗi thì chúng tôi mới có một sản phẩm hoàn thiện như bây giờ.

Chúng tôi hạnh phúc và tự hào nhất là, lần đầu tiên trong lĩnh vực thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa, người Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn công nghệ. Hiện tại, sản phẩm này IFC-AMR đã được áp dụng tại nhiều Tổng Công ty iện lực, với gần 70.000 điểm đo, được sử dụng tại hơn 40 Tỉnh/Thành phố, hơn 500 Quận/Huyệntrên cả nước.  Tôi nghĩ đó là minh chứng khẳng định thành công và giá trị sản phẩm mà chính người Việt Nam chúng ta làm được.

Theo anh, so với các sản phẩm cùng loại khác thì sản phẩm của anh có lợi thế gì? Trong tương lai anh có kế hoạch gì để xây dựng và phát triển sản phẩm của mình?

Tôi nghĩ bất cứ sản phẩm nào mà có lợi ích trong việc phục vụ dân sinh thì đều chịu sự cạnh tranh. Tuy nhiên, có một số yếu tố giúp chúng tôi tư tin có thể đứng vững trên thị trường, đó là:

Thứ nhất, Infras Consult là doanh nghiệp gần như duy nhất có thể chế tạo được thiết bị modem GPRS gắn vào công tơ điện tử hoạt động ổn định, chính xác, bền bỉ dưới môi trường khắc nghiệt như tại Việt Nam.

Thứ hai, Infras Consult có thể tích hợp đọc được phần lớn các công tơ điện tử có mặt trên thị trường Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, chúng tôi có thể làm chủ toàn bộ tiến trình, từ đo lường, truyền thông, xử lý, lưu trữ số liệu và viết phần mềm ứng dụng cho nhiều đối tượng khách hàng.

Và cuối cùng, giải pháp IFC-AMR đang được trải nghiệm trên một phạm vi đủ lớn để chúng tôi có nhiều thông tin giúp việc xử lý lỗi, hoàn thiện sản phẩm có nhiều thuận lợi hơn các doanh nghiệp khác.

Tất cả những yếu tố đó, tạo nên năng lực cạnh tranh, giá trị cốt lõi và vì thế tôi rất tin tưởng sản phẩm của chúng tôi sẽ đứng vững và được khách hàng lựa chọn, tin tưởng.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm nhiều giải pháp khác bên cạnh sử dụng công nghệ truyền thông qua GPRS để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

Xin cảm ơn anh!

Hà Trang