News at Seven - phần mềm tạo bản tin tìm kiếm dạng video

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu gần đây nhận định rằng phần mềm có khả năng tự động tạo ra các bản tin dạng video trên máy tính sẽ làm biến đổi phương thức truyền hình hiện tại.

Phần mềm này có tên gọi là News at Seven có thể cung cấp những bản tin theo ý thích của mối người, từ những vấn đề mang tầm cỡ quốc tế đến những sự kiện bó hẹp trong một phạm vi nhỏ hay những câu chuyện “buôn dưa lê”.

Ví dụ, trong khi một video hiển thị thông tin đề cập đến những cố gắng trong việc xác thực vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên hiện đang gây nhiều tranh cãi thì một video khác lại đề cập đến câu chuyện bên lề (tất cả các file đều có dạng wmv).

 

Ông Kristian Hammond, thuộc trường đại học Northwestern, Illinois (Mỹ) - người đã cùng với hai sinh viên Nathan Nichols và Sara Owsley phát triển hệ thống này - giải thích, điểm bắt đầu của News at Seven là một mảng các thông tin ưu tiên mà bản tin đề cập đến. 

 

Chương trình này sẽ sử dụng những từ khóa mà người dùng đưa vào để lựa chọn trang web thích hợp và xác định sự kiện trung tâm. Ông Hammon nói: “Các sự kiện này sau đó sẽ được chỉnh sửa về độ dài và thay đổi sao cho nó trở nên thân thuộc và dễ phát âm”. Ví dụ như thông tin trong ngoặc vuông sẽ được biến đổi đi sao cho có thể đọc ra được. Ngoài ra, chương trình này còn có khả năng chuyển đổi câu bị động về câu chủ động. Ví dụ, "An offer was made by George Bush..."(một đề nghị được đưa ra bởi tổng thống George Bush) sẽ được chuyển thành "George Bush made an offer..." (Tổng thống George Bush đã đưa ra một đề nghị).

 

Sau đó, phần mềm này sẽ lọc ra những từ khóa từ những bản tin trên và sử dụng chúng để tìm kiếm hình ảnh và video thích hợp trên các trang web như YouTube và Google Video. Công cụ tìm kiếm Technorati và Google Blog Search cũng được sử dụng để tìm những blog liên quan tới chủ đề của chương trình. “Phần mềm này tìm kiếm từ và cụm từ có tác động về mặt cảm xúc”, ông Hammond cho biết.

 

Cuối cùng, phần mềm này sẽ xây dựng một kịch bản từ những thông tin trên. Sau đó phần mềm đọc văn bản TTS (Text - to -Speech) để cho nhân vật hoạt hình trên máy tính, được mô phỏng theo trò chơi điện tử trên máy tính Half Life, đóng vai trò là một nguồn cung cấp thông tin mới, với hình ảnh và video chiếu lên màn hình đằng sau chúng.

 

Ngoài ra, chương trình còn sử dụng một số nhân vật khác như là người phỏng vấn sẽ đề cập đến những sự kiện lấy từ blog. 

 

Theo một nguồn tin cho biết, ông Hammond và cộng sự của ông đang lên kế hoạch đến cuối năm nay sẽ sử dụng hệ thống này để tạo ra các bản tin tổng hợp hàng ngày từ 3 hoặc 4 sự kiện.

 

Ông Paul Clough, thuộc trung tâm truy vấn thông tin tự động tại đại học Sheffield, Anh cho biết, News at Seven là sự kết hợp của nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau. Ông cũng chỉ ra rằng phần mềm này có thể đưa ra các cách tiếp cận thông tin ban đầu thú vị hơn.

 

Châu Phong

Theo Newscientist