Mua may mắn trên di động

Từ một phương tiện đàm thoại không dây, dần dần ĐTDĐ đã kiêm luôn thiết bị trợ giúp cá nhân, máy ảnh, máy nghe nhạc, máy chiếu phim, TV... Thậm chí ngày nay nó còn trở thành "máy đánh bạc" và ngành kinh doanh này đang hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà khai thác.

Tin nhắn ngắn - SMS (short message service), khác dịch vụ tin nhắn đa phương tiện MMS (multimedia messaging service) vì chỉ cho phép người dùng gửi được tối đa 160 ký tự cho một lần chuyển tin. Trong khi với MMS, giới hạn cho mỗi lần chuyển tin là vài nghìn ký tự đồng thời còn cho phép người dùng chuyển hình ảnh (tĩnh/động), âm thanh. Tuy nhiên, theo nhiều người dùng, SMS mới chính là dịch vụ... "đa phương tiện", vì từ chỗ chỉ là công cụ chuyển tin nhắn từ người này đến người khác, SMS hiện đã trở thành "nền tảng" cho nhiều dịch vụ khác trên ĐTDĐ: Tin nhắn quảng cáo, tải nhạc chuông/biểu tượng/hình ảnh, cài đặt cấu hình máy tự động (OTA), thông tin tư vấn, giải đáp, giải trí, v.v... Dịch vụ hiện đang rất "hot" cũng dựa trên SMS là nhắn tin trúng thưởng, dịch vụ này phát triển mạnh đến mức "nhà nhà cung cấp, người người tham gia".

Dù không mới nhưng từ chỗ chỉ là "ăn theo" các game show và các trận bóng đá trên truyền hình, đài phát thanh... thời gian gần đây, dịch vụ nhắn tin trúng thưởng đã được cung cấp một cách khá "độc lập" và có cả những doanh nghiệp chuyên tổ chức dịch vụ kiểu này. FPT đã thành lập hẳn Trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng ĐTDĐ – FPT SMS với vốn đầu tư khoảng 100.000 USD, hay công ty phần mềm và truyền thông VASC chính là người tiên phong trong lĩnh vực này. Và tất nhiên các đơn vị "bán may mắn" cho người dùng ĐTDĐ hiện đã nhiều đến mức hiện nay cứ mở các trang báo là bạn có thể đọc được quảng cáo của họ. Dư luận cho rằng nếu phát triển tốt rất có khả năng ngành kinh doanh xổ số sẽ bị chia sẻ thị phần với... ĐTDĐ.

Nhu cầu tham dự các trò chơi dựa trên SMS nói chung và nhắn tin trúng thưởng cao đến mức các nhà khai thác ĐTDĐ cũng không thể đứng ngoài cuộc. Nếu trước đây, các dịch vụ nói trên chỉ là sân chơi cho người dùng GSM, thì thời điểm diễn ra World Cup 2006, S-Fone đã kịp thời hợp tác với VASC để cung cấp dịch vụ thông tin theo yêu cầu (IOD – Information on Demand) và giải trí qua SMS cho các thuê bao 095.

Làm sao trúng thưởng?

Các tin nhắn trúng thưởng "ăn theo" và hiện khá phổ biến trong các chương trình truyền hình (VTV3 chẳng hạn), phát thanh, báo chí... thường được thực hiện theo cách, người dùng soạn tin nhắn theo nội dung có sẵn (phổ biến là trả lời các câu hỏi) rồi gửi đến số điện thoại của nhà cung cấp dịch vụ, nếu trả lời đúng sẽ trúng thưởng. Về cơ bản là như vậy, tuy nhiên, mọi việc không đơn giản, vì hầu hết các chương trình như vậy đều có kèm câu hỏi "đinh" là có bao nhiêu người tham gia, câu này làm cho người chơi "ngán" nhất.

Trong khi đó, các nhà khai thác chương trình nhắn tin trúng thưởng độc lập lại làm theo cách, người dùng nhắn tin theo nội dung có sẵn sau đó hệ thống gửi về một kết quả nào đó, nếu đúng với kết quả mà nhà cung cấp qui định thì người dùng trúng thưởng; hoặc người chơi trả lời các câu hỏi, mỗi câu hỏi trả lời đúng sẽ tương đương với một phần thưởng nào đó. Tất nhiên cũng có nhiều ràng buộc mà kết quả là không có nhiều người có được may mắn.

Ví dụ, chương trình SMS World Cup của FPT SMS, người chơi gửi tin nhắn, sau đó hệ thống máy chủ của nhà khai thác dịch vụ sẽ tự động gửi lại vào máy của người chơi 1 trong số 32 đội bóng tham dự vòng chung kết, nếu thu thập đủ 32 đội bạn sẽ nhận được giải thưởng cao nhất. Tuy nhiên theo nhiều người chơi, việc thu thập được từ 20 – 30 đội khá dễ dàng nhưng từ đội 30 trở đi lại là cả một vấn đề. Hay như dịch vụ nhắn tin trúng thưởng khác được tổ chức kiểu như chương trình "Ai là triệu phú” của VTV3, người chơi gửi tin nhắn tới số của nhà cung cấp dịch vụ và sẽ nhận được lần lượt từng câu hỏi, mức thưởng sẽ tăng lên theo số lượng câu trả lời đúng. Điều "phiền toái" là dịch vụ chỉ chấp nhận các câu trả lời trong vòng 5 phút kể từ khi người chơi nhận được câu hỏi. Khi chơi thử dịch vụ này, chúng tôi thấy mạng hoạt động tốt trong một vài câu hỏi đầu, sau đó việc gửi câu hỏi về máy người chơi bắt đầu chậm lại và cuối cùng là dòng tin nhắn "bạn đã gửi câu trả lời quá 5 phút" dù người chơi đã gửi ngay lập tức câu trả lời. Khi hỏi nhà khai thác thì họ trả lời là lỗi do mạng của nhà cung cấp dịch vụ ĐTDĐ. Đương nhiên họ không chịu trách nhiệm vì thể lệ cuộc chơi là "công ty không chịu trách nhiệm với các lỗi do đường truyền"! Cũng cần nói thêm là cước phí tin nhắn tham gia trò chơi trúng thưởng cao hơn nhiều lần so với gửi tin nhắn thông thường và thường là 2000 đồng/tin nhắn.

Rủi nhiều đường

Công bằng mà nói thì đã có người trúng thưởng với phần thưởng giá trị cao khi tham gia các chương trình nhắn tin trúng thưởng trên ĐTDĐ, thậm chí là giải thưởng khá lớn, đơn cử như trong trò chơi "Số 13 may mắn" cũng do FPT SMS tổ chức đã có người trúng thưởng chiếc ĐTDĐ Vertu trị giá 80 triệu đồng. Nhưng cũng như chơi vé số, may mắn như vậy không nhiều. Bản thân người viết đã nhận hoá đơn tính tiền... hơn 2 triệu đồng khi tham dự một chương trình trò chơi trúng thưởng trên ĐTDĐ và may mắn thu về được... 700.000 đồng.

Tất nhiên việc "mua may mắn" trên ĐTDĐ cũng gần như chơi xổ số, nghĩa là tính chất may rủi rất cao và xác suất trúng giải đặc biệt rất rất nhỏ. Nhưng nếu sổ xố đã có một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để bảo vệ quyền lợi của người chơi thì các chương trình trò chơi trúng thưởng trên ĐTDĐ đang bị thả nổi vì không có cơ quan quản lý. "Bản thân khi cung cấp dịch vụ nhắn tin trúng thưởng chúng tôi cũng không biết là nên xin phép cơ quan nào và phải tuân thủ theo các điều luật nào", ông Trần Thanh Tân, phó giám đốc FPT SMS, đã cho biết. Khi chính các nhà khai thác còn bối rối thì chuyện người dùng hoang mang cũng là điều tự nhiên - khi tham gia các trò chơi này, ai sẽ bảo đảm quyền lợi cho họ? Đặt tình huống, nếu bạn gửi tin nhắn tham dự chương trình nhắn tin trúng thưởng nhưng SMS của bạn không đến được máy chủ của nhà khai thác hoặc bị "thất lạc" trên "đường đi" mà vẫn bị tính tiền thì giải quyết thế nào? Mặt khác, tính khách quan của các trò chơi này ra sao nếu không có cơ quan nào quản lý hoặc kiểm soát. Đó chính là những câu hỏi mà thời gian qua nhiều người dùng đã lên tiếng.

Chúng tôi cũng đã đặt những câu hỏi tương tự cho nhiều đơn vị nhưng đa số phản hồi đều chưa thỏa đáng. Hiện vẫn chưa có đơn vị nào kiểm soát những vấn đề liên quan đến tin nhắn trúng thưởng trên ĐTDĐ. Trong khi đó, thời gian gần đây, ngày 22/6/2006, bộ Bưu chính viễn thông đã ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp phải niêm yết, thông báo công khai giá cước dịch vụ nhất là các dịch vụ giá trị gia tăng. Việc niêm yết phải rõ ràng, chính xác, đầy đủ thông tin và dưới hình thức thuận tiện cho việc tiếp cận của người sử dụng dịch vụ. Trong các chương trình quảng cáo dịch vụ dưới mọi hình thức phải có thông báo về giá cước dịch vụ. Các hợp đồng hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cần có các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cuối cùng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Theo PCWorld VN