Long đong ĐTDĐ “made in Vietnam”

Kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại của Thuận Phát, hay di động ConnSpeed của Á Mỹ xuất hiện trên thị trường cuối năm ngoái đang hâm nóng chủ đề mobile thương hiệu Việt sau nhiều năm chờ đợi.

Thị trường viễn thông Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao nhất thế giới - 25% mỗi năm, theo thống kê cuối 2007 của Bộ Thông tin và truyền thông. Mật độ sử dụng các dịch vụ di động nước ta đã vượt qua cả Thái Lan, Trung Quốc. Hiện hơn nửa dân số Việt Nam sở hữu điện thoại di động.

Hơn 10 thương hiệu điện thoại cả lạ và quen đang có mặt ở thị trường trong nước. Giới phân tích nước ngoài đánh giá, đây là thị trường rất tiềm năng. Nhiều nhà sản xuất lớn cũng đang có ý định đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam như Vodafone, Samsung.

 

Tuy nhiên, việc tìm kiếm một chiếc mobile “made in Việt Nam” vẫn còn là điều khó khăn. Anh Nguyễn Văn Hùng (Kim Liên, Hà Nội) cho rằng: “Chúng ta chưa có điện thoại trong nước sản xuất là vì công nghệ của Việt Nam chưa phát triển, bên cạnh đó, nếu di động Việt ra đời, sẽ khó lòng cạnh tranh với các “đại gia” như Nokia, Samsung...”. Trong khi chị Bùi Kim Dung (Đào Tấn, Hà Nội) lại có cái nhìn khác. Chị đang mong chờ một chiếc di động thương hiệu Việt. “Việt Nam đã sản xuất TV, đầu đĩa xuất khẩu, vậy tại sao lại không sản xuất được điện thoại?”, chị Dung phân tích.

 

Thực tế, kế hoạch sản xuất điện thoại di động thương hiệu Việt đã được VinaMobi khởi xướng từ năm 2004. 25 triệu USD được Trung tâm dịch vụ Huế - Đà Nẵng (H.D.C) và đối tác Zentek Technology Singapore đầu tư cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Đà Nẵng.

 

Công ty này đã có những bước đi bài bản khi nhập máy móc, linh kiện từ Đức, ngoài ra còn đưa nhân lực ra nước ngoài đào tạo. VinaMobi dự tính sản xuất điện thoại giá rẻ, điện thoại đa phương tiện và cả smartphone vào cuối năm 2005.

 

Tuy nhiên, tháng 5/2007, UBND TP Đà Nẵng đã ký quyết định thu hồi giấy phép đầu tư và đất đã cho thuê đối với dự án VinaMobi do chậm triển khai. Ước mơ chiếc di động “made in” Việt Nam đầu tiên đã bị phá sản.

 

Hy vọng về chiếc điện thoại mang thương hiệu Việt một lần nữa được nhem nhóm khi Công ty cổ phần thiết bị bưu điện Postef (trực thuộc VNPT) công bố kế hoạch sản xuất điện thoại di động vào năm 2005.

 

Khi đó, Postef tuyên bố sẽ sản xuất điện thoại di động giá rẻ từ 5 đến 20 USD, bên cạnh dòng điện thoại cao cấp. Công ty dự tính, lô hàng đầu tiên sẽ ra mắt thị trường vào năm 2006. Tuy nhiên, 3 năm trôi qua, kế hoạch này đã bị chìm vào quên lãng.

 

Cuối năm 2007, giấc mơ di động thương hiệu Việt trở lại bằng việc Thuận Phát xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại và Công ty Á Mỹ giới thiệu mobile ConnSpeed.

 

Thuận Phát được biết đến là phân phối điện thoại của Nokia, Motorola và Sony Ericsson. Sau quá trình tìm hiểu công nghệ của nhà máy BenQ-Siemen (Đức), tập đoàn này đã quyết định đầu tư 70 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất bo mạch chủ và điện thoại tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc (Hà Tây) mang tên Thuận Phát Imoso trong năm 2008.

 

Bà Bùi Phương Anh, Giám đốc dự án Thuận Phát Imoso, cho biết, điện thoại di động của Thuận Phát dự định sẽ ra mắt trong năm 2009 với sản lượng 3 triệu máy mỗi năm. Công ty tập trung cho đầu vào bằng việc đầu tư xây nhà máy, trong khi đầu ra với lợi thế là hệ thống phân phối rộng khắp đã có từ trước.

 

Thuận Phát cho biết, điện thoại của họ sẽ có chất lượng cao và giá cả hợp lý với người dùng Việt Nam. Ưu tiên chính của nhà máy vẫn là sản xuất điện thoại giá rẻ.

 

Cùng thời điểm, thị trường cũng đã xuất hiện những chiếc di động mang thương hiệu Việt với cái tên ConnSpeed của Công ty Á Mỹ. Không đi theo hướng tự sản xuất điện thoại như Thuận Phát, “dế” thương hiệu Việt ConnSpeed của Á Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc, do công ty đặt hàng về thiết kế, cài đặt phần mềm tiếng Việt.

 

Theo ông Nguyễn Huy Cần, đại diện thương hiệu ConnSpeed, Công ty Á Mỹ đang tập trung vào những model điện thoại bình dân tầm giá từ 1 đến 3 triệu đồng. ConnSpeed được trang bị các tính năng như nghe nhạc, chụp hình, kết nối Bluetooth, chạy một lúc hai SIM với thời gian bảo hành 12 tháng.

 

ConnSpeed đang trong quá trình làm quen với thị trường và máy hiện chỉ được bán ở khu vực phía Nam, từ Quảng Trị trở vào. Trong năm nay, ConnSpeed sẽ tiến ra thị trường miền Bắc.

 

Không chỉ Thuận Phát hay Á Mỹ, đại diện của Thành Công Mobile tiết lộ, họ cũng đang rục rịch chuyển động dự án sản xuất điện thoại sau một thời gian là nhà phân phối cho Motorola và Bavapen.

 

Theo Huy Nguyễn

Số hóa