Không cần Apple, chính phủ Mỹ đã mở được iPhone của khủng bố

(Dân trí) - Bộ Tư pháp Mỹ vừa cho biết đã mở được chiếc iPhone 5C của tên khủng bố Syed Farook, kẻ đã thực hiện vụ xả súng hồi tháng 12 năm ngoái, mà không cần sự giúp đỡ của Apple. Điều này có thể kết thúc cuộc tranh cãi kéo dài xung quanh việc Apple từ chối giúp đỡ chính phủ Mỹ mở khóa chiếc iPhone này.

Bộ Tư pháp Mỹ vừa phát hành một thông báo cho biết chính phủ đã có thể truy cập thành công vào dữ liệu trên chiếc iPhone 5C của tên khủng bố Syed Farook và không còn yêu cầu sự giúp đỡ từ phía Apple.

Điều này có thể xem là một “chiến thắng” dành cho cả 2 phía, trong đó chính phủ Mỹ có thể lấy được các dữ liệu bên trong iPhone 5C của Farook để điều tra những nghi phạm khác có liên quan đến vụ xả súng, trong khi đó phía Apple cũng có thể không còn phải mạo hiểm thông tin cá nhân của người dùng trên toàn cầu khi đặt cửa hậu lên nền tảng iOS của mình để chính phủ Mỹ có thể truy cập vào dữ liệu trên thiết bị chạy iOS khi cần.

Vụ việc gây tranh cãi giữa Apple và chính phủ Mỹ đã đi đến hồi kết sau khi chiếc iPhone 5C của khủng bố đã bị xâm nhập thành công
Vụ việc gây tranh cãi giữa Apple và chính phủ Mỹ đã đi đến hồi kết sau khi chiếc iPhone 5C của khủng bố đã bị xâm nhập thành công

Dù vậy, Apple có vẻ mất nhiều hơn được, khi mà việc chính phủ Mỹ mở khóa thành công iPhone 5C của Farook cho thấy nền tảng iOS của Apple không an toàn tuyệt đối như những gì mà công ty này đã công bố.

Trước đó, một phiên điều trần dự định diễn ra vào tuần trước về việc chính phủ yêu cầu Apple phải mở khóa chiếc iPhone 5C của khủng bố đã tạm hoãn do phía cơ quan điều tra đã tìm ra cách để mở khóa chiếc iPhone này. Sau khi chiếc iPhone 5C đã được mở khóa, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã hủy bỏ vụ án với phía Apple về trường hợp này.

Hiện Bộ Tư pháp Mỹ vẫn chưa tiết lộ cách thức làm thế nào để có thể mở khóa chiếc iPhone của khủng bố, tuy nhiên theo nhiều nguồn tin cho biết một công ty phần mềm của Israel có tên Cellebrite đã nhận số tiền 15.000USD để giúp chính phủ Mỹ mở khóa iPhone của khủng bố, tuy nhiên thông tin này vẫn chưa được xác nhận.

Về phần mình, Apple cho biết công ty hy vọng chính phủ Mỹ sẽ cung cấp cho mình thông tin về những điểm yếu có thể khai thác trên iOS cho việc mở khóa thiết bị để nhằm giúp Apple tăng cường bảo mật trên sản phẩm của mình. Tuy nhiên, phía chính phủ sẽ phải trải qua một quá trình để quyết định xem có cung cấp thông tin về các lỗ hổng nhất định cho các nhà sản xuất để vá lại chúng hay không, điều này đồng nghĩa với việc Apple sẽ không nhận được thông tin từ chính phủ Mỹ và phải tự tìm ra cách thức mà chính phủ đã sử dụng để xâm nhập vào thiết bị.

Nhiều người dùng lo ngại rằng việc chính phủ Mỹ có thể tìm ra cách xâm nhập một chiếc iPhone có thể đồng nghĩa với việc họ đã tìm ra cách để xâm nhập vào mọi thiết bị khác đang sử dụng nền tảng iOS trên thế giới. Vấn đề còn lại thuộc về phía Apple khi hãng có động thái nào để giúp tăng cường bảo mật cho sản phẩm của mình hay không.

Ngày 2/12/2015, Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, cùng vợ mình, Tashfeen Malik, 29 tuổi, thực hiên một vụ xả súng tại thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ) khiến 14 người chết và ít nhất 21 người bị thương. Cặp đôi này sau đó bị cảnh sát tiêu diệt trong một trận đấu súng trong khi trên đường chạy trốn.

Cảnh sát sau đó thu giữ được một chiếc iPhone 5C bị trong một bãi rác gần hiện trường. Đây là chiếc iPhone thuộc sở hữu của Farook, nhưng đã được mã hóa và cài chức năng tự động xóa dữ liệu sau một số lần nhập sai mật khẩu. FBI tin rằng việc giải mã chiếc iPhone 5C này có thể giúp có thêm những đầu mối dẫn đến những kẻ đồng phạm khác của tên khủng bố và những kế hoạch khủng bố khác.

Một Thẩm phán Liên bang sau đó đã yêu cầu Apple phải hỗ trợ các nhà chức trách mở khóa chiếc iPhone 5C của kẻ khủng bố, tuy nhiên, Apple đã từ chối yêu cầu này. Quyết định của Apple đã gây nên nhiều tranh luận trái chiều.

T.Thủy