Khi niềm tin bị... bắt cóc

Các hãng điện thoại khi tung ra sản phẩm mới tại thị trường VN hay dùng chiêu thức khuyến mãi khủng như tặng phiếu mua hàng trị giá vài triệu đồng cùng bộ hòa mạng ưu đãi lớn, hay tặng bộ tai nghe trị giá hơn trăm USD với gói cước ưu đãi về dữ liệu...

Khuyến mại lớn có đông người mua là chuyện hết sức bình thường.
Khuyến mãi lớn có đông người mua là chuyện hết sức bình thường.
Vì số lượng có hạn nên bên bán thường bắt người tiêu dùng phải xếp hàng, nhận phiếu đăng kí…Thực ra chiêu thức này không mới, và cũng đã nhiều lần tổ chức không thành công.

Có thể nhắc lại vụ bán chiếc ĐTDĐ Samsung STAR với giá khuyến mãi 9,99USD trong sự kiện “Crazy Sale” tại Parkson Hùng Vương (TP.HCM) vào ngày 30/5/2009. Do cách tổ chức rườm ra và không lường trước tình huống người đến quá đông, vì thế khi quá tải đã diễn ra cảnh hỗn loạn.

Nhiều người không những không mua được hàng mà còn bị hành đến tả tơi. Trên thực tế, số lượng sản phẩm bán ra với giá khuyến mại đặc biệt cũng chỉ có hạn, chủ yếu là để PR, marketing, nhưng hệ lụy của nó không những khiến cho thương hiệu bị ảnh hưởng mà người tiêu dùng còn oán thán.

Hơn một năm sau đó, Nokia cũng đi theo vết xe đổ này khi mở chương trình khuyến mãi giảm 500.000 đồng cho mỗi chiếc Nokia C3 bán vào ngày 8/8/2010 tại Nhà thi đấu Quân Khu 7. Một cảnh hỗn loạn còn khủng khiếp hơn, thậm chí người ta còn xô lấn dẫm đạp nhau đến lực lượng bảo vệ cũng không vãn hồi nổi vì quá đông. Cứ chục người thì may ra chỉ có một người mua được sản phẩm giảm giá, còn chín người không bị xộc xệch áo quần, đầu bù tóc rối thì cũng nhàu nhĩ trầy vi tróc vảy vì xô lấn.

Dân gian có câu “muốn ăn phải lăn vào bếp”, muốn mua hàng giảm giá khủng thì phải cất công xếp hàng chờ từ đêm trước đến sáng sớm hôm sau. Hai cuộc bán hàng khuyến mại mới đây của Samsung và Nokia cũng khiến nhiều người tiêu dùng cũng phải chịu cảnh như vậy. Chỉ có điều là, khách hàng xếp hàng chờ mua Samsung Galaxy S3 cũng như Nokia Lumia 900 trật tự hơn cho dù những gói khuyến mãi kèm theo không hề nhỏ. Được như vậy là nhờ cách tổ chức bài bản khoa học hơn, đặc biệt là việc chọn địa điểm thực hiện là các khu cao ốc thương mại vốn đã có nề nếp, bảo vệ chuyên nghiệp, và lối vào cũng kiên cố khó có làn sóng người nào có thể “đương đầu” nổi với bêtông cốt thép.

Thế nhưng được cái này lại mất cái khác. Chuyện nhà sản xuất bán khuyến mại để PR đã đành một lẽ. Hoàn toàn không thể dựa vào con số vài trăm chiếc Lumia bán ra với mức khuyến mãi khủng để khẳng định là hàng bán chạy hay có tính thương mại thực sự được. Thế nhưng, trong vụ Nokia bán khuyến mãi Lumia 900 tặng kèm tai nghe Monster trị giá 3.690.000 đồng cho 500 khách hàng đầu tiên tại TP.HCM thì có trang mạng nọ lại giật tít “Nokia thắng lớn với Lumia 900”.

Nói đúng ra là nếu có “thắng” thì cũng chỉ là “thắng lớn” trong khuyến mãi, mà khuyến mãi có đông người mua là điều quá bình thường có gì đáng tự hào cơ chứ? Ngay khi bài đăng độc giả đã bình luận ngay: “Bài viết giật tít hết sức chủ quan. Xếp hàng nhiều không có nghĩa là Lumia 900 của Nokia thắng lớn nhé”. Một nhận xét xác đáng.

Cái kiểu viết tung hê một cách mù quáng như vậy chẳng khác nào bắt cóc niềm tin của người tiêu dùng, cố buộc người tiêu dùng vào ý nghĩ của người viết rằng Lumia đã thắng lớn với vài trăm chiếc bán khuyến mãi tại thị trường VN, vô hình chung “xúi” người tiêu dùng Việt chạy đến với sản phẩm này mà không hề có sự tư vấn, nhận định về sản phẩm từ hình thức đến tính năng công nghệ, tương quan so sánh với những sản phẩm khác cùng phân khúc giá… Những bài viết như thế không có sự thuyết phục gì hơn là cứ nhăm nhăm bắt cóc niềm tin của độc giả và người tiêu dùng. Song trên thực tế, mục đích ấy trở thành một “nhiệm vụ bất khả thi”.

Niềm tin người tiêu dùng đặt vào đâu, nơi đó sẽ sinh ra vàng. Bắt cóc niềm tin ấy chẳng khác nào đánh cắp những thỏi vàng ròng từ tay người khác.

Theo Thế Lâm

eChip