iPad Air 2 sử dụng bộ vi xử lý 3 lõi và bộ nhớ RAM 2GB

(Dân trí) - Thay vì sử dụng bộ vi xử lý 2 lõi hay 4 lõi như nhiều loại vi xử lý hiện nay trên thị trường (cả trên máy tính, smartphone hay máy tính bảng), bộ vi xử lý A8X mới nhất được trang bị trên iPad Air 2 của Apple lại sở hữu 3 lõi.

Apple đã chính thức trình làng chiếc máy tính bảng iPad Air 2 tại sự kiện đặc biệt của hãng diễn ra vào 16/10 vừa qua. Đây là một sản phẩm có sự nâng cấp ấn tượng cả về thiết kế lẫn cấu hình từ phiên bản iPad Air đầu tiên.

Cũng như các sản phẩm khác, Apple không hề đề cập đến cấu hình chi tiết của iPad Air 2 tại sự kiện ra mắt vào thứ 5 tuần trước, ngoại trừ thông tin sản phẩm sử dụng bộ vi xử lý A8X  thế hệ mới nhất và Apple đã tăng số lượng bóng bán dẫn trên A8X lên thành 3 tỷ, tăng từ 2 tỷ bóng bán dẫn trên vi xử lý A8 và 1 tỷ từ bộ vi xử lý A7.

Tuy nhiên cấu hình chi tiết của Apple vừa được tiết lộ thông qua ứng dụng chấm điểm hệ thống (benchmark) Geekbench. 

A8X sở hữu 3 lõi xử lý, thay vì 2 lõi hay 4 lõi như thường thấy
A8X sở hữu 3 lõi xử lý, thay vì 2 lõi hay 4 lõi như thường thấy

Theo kết quả benchmark vừa được Geekbench công bố cho thấy một sự thật khá thú vị, đó là bộ vi xử lý A8X trên iPad Air sở hữu 3 lõi xử lý, một con số khá khác thường so với các thế hệ vi xử lý ngày nay. Xung nhịp của lõi vi xử lý trên iPad Air 2 cũng được nâng cấp lên thành 1.5GHz. Phiên bản iPad Air thế hệ đầu sở hữu bộ vi xử lý lõi kép tốc độ 1.4GHz.

Điều này cho thấy Apple đã quyết định tạo nên sự khác biệt về hiệu suất giữa iPad Air 2 với iPhone 6/6Plus thế hệ mới được ra mắt gần đây (sở hữu bộ vi xử lý A8). Vào năm ngoái, cả iPhone 5S và iPad Air đều được trang bị bộ vi xử lý A7 nên cho hiệu suất khá tương đương.

Ngoài ra, thông tin từ ứng dụng Geekbench cho biết iPad Air 2 được trang bị bộ nhớ RAM 2GB. Đây là sản phẩm di động đầu tiên có bộ nhớ RAM 2GB (các sản phẩm trước đều có tối đa 1GB bộ nhớ RAM), điều này sẽ giúp iPad Air 2 hoạt động đa nhiệm được hiệu quả hơn.

So sánh điểm xử lý của một lõi trên bộ vi xử lý (điểm cao hơn là tốt hơn)
So sánh điểm xử lý của một lõi trên bộ vi xử lý (điểm cao hơn là tốt hơn)

So sánh điểm xử lý tổng thể của cả bộ vi xử lý (điểm cao hơn là tốt hơn)
So sánh điểm xử lý tổng thể của cả bộ vi xử lý (điểm cao hơn là tốt hơn)

Kết quả chấm điểm của Geekbench cũng cho thấy nếu tính riêng hiệu suất xử lý của một lõi trên bộ vi xử lý, iPad Air 2 chỉ thua kém chiếc máy tính bảng Nexus 9 được Google ra mắt gần đây (sử dụng bộ vi xử lý Tegra K1, cũng có cấu trúc 64-bit). Tuy nhiên nếu tính chung hiệu suất tổng thể của cả bộ vi xử lý, iPad Air lại cho thấy sự vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ.

Thậm chí, nếu so về hiệu suất xử lý giữa iPad Air 2 và chiếc laptop MacBook Air 2011 phiên bản khởi điểm (sử dụng bộ vi xử lý Intel Core i5 Sandy Bridge) vẫn cho thấy iPad Air 2 có sự vượt trội.

Khả năng xử lý đồ họa trên iPad Air 2

Tại thời điểm ra mắt sản phẩm, Apple tuyên bố iPad Air 2 có khả năng xử lý đồ họa nhanh hơn gấp nhiều lần so với phiên bản iPad Air trước đây, tuy nhiên Apple cũng không nhắc đến cụ thể loại vi xử lý đồ họa được trang bị trên sản phẩm của mình. Nhiều khả năng, iPad Air sử dụng bộ vi xử lý đồ họa PowerVR GX6650 với 6 cụm chip đồ họa, một bản nâng cấp từ bộ vi xử lý đồ họa GX6450 được sử dụng trên iPhone 6/6 Plus (4 cụm chip đồ họa).

Theo kết quả chấm điểm xử lý đồ họa được tính bằng ứng dụng 3DMark Ice Storm cho thấy iPad Air 2 đạt số điểm xử lý đồ họa rất cao, 21660. Tuy nhiên, con số này thua kém so với số điểm 25700 mà chiếc máy tính bảng Nexus 9 của Google đạt được (xử dụng bộ vi xử lý Tegra K1). Điều này là khá dễ hiểu vì Nvidia vẫn luôn được đánh giá cao về những bộ vi xử lý có khả năng xử lý đồ họa tốt.

T.Thủy