Hàn Quốc: Vấn nạn quốc gia và cuộc chiến chống nghiện Internet

(Dân trí) - Cậu bé Lee Chang-hoon, 15 tuổi, coi việc online 17 tiếng mỗi ngày là chuyện bình thường. Cậu không biết rằng mình đang mắc một chứng bệnh có thể cướp đi mạng sống của cậu bất cứ lúc nào, đó là bệnh nghiện Internet.

Hàn Quốc: Vấn nạn quốc gia và cuộc chiến chống nghiện Internet - 1
Một giáo viên của trại cái nghiện Internet đang hướng dẫn các "con bệnh" nhí vượt chướng ngại vật.

Một khu vực có hàng rào bao quanh theo kiểu trại lính, vừa giống một trại huấn luyện, vừa giống một trung tâm phục hồi chức năng. Nhìn qua, khu trại này cũng tương tự với nhiều chương trình dành cho thanh thiếu niên có “vấn đề” ở khắp nơi trên thế giới khác. Giáo viên hướng dẫn sẽ giúp các cậu bé vượt qua các lớp “vượt chướng ngại vật” đúng phong cách quân sự, các cố vấn dẫn dắt từng nhóm và ở đây còn điều trị bằng cách cho các cậu bé làm việc ở phân xưởng đồ gốm và trống.

Thế nhưng, những thanh thiếu niên tại trại này không phải đến để cai nghiện rượu hay ma túy như chúng ta tưởng. Thay vào đó, họ mắc phải một “căn bệnh” nghiêm trọng mà nhiều người ở đất nước này tin rằng đó là một chứng nghiện mới và có khả năng gây tử vong: nghiện Internet.

Vì thế họ đến đây, trại Jump Up Internet Rescue School, trại đầu tiên áp dụng cho những bệnh nhân dạng này ở Hàn Quốc và thậm chí là đầu tiên của thế giới, để cai nghiện.

Vấn nạn quốc gia

Hàn Quốc vẫn luôn tự hào là quốc gia có mạng lưới dây dẫn Internet nhiều nhất hành tinh. Trên thực tế, chẳng có quốc gia nào khác trên thế giới có được mức phổ thông Internet cao như ở xứ sở phía Nam bán đảo Triều Tiên này. 90% các hộ gia đình có kết nối với băng thông rộng tốc độ cao rẻ tiền; game online là môn thể thao chuyên nghiệp và cuộc sống xã hội của giới trẻ diễn ra xung quanh những quán cà phê nối mạng được gọi là “PC bang”, mọc lên ở tất cả các góc phố.

Hàn Quốc: Vấn nạn quốc gia và cuộc chiến chống nghiện Internet - 2

Một "PC bang" ở Hàn Quốc, nơi nhiều thanh thiếu niên vùi đầu vào Internet.

Cuộc cách mạng Internet tại Hàn Quốc đem lại nhiều lợi thế cho cuộc sống của người dân, nhưng cũng khiến thế hệ con cái họ đang phải trả giá. Rất nhiều thanh thiếu niên nước này đã không thể dứt ra khỏi chuột và bàn phím.

Đam mê sử dụng Internet đã chính thức được coi là một vấn đề tâm lý ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng này ở Hàn Quốc còn trầm trọng hơn nhiều do khả năng truy cập mạng quá dễ dàng.

Chứng nghiện Internet đã trở thành vấn nạn quốc gia kể từ khi có những nạn nhân đột quỵ trước màn hình sau quá nhiều ngày chơi game. Số học sinh bỏ học để online vẫn tăng không ngừng và đó là hành vi tự hủy hoại bản thân nghiêm trọng trong xã hội có tính cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

"30% số thanh thiếu niên Hàn Quốc (dưới 18 tuổi), tương đương khoảng 2,4 triệu người, có nguy cơ mắc nghiện Internet", Ahn Dong-hyun, chuyên gia tâm lý trẻ em ở Đại học Hanyang, thủ đô Seoul rút ra kết luận từ một cuộc khảo sát kéo dài 3 năm qua.

Các em dành ra ít nhất 2 tiếng mỗi ngày để online, thường là chơi game hoặc tán gẫu trên mạng. Trong đó, không dưới 250 nghìn người có dấu hiệu nghiện như không thể tự rời khỏi màn hình máy tính, kéo dài thời gian tự cho phép mình online và cáu giận, thèm khát khi bị ngăn cản đăng nhập.

Hàn Quốc: Vấn nạn quốc gia và cuộc chiến chống nghiện Internet - 3

Hàn Quốc - đất nước có mức độ phổ thông Internet cao nhất thế giới.

Để đối phó với tình trạng này, chính phủ đã lập ra mạng lưới 140 trung tâm tư vấn cho người nghiện Internet, tổ chức các chương trình điều trị ở 100 bệnh viện và gần đây nhất là trại cai nghiện Internet. Các nhà nghiên cứu cũng đã lập danh sách các triệu chứng chẩn đoán nghiện và coi đây là một căn bệnh nghiêm trọng. (Danh sách có tên là K-Scale. K là tên viết tắt của Hàn Quốc trong tiếng Anh).

Trong tháng 9 năm ngoái, Hàn Quốc cũng đã đăng cai tổ chức hội nghị thế giới đầu tiên về chuyên đề “Nghiện Internet”.

"Hàn Quốc là nước hăng hái nhất trong việc ứng dụng Internet", Koh Young-sam, người đứng đầu chương trình tư vấn nghiện online của chính phủ, cho biết. "Giờ đây chúng tôi cũng phải đi đầu trong việc đối phó với các hậu quả".

Mặc dù tại hội nghị, một vài chuyên gia y tế Hàn Quốc và nước ngoài bàn tới việc lạm dụng Internet hoặc máy tính một cách thái quá là chứng nghiện trong các căn bệnh y học thì nhiều người lại đồng ý rằng việc ám ảnh sử dụng máy tính đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng tại nhiều quốc gia.

Các bác sỹ ở Trung Quốc và Đài Loan đã báo cáo những dấu hiệu tương tự. Tiến sĩ Jerald J. Block, chuyên gia tâm lý trường đại học y tế và khoa học Oregon cũng khẳng định có đến 9 triệu người Mỹ có nguy cơ rối loạn thần kinh về sử dụng máy tính, nhưng chỉ có chưa đến 10 phóng khám ở nước này có chuyên khoa điều trị.

Thế giới ảo, hành động thật

Chính phủ Hàn Quốc chính thức “tuyên chiến” với chứng bệnh nghiêm trọng này bằng việc mở Trại Giải cứu Internet. Trại nằm trong một khu rừng cách thủ đô Seoul một giờ ôtô về phía Nam và được lập ra để điều trị cho những ca nặng nhất. Năm nay, trại mới chỉ mở thử nghiệm 2 khóa học kéo dài 12 ngày, mỗi lần tiếp nhận 16 và 18 học viên (toàn nam giới).

Trại hoạt động bằng tiền của chính phủ, do đó, các học viên tham dự hoàn toàn được miễn phí. Dù còn quá sớm để biết liệu trại này có thể cai nghiện thành công cho thanh thiếu niên thoát khỏi nỗi ám ảnh với Internet hay không nhưng rất nhiều lá đơn được gửi đến xin được trở thành “bệnh nhân” tại trại. Để đáp ứng nhu cầu, các nhà điều hành cho biết họ sẽ phải lên kế hoạch tổ chức nhiều khóa học hơn trong năm tới.

Hàn Quốc: Vấn nạn quốc gia và cuộc chiến chống nghiện Internet - 4

Game được coi là bộ môn thể thao chuyên nghiệp ở Hàn Quốc.

Trong thời gian lên trại, học viên sẽ sống luôn ở đây, không được dùng máy tính và chỉ được gọi điện một giờ mỗi ngày để phòng ngừa các game có thể chơi qua di động. Họ cũng phải thực hiện một chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt có kết hợp tập luyện thể chất và hoạt động nhóm, bao gồm cả cưỡi ngựa. Mục đích của khóa đào tạo là xây dựng mối liên kết cảm xúc của bệnh nhân với thế giới thực và giảm đi những quan hệ với thế giới ảo.

"Cung cấp cho học viên các trải nghiệm về lối sống không Internet là điều cần thiết", Lee Yun-hee, giáo viên hướng dẫn, nói. "Thế hệ trẻ Hàn Quốc gần như không tưởng tượng nổi cuộc sống đó sẽ như thế nào".

Ban đầu, trại gặp nhiều khó khăn khi một số bệnh nhân vẫn lén trốn ra ngoài để online, dù chỉ là 10 phút trước giờ ăn trưa, cô Lee cho biết. Giờ thì tất cả đều đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, ngay cả lúc ngủ. Ngoài ra, họ cũng luôn phải bận rộn với những công việc vặt như giặt quần áo và lau nhà.

Hàn Quốc: Vấn nạn quốc gia và cuộc chiến chống nghiện Internet - 5

Thay vì chơi game, các "bệnh nhân" luyện tập như trong quân đội.

Một trong những học viên đang điều trị tại trại cai nghiện này, Lee Chang-hoon, 15 tuổi đã bắt đầu sử dụng đến máy tính để giết thời gian từ vài năm nay khi bố mẹ đi làm và cậu phải ở nhà một mình. Lee cho biết cậu thích thế giới ảo hơn vì trong đó cậu nổi tiếng và đạt được nhiều thành công hơn ngoài đời thật.

Mỗi ngày, Lee dành cả 17 tiếng mỗi ngày để đọc truyện tranh Nhật Bản trên mạng hoặc chơi game nhập vai Sudden Attack. Cậu thường xuyên chơi cả đêm và bỏ học 2, 3 lần mỗi tuần để ngủ bù.

Khi bị bố mẹ bắt đi học, Lee phản kháng quyết liệt. Cực chẳng đã, mẹ Lee, bà Kim Soon-yeol mới gửi cậu con trai khó bảo của mình đến trại.

“Lee có vẻ không thể kiểm soát được bản thân”, bà Kim than thở. “Lee đã từng rất đam mê những môn học nó thích ở trường. Nhưng bây giờ nó đã từ bỏ chúng một cách dễ dàng và mải mê với những trò chơi của nó trên mạng”.

Ban đầu, Lee tỏ ra khó chịu khi phải từ bỏ thú vui của mình.

“Tôi chẳng có vấn đề nào cả”, Chang-hoon nói trong cuộc phỏng vấn trước khi bắt đầu gia nhập trại. “Online 17 tiếng mỗi ngày là điều tốt”, cậu quả quyết. Nhưng sau 3 ngày, cậu đã bắt đầu thay đổi, dù không đáng kể.

Hàn Quốc: Vấn nạn quốc gia và cuộc chiến chống nghiện Internet - 6

Một bệnh nhân nhí của Trại Giải cứu Internet.

Khi giáo viên ra hiệu lệnh, Chang-hoon và 17 học viên khác của trại phải diễu hành trong mưa lạnh đến một sân bãi đã có sẵn các chướng ngại vật. Ướt sũng và run rẩy, Chang-hoon bắt đầu trèo qua chướng ngại thứ nhất là chiếc cột điện thoại với những dây thép mảnh vắt ngang. Trên đỉnh cột, cậu đứng dậy, cặp đùi rung rung, đôi tay sải rộng để giữ thăng bằng. Phía dưới, những chiến hữu khác cố kéo sợi dây bảo hộ đã buộc vào sườn Lee để giữ an toàn cho cậu.

"Em có gì để nói với mẹ không?", giáo viên hỏi vang từ dưới.

"Không", Lee hét đáp trả.

"Nói với mẹ là em yêu bà ấy!", người hướng dẫn tiếp tục ra lệnh.

"Con yêu bố mẹ", Lee hô.

"Rồi, nhẩy đi!", giọng chỉ thị lại vang lên. Chang-hoon quăng người tóm lấy chiếc xà dây gần đó.

"Chiến đấu đi", đồng đội của Lee cổ vũ bên dưới, các cậu bé sử dụng từ tiếng Anh “fighting” nhưng lại được người Hàn hiểu là “Đừng bỏ cuộc”.

Sau khi xuống được dưới đất, Lee hồ hởi: "Trò này thích hơn game".

Nhưng liệu điều đó có đủ để giúp các học viên tách ra khỏi Internet?

"Em không còn nghĩ đến game ở thời điểm này nữa, có thể khóa học này sẽ có tác dụng", Lee trả lời. "Từ giờ có lẽ em sẽ chỉ online 5 tiếng mỗi ngày".

Võ Hiền
Theo NY Times