Google bị yêu cầu phải cung cấp email người dùng ở nước ngoài cho FBI

(Dân trí) - Một Thẩm phán tại Mỹ đã yêu cầu Google phải cung cấp email của người dùng được lưu trữ trên máy chủ bên ngoài nước Mỹ cho Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) gây nên những lo ngại về quyền riêng tư của người dùng bị ảnh hưởng.

Thomas Rueter, Thẩm phán tại bang Philadelphia đã ra phán quyết hôm thứ 6 (3/2) vừa qua với yêu cầu buộc Google phải cung cấp những email được lưu trữ trên một máy chủ đặt tại nước ngoài cho FBI để có thể xem xét những email này như một phần của cuộc điều tra chống gian lận tại Mỹ.

Google đang phải đứng giữa sự lựa chọn tuân theo yêu cầu của tòa án hoặc bảo vệ quyền lợi của người sử dụng
Google đang phải đứng giữa sự lựa chọn tuân theo yêu cầu của tòa án hoặc bảo vệ quyền lợi của người sử dụng

Vị Thẩm phán này khẳng định rằng phán quyết này không ảnh hưởng đến “quyền lợi sở hữu” của các chủ tài khoản email có liên quan đến quá trình khai thác dữ liệu.

“Mặc dù việc thu hồi các dữ liệu điện tử của Google từ nhiều trung tâm dữ liệu ở nước ngoài có tiềm năng cho một sự vi phạm quyền riêng tư, sự vi phạm riêng tư thực sự xảy ra vào thời điểm những dữ liệu này được công bố tại Mỹ”, Thẩm phán Rueter tuyên bố.

Về phần mình, Google khẳng định sẽ kháng cáo phán quyết của Thẩm phán nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng . “Gã khổng lồ tìm kiếm” cho biết đã chia nhỏ email ra thành nhiều phần nhằm cải thiện hiệu suất mạng lưới của mình do đó không biết rõ vị trí chính xác email cần tìm kiếm được lưu trữ trên máy chủ nào. Tuy nhiên Google cũng cho biết hãng tuân thủ các yêu cầu từ cơ quan chức năng bằng cách chuyển giao những dữ liệu được lưu trữ trên máy chủ tại Mỹ, thay vì tại các máy chủ ở nước ngoài.

Bản phán quyết được đưa ra của Thẩm phán Rueter cũng cho biết mỗi năm Google nhận được hơn 25.000 yêu cầu của chính quyền Mỹ để cung cấp dữ liệu người dùng cho mục đích chống tội phạm.

Phán quyết này được đưa ra chỉ 7 tháng sau khi Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ ở New York đã chấp thuận đơn kháng cáo của Microsoft khi công ty này bị chính phủ yêu cầu cung cấp những email được lưu trữ trên một máy chủ ở thành phố Dublin (Ireland) để phục vụ một cuộc điều tra về buôn bán chất ma túy.

Phán quyết cho phép Microsoft từ chối yêu cầu từ chính phủ Mỹ được đưa ra vào tháng 7 năm ngoái đã lập tức được hoan nghênh bởi các hãng công nghệ và truyền thông tại Mỹ, người dùng Internet cũng như những tổ chức Internet bảo vệ quyền riêng tư trên toàn cầu.

Dựa vào kháng cáo thành công của Microsoft, Google tin rằng công ty cũng sẽ kháng cáo thành công để bảo vệ quyền lợi và sự riêng tư của người sử dụng.

T.Thủy
Theo IBT