Gặp chuyên gia... bẻ khóa điện thoại hàng đầu VN

Được xếp hạng nhất nhì miền Bắc bởi tay nghề giỏi, anh được bà con trong nghề điện thoại gọi bằng cái tên “Dũng Râu”. Nhưng lúc gặp, hoá ra Dũng Râu chẳng có râu. Anh cười ngượng nghịu: “Mới xuống râu, xuống tóc vì bị chê... già quá”.

Gặp chuyên gia... bẻ khóa điện thoại hàng đầu VN - 1


Chỉ vài giây để Tây tương thích với Ta

 

Anh có thể nói chính xác việc bẻ khoá (unlock) mạng là thế nào?

  

Ở nước ngoài, họ quản lý người tiêu dùng bằng những lợi ích gắn kết với nhà cung cấp mạng. Khi hòa mạng một số máy, người tiêu dùng phải ký hợp đồng. Ví dụ ở Đức là 2 năm với T Mobile. Như vậy, trong 2 năm đó, người tiêu dùng sẽ chỉ dùng được sim của T Mobile. Khi cho sim của các hãng khác vào đều không dùng được do bị khóa mạng. Cũng như vậy, khi về Việt Nam, đưa sim Việt Nam vào cũng không thể dùng được. Và những người như tôi tìm cách để cái máy đó có thể dùng được sim Việt Nam, mạng Việt Nam. Nôm na là làm cho Tây tương thích với Ta (cười).

 

Nếu mang chiếc điện  thoại đã được bẻ khoá ở Việt Nam sang Trung Quốc hay các nước khác thì lại phải làm công việc bẻ khoá một lần nữa đúng không?

 

Không. Chỉ cần làm 1 lần là ok tất cả các sim.

 

Việc bẻ khoá có vi phạm pháp luật?

 

Không trái luật. Cả luật Việt Nam và cả luật của Mỹ. Lượng máy theo Việt kiều, những người du lịch vào Việt Nam rất lớn.

 

Vậy giá bẻ khoá chắc phải cao ngất?

 

Giá bẻ khóa tại Việt Nam có thể nói là thấp nhât.

 

Khoảng bao nhiêu?

 

Cái này cũng còn tuỳ từng loại máy và tuỳ từng loại... người (cười). Giá cho các cửa hàng thì thấp hơn giá cho khách lẻ một chút.

 

Thế còn việc phá mật mã bảo mật của chiếc điện thoại. Ví dụ như điện thoại của tôi có đặt mật khẩu. Khi tôi làm mất điện thoại, gã ăn trộm mang đến anh, anh có phá được không?

 

Cực kỳ đơn giản. Chỉ vài giây là xong.

 

Nghĩa là có khoá cũng như không?

 

(Cười) Gần đúng. Đặt mật mã chỉ là trò trẻ con của mấy ông cặp bồ sợ vợ sờ vào máy. Anh em chúng tôi vẫn đùa vui là khoá máy để phòng người ngay.

 

Tôi chợt buồn cười khi nghĩ đến hình ảnh mấy tay trộm xe đạp ở Bờ Hồ ngày xưa. Khoá nào chúng cũng mở được. Kể cũng giỏi!

 

Ấy ấy, đừng ví chúng tôi như những tay ăn cắp chuyên nghiệp ở Bờ Hồ thế.

 

Thì tiếp tay cho bọn ăn cắp vậy. Phần lớn những người mang điện thoại đến để nhờ phá mật mã đều là bọn ăn cắp điện thoại đúng không?

 

Chỉ 1% có thể. Thường là do người ta quên mã cài đặt. Có khi là trẻ con nghịch. Khi bẻ khóa máy không thể biết ai là trộm.

 

Kỹ thuật của hãng: chả tin một tí nào

 

Làm nghề này vốn liếng đâu bao nhiêu phải không?

 

Nhầm. Phải đầu tư rất nhiều. Khi đầu tư xong cũng có người  nói mình bị điên. Ví dụ,  thời kỳ Nokia BB5 mới ra, 1 bộ box để xử lí được loại này là 7.000USD. Duy nhất chỉ có tôi với một anh bạn trong Sài Gòn dám đầu tư. Mà về vẫn không làm được ngay. Anh em đau đầu nhức óc, thức ngày thức đêm tìm cách "trị" con cứng đầu cứng cổ này.  Mà cái bộ 7.000USD cũng chỉ bẻ được có 250 máy. Cứ mỗi lần đầu tư, cả trăm triệu bạc, xót ruột lắm.

 

Còn tai nạn nghề nghiệp?

 

Ôi giời, nhiều lắm. Đến bây giờ nhiều “ca” khó, vẫn chết máy của khách là chuyện thường. Vừa tuần trước phải đền khách cả chục triệu. Nhưng sau “quả” mất chục triệu đấy, ngon rồi. Giờ gặp mấy “con” kiểu đấy, chấp luôn. 2 giây, xong.

 

Coi như một bài học. Học phí quá cao?

 

(Cười). Cao thật. Cái nghề này nó thế. Ngày nào cũng phải học. Model mới ra liên tục, mình không học, không nghiên cứu, mổ xẻ nó, nó cho mình “rớt” ngay. Chết đói.
 

 

Gặp chuyên gia... bẻ khóa điện thoại hàng đầu VN - 2



Sao người ta không mang vào hãng mà sửa? Nói thật, nếu là tôi, tôi chẳng tin mấy anh thợ vườn như các anh. Dù sao cũng chẳng có bằng cấp gì trong lĩnh vực này?

 

Vì dịch vụ trong các hãng điện thoại tại Việt Nam rất cao. Hơn nữa, lại không đủ nhiệt tình. Thời gian được nhận lại máy lại lâu.

 

Nhưng dù sao, tay nghề của kỹ thuật trong hãng cũng đáng tin hơn. Hãng cơ mà!

 

Tôi thì chả tin một tí nào. Nói thẳng, tay nghề trong các hãng không bằng anh em bên ngoài. Họ không cọ sát nhiều bằng. Khách hàng trách hãng nhiều hơn khen.

 

Tại sao các cửa hàng sửa chữa điện thoại khác phải tìm đến công ty anh?

 

Có những vấn đề mình tìm ra trước, nên người ta sẽ phải tìm đến để giải quyết công việc cho khách hàng của người ta. Họ mang máy của khách qua nhờ mình sửa. Ngon, bổ, rẻ. Lại nhanh. Họ chẳng phải lọ mọ nhiều, đỡ mất thời gian.

 

Những vụ anh đi trước, anh có thu phí bất thường hơn không?

 

Có thể có, có thể không. Nếu có, sẽ giảm dần theo thời gian, đến khi giải pháp đó có người thứ 2 làm được. Lúc đó tính cạnh tranh lại được đưa lên.

 

Ôm vợ tưởng ôm điện thoại

 

Người ta bảo Dũng Râu suốt ngày ôm cái đống máy điện thoại, giờ có ôm vợ cũng tưởng ôm điện thoại mà thôi. Ôm điện thoại đến mức râu tóc như tiền bối. Mà tôi có thấy râu tóc anh như mọi người ta tả đâu?

 

(Cười ha hả). Mới xuống râu xuống tóc được mấy hôm. Hôm rồi gặp bọn lớp cũ, tụi nó bảo: “Mày “cụ” quá”. Tức mình, về phéng hết râu tóc đi.

 

Vậy đỡ “cụ” hơn chưa?

 

Từ hôm mày râu nhẵn nhụi cứ thấy thế nào ấy. Nói thật nhé, cứ như không mặc gì ấy. Khó chịu lắm (cười).

 

Xếp hạng thứ tự nhé. Yêu máy hơn, hay yêu vợ hơn?

 

Cái này thì tùy lúc. Lúc công việc chưa làm được, chưa mày mò ra thì máy điện thoại là nhất. Lúc xong rồi, vợ là nhất. Có nghĩa là thứ hạng liên tục thay đổi.

 

Và vợ anh chấp nhận sự thay đổi liên tục ấy?

 

Hỏi vợ tôi ấy. Cô ấy sống với tôi hơn một thập kỷ rồi.

 

Đã có học trò nào phản chủ? Anh dạy họ hết ngón nghề bị họ cướp hết khách của anh?

 

Đến thời điểm này thì chưa có trò nào “qua mặt” được.

 

Vì anh giấu nghề?

 

Không, vì anh em trong nghề tin tưởng và ưu ái Dũng Râu này thôi. Họ chỉ tìm đến tôi.

 

Em trai anh đường đường là một kiến trúc sư, vậy mà anh dụ dỗ thế nào, cũng bỏ nghề đi làm ông chủ Công ty SUCHUBEKHO (sửa chữa, bẻ khoá) như anh? Vì lợi nhuận quá cao?

 

Nó chảy chung dòng máu với tôi. Không vì lẽ gì mà những thứ tôi đam mê em trai tôi lại từ chối và ngược lại. Ngày xưa lúc cu cậu đi học đại học cũng vì thương anh, muốn giúp anh nên rảnh là nó giúp. Dần dần nó cũng ngấm nghề. Nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn mà nó cũng có tố chất này.

 

Thời hoàng kim của nghề này đã qua, khi mà các siêu thị mọc lên như nấm và điện thoại ngày càng hiện đại nên ít hỏng?

 

Thời hoàng kim của nghề này cũng có thể sắp qua, nhưng là về bán hàng vì không cạnh tranh được với các siêu thị. Còn về  sửa chữa thì “Hãy đợi đấy!”.

 

Cảm ơn anh, anh Dũng Râu!

 

Hình như, tôi không còn râu nữa (lại cười).

 

Theo Việt Nga

Khoa học và đời sống