Điện toán biết nhận thức của IBM chính thức triển khai ở Việt Nam

IBM sẽ giúp các doanh nghiệp, giảng viên và các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như người dùng Việt Nam được tiếp cận với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tạo điều kiện cho các thế hệ lập trình viên nâng cao các kỹ năng về trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

“Điện toán biết nhận thức” là khái niệm dùng để mô tả những hệ thống có khả năng học hỏi ở quy mô nhanh và sâu, luận giải có mục đích, và tương tác với con người thông qua ngôn ngữ tự nhiên. Lần trình diễn rộng rãi đầu tiên của công nghệ điện toán biết nhận thức là vào năm 2011, khi chiếc máy tính IBM Watson ra mắt toàn thế giới và đánh bại hai nhà vô địch nổi tiếng giới trò chơi truyền hình Mỹ Ken Jennings (74 lần vô địch liên tiếp) và Brad Rutter (lập kỷ lục về tiền thưởng lớn nhất) trong trò chơi Jeopardy!, một trong những trò chơi truyền hình hấp dẫn nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ. Năng lực của máy tính Watson trong việc trả lời những câu hỏi ẩn ý, phức tạp theo kiểu chơi chữ thể hiện khả năng xử lý những tập hợp dữ liệu ngày càng phức tạp và đã phát triển năng lực tìm hiểu, lý giải và học hỏi vượt xa công nghệ “giải mã”.

Điện toán biết nhận thức được coi là đặt dấu chấm hết cho “Thời kỳ ngủ đông của trí tuệ nhân tạo (AI)”, làm thay đổi hoàn toàn phương thức tương tác giữa con người và hệ thống, trong đó những hệ thống thông minh sẽ mô phỏng những năng lực của bộ não con người nhằm góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp nhất của xã hội.

Ông Eric Yeo, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam chia sẻ: “Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và điện toán biết nhận thức để mang lại các dịch vụ mang tính cá nhân hoá đang phát triển ngày càng nhan. Công nghệ điện toán biết nhận thức không chỉ đơn giản là những hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng học hỏi, lập luận, hay xử lý ngôn ngữ biết tự nhiên, mà còn có ý nghĩa đại diện cho một mối quan hệ đối tác mới giữa con người và công nghệ”

IBM bắt đầu ứng dụng và đào tạo về điện toán biết nhận thức ở Việt Nam thông qua công ty Five9. Công ty này sẽ hợp tác với các trường đại học chuyên về CNTT là Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông và Viện CNTT - Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự để đào tạo cho sinh viên kỹ năng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và điện toán biết nhận thức.

Các đơn vị đào tạo CNTT hàng đầu của Việt Nam sẽ bắt tay hợp tác với IBM trong việc ứng dụng và đào tạo về điện toán biết nhận thức.
Các đơn vị đào tạo CNTT hàng đầu của Việt Nam sẽ bắt tay hợp tác với IBM trong việc ứng dụng và đào tạo về điện toán biết nhận thức.

Tạo tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Trong buổi công bố quan hệ hợp tác và những thành tựu đầu tiên tại Việt Nam trong việc ứng dụng và đào tạo về Điện toán biết nhận thức giữa IBM và Five9 ngày 20/4, ông Nguyễn Trọng Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Five9 khẳng định: Nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam đã được đánh giá cao trên bản đồ công nghệ thế giới. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các công ty công nghệ thông tin trên toàn cầu. Tuy vậy, tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đang trở thành vấn đề nan giải tại Việt Nam. Song song với đó là tiềm năng của nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam vẫn chưa nhận được nhiều cơ hội để phát triển xứng đáng.

Ông Nguyễn Trọng Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Five9 và ông Trần Nguyên Vũ - Giám đốc Nhóm các giải pháp và phần mềm, IBM Việt Nam ký kết bàn giao dự án.
Ông Nguyễn Trọng Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Five9 và ông Trần Nguyên Vũ - Giám đốc Nhóm các giải pháp và phần mềm, IBM Việt Nam ký kết bàn giao dự án.

“Với mong muốn tạo ra một cộng đồng CNTT chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, Five 9 nhân cơ hội hợp tác này đã đề xuất với IBM hỗ trợ đào tạo về ứng dụng công nghệ điện toán biết nhận thức, góp phần vào việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự tại Việt Nam cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây chính là lí do Five9 muốn công bố về chương trình hợp tác với các trường Đại học và kế hoạch đào tạo về ứng dụng Nền tảng Điện toán biết nhận thức của IBM.” – Ông Huấn nói.

Bên cạnh đó, để có thể đưa điện toán biết nhận thức ứng dụng hiệu quả tại Việt Nam, Five9 sẽ tiến hành hợp tác với các doanh nghiệp để hiện thực hoá việc ứng dụng công nghệ tiên tiến này vào thực tế, triển khai một cách có hiệu quả vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp, hỗ trợ Doanh nghiệp tìm kiếm và thấu hiểu khách hàng của mình.

Những doanh nghiệp đầu tiên sẽ hợp tác cùng với Five9 trong nội dung ứng dụng công nghệ điện toán biết nhận thức là VTVlive, OneNet và ngân hàng BIDV chi nhánh Hoài Đức. Cụ thể, với VTVlive, Five9 sẽ sử dụng Điện toán biết nhận thức để phân tích tính cách tâm lý dựa trên các dấu vết số của người dùng trên Internet, mạng xã hội và gợi ý nội dung truyền hình phù hợp.

Ông Phan Thế Vinh – Giám đốc công ty Five9 và ông Phạm Huy Triều – Giám đốc công ty OneNet ký kết hợp tác.
Ông Phan Thế Vinh – Giám đốc công ty Five9 và ông Phạm Huy Triều – Giám đốc công ty OneNet ký kết hợp tác.

Five9 sẽ hợp tác với công ty OneNet và đưa công nghệ về phân tích dữ liệu và Watson API của IBM vào phần mềm bệnh viên OneMes để hỗ trợ hiệu quả hơn việc chuẩn đoán bệnh và dự trữ thuốc theo đặc thù bệnh của địa phương hoặc theo mùa.

Nếu cung cấp đủ thông tin, Công nghệ điện toán biết nhận thức cũng có thể giúp chúng ta đánh giá khả năng thanh toán của cá nhân, doanh nghiệp, giúp Ngân hàng và các Công ty Tài chính cung cấp dịch vụ phù hợp cho khách hàng. Đây chính là nội dung hợp tác giữa Five9 và ngân hàng BIDV chi nhánh Hoài Đức trong việc ứng dụng điện toán biết nhận thức

Trong năm 2017, Five9 và IBM cũng sẽ cung cấp gói tín dụng trị giá 1 tỷ đồng cho 4 đơn vị đào tạo nói trên để sử dụng nền tảng công nghệ Điện toán biết nhận thức của IBM, để ngay sau khi được đào tạo, các giảng viên và sinh viên có thể áp dụng ngay nền tảng công nghệ này vào các ý tưởng, sản phẩm của mình để giải quyết các bài toán cụ thể.

PV