Đánh giá chi tiết LG G4 phiên bản vỏ phủ sứ

(Dân trí) - Ngay từ khi ra mắt, chiếc điện LG G4 đã nhận được khá nhiều lời khen, xứng danh với tên gọi “siêu phẩm” khi sở hữu sự hoàn thiện về thiết kế và nâng cấp trong cấu hình.

Thiết kế

LG G4 có nhiều phiên bản vỏ khác nhau, từ da thật, nhựa đến vỏ phủ sứ. Và phiên bản được đánh giá lần này là phiên bản vỏ sứ có màu trắng.

Mặt sau với chất liệu vỏ sứ

Nhìn toàn cảnh, LG G4 toát lên vẻ sang trọng và hoàn thiện của một smartphone cao cấp bằng các đường nét “cong ra cong, thẳng ra thẳng”: ở phần thân máy là các đường thẳng và ở phần đỉnh/đuôi máy uốn cong nhẹ. Đặc biệt, màu sứ trắng phía sau làm ta cảm thấy chiếc smartphone trông bóng và sáng hơn khi ra ngoài trời.

Với kích thước 148.9mm x 76.1mm (dài x rộng) và có trọng lượng 155 gram, cộng với phần mặt sau được thiết kế dạng cong (dày từ 6.3mm – 8.9mm), G4 cho cảm giác cầm rất ôm và chắc tay. Tuy vậy, việc các góc chỉ được vát nhẹ đã khiến người trải nghiệm có cảm giác bị cấn.

Lớp vỏ sau của G4 là vỏ sứ, tuy khá là sạch sẽ nhưng nếu dùng lâu, nó để lại khá nhiều dấu vân tay và chất liệu này cũng khiến mồ hôi tay ra nhiều hơn theo thời gian sử dụng. Do đó, đòi hỏi người dùng cần phải lau chùi thường xuyên, tránh để làm ố màu của sứ.

Nhìn nghiêng sẽ thấy các vân nổi khá đẹp

Tương tự phiển bản vỏ nhựa cao cấp, mặt sau của G4 cũng được thiết kế dạng vân nổi kim cương. Bản thân người đánh giá cũng cảm thấy rất hài lòng, đặc biệt là ở ngoài trời, nó tạo hiệu ứng rất đẹp.

3 phím bấm điều hướng được dời vào bên trong. Tại đây có thêm phím bấm chuyển SIM

Đi sâu vào từng chi tiết, mặt trước máy được LG tối ưu cho màn hình khá hay và người dùng gần như chỉ thấy màn hình bởi phần viền bezel khá nhỏ. Phần trên là loa nghe và camera trước bị bó hẹp vào một không gian nhỏ trong khi phần dưới chỉ là logo LG bởi cụm phím điều hướng đã nằm vào bên trong máy. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân thì thiết kế cụm phím dạng này khá bất tiện khi thao tác, đó là chưa kể nó chiếm một phần diện tích màn hình.

Máy có thiết kế hơi cong

Khi đặt ngang G4, người dùng có thể thấy thiết kế hơi cong nhưng không bằng với chiếc G Flex 2. Phần cạnh viền có độ hoàn thiện rất cao, các mối nối rất khít và đẹp mắt. 

Nhìn nghiêng sẽ thấy các vân nổi khá đẹp

Phía đỉnh máy có mặt cả cổng sạc và jack 3,5 mm, trong khi phía dưới chỉ làm micro thu âm bởi các phím tăng/giảm âm lượng và phím nguồn đã được dời ra phía sau tương tự các phiên bản G thế hệ trước. Thử nghiệm cụm phím này cho thấy, nó khá dễ bấm, độ nhạy cao…

Màn hình

LG G4 vẫn có mặt của màn hình độ phân giải 2K (2560x1440 pixel). So với “đàn anh” G3, G4 đã được tăng kích thước lên 5,5 inch, đồng thời sử dụng tấm nền công nghệ “Quantum IPS” được hãng quảng cáo là có độ tương phản cao hơn, màu sắc đẹp, hiển thị sáng hơn và tiết kiệm điện năng.

Màn hình 5,5 inch độ phân giải 2K

Thử nghiệm cho thấy, ở điều kiện trong nhà, màn hình G4 hiển thị màu sắc khá đậm nhưng tươi sáng, không bị lệch màu, không quá rực và cũng không quá nhợt nhạt như các dòng sản phẩm cao cấp khác. Máy cũng cho độ sắc nét, độ tương phản tốt hơn.

Thử nghiệm với điều kiện ngoài trời cũng cho cảm giác khá hài lòng. Những hình ảnh hiển thị trên G4 vẫn rõ ràng, độ nét cao, màu sắc tốt dù ở trạng thái mặc định. Bên cạnh đó, độ tương phản cao và góc nhìn rộng cũng là ưu điểm không thể bỏ qua của máy.

Nhìn chung, màn hình của G4 có sự thay đổi đáng kể và cảm giác nhìn tốt hơn nhiều so với các dòng sản phẩm trước đó của hãng.

Giao diện và tính năng

LG G4 có mặt của nền tảng Android 5.1 Lollipop mới nhất hiện nay và được tùy biến với giao diện LG UX 4.0. Theo đánh giá ban đầu, giao diện này nhìn khá thân thiện và cũng rất dễ sử dụng, biểu tượng đẹp mắt… Tuy vậy, nếu so sánh với G3 thì có vẻ như giao diện mới không đẹp bằng “đàn anh” của mình.

G4 khởi chạy Android 5.1 mới nhất

Trên LG G4, nhà sản xuất đã tích hợp khá nhiều tính năng hay kế thừa G3 như Smart Notice thông minh giúp nhắc nhở dựa trên thói quen người dùng, tự tối ưu hóa bộ nhớ, pin khi sử dụng…

Máy cũng có mặt của Smart Cleaning giúp dọn dẹp bộ nhớ. Tính năng Smart Keyboard cho trải nghiệm viết chữ tốt hơn… Các thử nghiệm về tính năng này đều cho cảm giác hài lòng.

G4 cũng có mặt của Knock Code – tính năng được đánh giá là có độ bảo mật khá cao – cho phép mở khóa bằng cách gõ lên các vị trí khác nhau trên màn hình.

Giao diện điều khiển các thiết bị ngoại vi.

Ngoài ra, không thể không kể tới khả năng chạy đa nhiệm Dual Windows cho phép chạy song song 2 ứng dụng, Qslide cho phép chạy ứng dụng trên cửa sổ nhỏ… Hay trình điều khiển remote với tích hợp cổng hồng ngoại.

Camera

Camera chính 16 MP với khẩu f/1.8.

G4 được tích hợp khả năng chụp ảnh được xem là tốt hiện nay trong phân khúc cao cấp. Máy có camera chính với cảm biến 16 MP, khẩu độ lớn f1.8, lấy nét laser và có khả năng chống rung quang (OIS). Đặc biệt, việc hỗ trợ chụp ảnh RAW cũng là điểm nhấn, ít smartphone nào có.

Màu da và cảnh trời (lúc đang sắp mưa) được thể hiện tốt và khá thực
Màu da và cảnh trời (lúc đang sắp mưa) được thể hiện tốt và khá thực

Trải nghiệm với camera sau của máy ở chế độ ngoài trời cho thấy, tốc độ lấy nét và tốc độ chụp nhanh, gần như ngay lập tức. Người dùng có thể nhấn nhanh 2 lần phím bấm giảm âm lượng để truy cập vào máy ảnh khi đang ở chế độ chờ. Chất lượng hình ảnh thu được cũng rất hài lòng, ảnh cho độ sáng vừa phải, có độ sắc nét, màu sắc trung thực và khi phóng to cũng không bị rỗ nhiều.

Ở điều kiện thiếu sáng và có đèn Flash, chất lượng ảnh chụp cũng tốt nhưng nhiễu nhẹ khi phóng to. Còn với trường hợp đêm tối ít ánh đèn, hình ảnh thu được nhiễu khá nặng.

Ảnh phơi sáng: Tuấn An
Ảnh phơi sáng: Tuấn An

Tuy vậy, khả năng tùy chọn chụp ảnh thủ công khi có thể tùy chọn ISO, tốc độ… giúp cho người dùng có thể phơi sáng dễ dàng. Thử với 1 chân máy và chụp hẹn giờ, máy cho ra bức ảnh phơi sáng khá đẹp, độ chi tiết cao nhờ vào khẩu độ máy ảnh lớn f/1.8. Đây cũng là một điểm đáng khen ở sản phẩm này.

Bên cạnh camera sau, máy cũng có camera trước cho “tự sướng” có độ phân giải 8 MP. Bộ phận này cũng có những tính năng như camera sau. Về chất lượng, hình ảnh thu được là khá tốt và nếu có thêm sự hỗ trợ của các ứng dụng chỉnh sửa tích hợp, ảnh khá “lừa tình” . Vì vậy, người dùng cần chỉnh lại để tắt bớt chức năng làm mịn da…

Cấu hình và hiệu năng

LG G4 hiện đang sở hữu cấu hình mạnh với vi xử lí lõi 6 Snapdragon 808 tốc độ 1,8 GHz từ Qualcomm, RAM 3 GB, bộ nhớ trong 32 GB… Với cấu hình này, các thao tác cơ bản như lướt, chạm, mở ứng dụng rất mượt mà và gần như không có độ trễ.

Giao diện lướt web

Các ứng dụng “nặng” hơn như game 3D cũng khó có thể “làm khó” G4. Những game đòi hỏi nhiều hiệu ứng như Asphalt 8 hay FIFA 14 chạy rất mượt. Khi sử dụng lâu, máy cũng không nóng lên nhiều.

Chiếc LG G4 được trang bị nguồn pin 3000 mAh (bằng với G3), cho thời gian sử dụng tầm 1 ngày liên tục. Máy cũng có tính năng cho pin khá hay mang tên Battery & Power Saving’s Game Optimizer giúp tiết kiệm pin bằng cách giảm độ phân giải xuống hay khả năng sạc không dây. Tuy nhiên, việc máy không có khả năng sạc nhanh như một số smartphone cao cấp gần đây có lẽ cũng là khiếm khuyết.

Kết luận

Với thiết kế phong cách, cộng thêm cấu hình mạnh mẽ, màn hình hiển thị đẹp và camera chụp tốt, LG G4 xứng đáng là một trong những smartphone xếp vào hàng “siêu phẩm” hiện nay.

Ưu điểm

  • Thiết kế hoàn thiện
  • Màn hình hiển thị đẹp
  • Camera chụp đẹp (trước/sau), lấy nét nhanh
  • Cấu hình mạnh
  • Hiệu năng cao

Nhược điểm

  • Vỏ sứ dễ dính vân tay
  • Pin không được nâng cấp
  • Không có sạc nhanh

Phan Tuấn