CNTT-TT phải tiếp tục phát huy vai trò mũi nhọn, mở đường

Ngành Thông tin và Truyền thông cần phải đón được xu hướng tương lai để tiếp tục là ngành kinh tế-chính trị-kỹ thuật mũi nhọn, mở đường, tạo động lực cho một giai đoạn đổi mới mạnh mẽ hơn của đất nước.

CNTT-TT phải tiếp tục phát huy vai trò mũi nhọn, mở đường
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành TTTT cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cùng với các ngành công nghệ cao khác tạo thành nền tảng đưa Việt Nam chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới. Ảnh: VGP/Minh Khôi
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), ngày 26/12.
 
Theo Phó Thủ tướng, trong những năm gần đây, các chỉ số cạnh tranh quốc gia, kinh tế tri thức, phát triển nguồn nhân lực… không còn ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ như trước mà hiện là giai đoạn tạo ra động lực mới nhằm phát huy hết những tiềm lực trong nhân dân. Trong đó ngành TTTT có vai trò quyết định để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội thông tin, kinh tế tri thức, triển khai và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT).

30 năm trước, ngành Bưu điện có dấu mốc cực kỳ quan trọng là chuyển từ kỹ thuật tương tự (Analog) sang kỹ thuật số, đã trở thành ngành đột phá, mở đường, thúc đẩy đổi mới. Và trong thời điểm hiện nay, ngành TTTT phải nắm bắt được xu hướng phát triển như 30 năm trước để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới như hội tụ các dòng thông tin khác nhau thành sức mạnh theo đúng định hướng, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc; đưa CNTT trở thành động lực không chỉ cho DN của ngành TTTT mà cho cả nền sản xuất dịch vụ và nền hành chính đất nước. Đây là trách nhiệm và cũng là cơ hội của ngành TTTT, do đó, ngành cần phải có những đột phá hết sức mạnh mẽ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ TTTT cũng cần tập trung chỉ đạo báo chí tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phát huy hơn nữa vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân nhằm tạo đồng thuận xã hội, tạo ra bầu không khí chính trị tích cực để vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2014, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.

Đồng thời tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 về việc phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015”.

Việc triển khai, thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông (VNPT), sắp xếp lại Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) là để cả ngành mạnh hơn, để DN có động lực mạnh hơn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó là các đề án: Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Chương trình quốc gia về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011-2015; Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến 2020; Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020; Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến 2020; Quy hoạch phát thanh truyền hình đối ngoại đến 2020; Quy hoạch mạng lưới đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài đến 2020; Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh truyền hình Việt Nam đến 2020; chú trọng hơn nữa chất lượng xây dựng các chiến lược, quy hoạch trong cả 5 lĩnh vực bưu chính, viễn thông, Internet, CNTT, báo chí, xuất bản…
CNTT-TT phải tiếp tục phát huy vai trò mũi nhọn, mở đường

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Theo báo cáo của Bộ TTTT, năm 2013, tổng doanh thu viễn thông của ngành ước đạt 9,9 tỷ USD. Tổng số thuê bao điện thoại đạt 130 triệu, trong đó di động chiếm 93%; hơn 31 triệu người sử dụng Internet... Tổng doanh thu công nghiệp CNTT ước tính đạt hơn 20 tỷ USD. Về ứng dụng CNTT, 100% cơ quan Nhà nước có Trang/Cổng thông tin điện tử, cung cấp hơn 100.000 dịch vụ công trực tuyến các loại phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong năm 2013, công tác thanh, kiểm tra được Bộ thực hiện thường xuyên, liên tục với các hình thức định kỳ và đột xuất. Bộ đã thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật tại 54 tổ chức, doanh nghiệp; thanh tra đột xuất 25 đơn vị, cá nhân; thanh tra hành chính 3 đơn vị; ban hành 99 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 3 tỷ đồng, thu hồi 1,8 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực viễn thông, Thanh tra Bộ xử phạt trên 336 triệu đồng đối với cá nhân, doanh nghiệp vi phạm về khuyến mại, giảm giá cước, cung cấp SIM điện thoại di động vào mục đích trộm cước viễn thông, sử dụng tên miền không đúng quy định.

Qua các cuộc thanh tra đột xuất, nhiều hành vi vi phạm như trộm cước viễn thông, phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cung ứng dịch vụ chuyển phát hoặc phát hành xuất bản phẩm không có giấy phép… được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Có thể nói, nhờ thanh tra, kiểm tra kịp thời, thường xuyên nên Bộ TTTT đã chấn chỉnh và xử lý nghiêm, đúng pháp luật các trường hợp sai phạm, góp phần vào việc tăng cường hoạt động đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
 
CNTT-TT phải tiếp tục phát huy vai trò mũi nhọn, mở đường

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho các tập thể của Bộ TTTT. Ảnh: VGP/Minh Khôi

* Trong dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho các tập thể của Bộ TTTT có thành tích xuất sắc trong năm 2013. Bộ TTTT cũng đã trao tăng Cờ thi đua của Bộ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TTTT cho các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong năm 2013.

Theo Nguyệt Hà-Minh Khôi
Báo điện tử Chính phủ