Clip cho thấy thực trạng “sốc” khi trẻ em quá nghiện thiết bị di động

(Dân trí) - Hình ảnh những đứa trẻ với đôi mắt dán chặt vào smartphone hay máy tính bảng đang dần trở nên phổ biến. Và những đứa trẻ “nghiện” các thiết bị di động sẽ mất tập trung với những gì đang xảy ra xung quanh mình như thế nào? Một thử nghiệm đã được tiến hành để tìm câu trả lời...

Với sự phổ biến của smartphone hay máy tính, ngày càng nhiều trẻ em tiếp xúc với các thiết bị di động khi còn rất nhỏ và khi chúng sử dụng các thiết bị này, chúng dường như mất toàn bộ sự tập trung vào thế giới xung quanh mình.

Để chứng minh cho điều này, hãng thực phẩm Dolmio (Úc) đã thực hiện một thử nghiệm ngay trong buổi ăn tối của cá gia đình. Các bậc phụ huynh có con đang nghiện smartphone hay máy tính bảng đã đồng ý tham gia cuộc thử nghiệm được camera giấu kín ghi hình lại này.

4 đứa trẻ ở độ tuổi từ 8 đến 10 đã được camera giấu kín ghi hình lại thời điểm trước bữa ăn tối, khi chúng vẫn đang đắm chìm với thiết bị di động của mình ngay bên bà ăn trong khi đang chờ thức ăn.

Trong đoạn clip cho thấy những thay đổi lớn được thực hiện ngay xung quanh bàn ăn mà những đứa trẻ thậm chí không hay biết.

Clip cho thấy thực trạng “sốc” khi trẻ em quá nghiện thiết bị di động - 1
Cậu bé quá mải mê sử dụng máy tính bảng mà không để ý chị gái của mình đã được thay thế bằng một người khác
Cậu bé quá mải mê sử dụng máy tính bảng mà không để ý chị gái của mình đã được thay thế bằng một người khác

Tại một gia đình, một bó hoa hồng được thay thế bằng hoa vàng và bức ảnh gia đình phía trên bức tường được thay đổi với một bức tranh màu đen đỏ ở ngay trước mặt đứa trẻ, nhưng đứa trẻ dường như không hề bận tâm.

Tại một gia đình khác, một người đàn ông đội mũ sừng bò của người Viking đi vào căn bếp và treo một bức tranh ngựa vằn trên tường, nhưng đứa trẻ đang sử dụng thiết bị di động cũng không hề hay biết.

Thậm chí, những đứa trẻ quá say mê đến mức không hề nhận ra được cha mẹ, người thân của mình đã được thay thế bằng những người khác, hoàn toàn xa lạ. Một trong số những người chị được thay bằng một cậu bé mang theo một cái cây, ngồi vào bàn ăn, trong khi một người em trai khác được thay thế bằng một người đàn ông ở độ tuổi 30.

Sau khi quá trình sắp đặt đã hoàn tất, Wifi trong gia đình được tắt đi, lúc này, những đứa trẻ mới rời mắt khỏi thiết bị di động của mình và bắt đầu phát hiện ra mình đang “lạc lối” bên trong một gia đình hoàn toàn khác, với những người không hề quen biết.

Phản ứng của những đứa trẻ đều là rất bối rối và sốc, lập tức rời khỏi bàn ăn trước khi gặp lại gia đình của mình ở một căn phòng khác, nơi mọi người cười lớn trước tình huống khó xử mà đứa trẻ vừa phải trải qua.

Cuối đoạn clip, một thông điệp được đưa ra: “Đôi khi chúng ta cần phải ngắt kết nối để kết nối. Thời khắc gia đình là rất quan trọng, đừng hủy hoại nó bằng công nghệ”.

Đoạn clip cho thấy một thực trạng khá “sốc” khi những đứa trẻ “nghiện thiết bị công nghệ, khi chúng dường như mất sự tập trung hoàn toàn vào thế giới xung quanh. Điều này có thể rất nguy hiểm nếu trẻ em sử dụng thiết bị công nghệ ở những nơi công cộng hoặc trên đường có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc do không tập trung.

Về các bậc phụ huynh, đoạn clip như một lời cảnh tỉnh khi để con em tiếp xúc và sử dụng các thiết bị công nghệ. Việc sử dụng các thiết bị công nghệ từ quá sớm vẫn được xem là một hành động gây hại nhiều hơn mà mang lại lợi ích cho trẻ em.

Phạm Thế Quang Huy