Chi phí sản xuất iPhone SE chỉ mất 3,6 triệu đồng

(Dân trí) - Sau khi tách rời các bộ phận trên chiếc smartphone iPhone SE vừa ra mắt của Apple, nhóm các nhà phát triển của công ty phân tích thị trường IHS ước tính chi phí sản xuất của chiếc smartphone này là 160USD tương đương 3,6 triệu đồng, chưa bằng 1/2 giá bán khởi điểm 399USD cho phiên bản ổ cứng 16GB.

Các chuyên gia của hãng phân tích thị trường IHS đã tiến hành “mổ xẻ” các linh kiện bên trong của chiếc smartphone cỡ nhỏ iPhone SE vừa được Apple trình làng để đánh giá chi phí các linh kiện sử dụng bên trong để tạo nên chiếc smartphone này.

Theo các chuyên gia của IHS, iPhone SE chứa nhiều phần linh kiện đã sử dụng trên các phiên bản iPhone khác, chẳng hạn phần vỏ của iPhone SE gần như có thể sử dụng chung lại lớp vỏ của iPhone 5S do có chung kích cỡ và thiết kế bên ngoài, sử dụng chung vi xử lý A9 của iPhone 6S và chip kết nối mạng 4G trên iPhone 6 hay sử dụng chung cảm biến vân tay TouchID thế hệ đầu trên iPhone 5S...

Apple chỉ mất 160USD chi phí linh kiện để lắp ráp nên chiếc iPhone SE 16GB bán với giá 399USD và mất 170USD chi phí tương tự cho chiếc iPhone SE ổ cứng 64GB có giá 499USD
Apple chỉ mất 160USD chi phí linh kiện để lắp ráp nên chiếc iPhone SE 16GB bán với giá 399USD và mất 170USD chi phí tương tự cho chiếc iPhone SE ổ cứng 64GB có giá 499USD

Phần linh kiện đắt nhất trên iPhone SE có lẽ nằm ở bộ vi xử lý Apple A9, do Apple tự thiết kế và được sản xuất bởi Samsung và TSMC (Đài Loan), với chi phí 22USD, chi phí của chip kết nối mạng do Qualcomm sản xuất là 15USD. Đặc biệt, Apple cũng được hưởng lợi đáng kể từ việc tái sử dụng một công nghệ màn hình thế hệ trước, với màn hình 4-inch do LG sản xuất, có giá chỉ 20USD, thấp hơn mức giá 41USD mà Apple đã phải trả cho linh kiện sử dụng trên iPhone 5S cách đây 3 năm.

Nhìn chung, theo IHS, Apple mất tổng cộng 160USD chi phí linh kiện phần cứng để sản xuất nên một chiếc iPhone SE phiên bản ổ cứng 16GB, hiện được bán với giá 399USD.

Với toàn bộ chi phí trên, iPhone SE có phí sản xuất rẻ hơn đến 39 USD so với iPhone 5S trước đó được định giá là 199 USD. Lý do cho giá thành rẻ hơn bởi chi phí linh kiện hiện nay thấp hơn so với trước kia khá là nhiều.

Đáng chú ý, với phiên bản ổ cứng 64GB, Apple chỉ mất thêm 10USD chi phí linh kiện sản xuất (chi phí ổ cứng lưu trữ lớn hơn), tương đương với 170USD giá linh kiện, nhưng được bán cao hơn phiên bản 16GB tới 100USD (499USD), điều này đồng nghĩa với việc phiên bản iPhone SE 64GB mang lại lợi nhuận cao hơn so với phiên bản 16GB.

Andrew Rassweiler, chuyên gia phân tích của IHS nhận định phiên bản 16GB và 64GB có mức giá chênh lệch nhau ít là nhằm khuyến khích người dùng lựa chọn phiên bản 64GB, thay vì phiên bản 16GB, sẽ mang về khoản lợi nhuận cao hơn cho Apple.

“Tỷ suất lợi nhuận trên phiên bản 16GB và thấp hơn so với phiên bản 64GB. Apple bán phiên bản có dung lượng lưu trữ lớn hơn có giá chênh lệch 100USD, nhưng chỉ mất thêm 10USD chi phí linh kiện để lắp ráp”, Andrew Rassweiler nhận xét.

Tuy nhiên, phân tích của IHS không tính các chi phí hoạt động khác của Apple, như chi phí thiết kế phần mềm, marketing, phân phối... Dẫu sao, Apple vẫn nổi tiếng là hãng luôn đạt được lợi nhuận cao nhất cho các mẫu sản phẩm bán ra thị trường, do vậy không quá ngạc nhiên khi iPhone SE vẫn tiếp tục là một sản phẩm được Apple tung ra nhằm kiếm thêm một khoản lợi nhuận trước khi “bom tấn” thực sự iPhone 7 được trình làng.

Mặc dù chi phí giảm nhưng Andrew Rassweiler, Giám đốc Dịch vụ nghiên cứu Chi phí của IHS cho biết: "iPhone SE là sự pha trộn của ba thế hệ iPhone - iPhone 5s, iPhone 6 và iPhone 6s - tạo thành một cái gì đó hoàn toàn mới" . Ông cũng cho biết thêm rằng "Mặc dù có sự tương đồng vật lý giữa iPhone SE với iPhone 5s, nhưng iPhone SE vượt trội hơn nhiều. Và trên thực tế, điều khiến người dùng phân vân giữa iPhone SE và iPhone 6s chỉ là kích thước nhỏ hơn và độ phân giải màn hình thấp hơn. "

Hiện iPhone SE hiện đã đến tay người tiêu dùng ở các thị trường trọng điểm của Apple. Trong khi đó, thị trường Việt vẫn chưa có bất cứ thông tin về ngày bán lẫn giá bán.

T.Thủy- Phan Tuấn