CDMA - Nhà quý tộc... sa sút

Cách đây 3 năm, công nghệ CDMA không chỉ là kỳ vọng của doanh nghiệp, mà còn là hứa hẹn của các “cư dân di động”. Đã có lúc, “công nghệ của tương lai” này trở thành cơn sốt với hứa hẹn sóng tốt, giá rẻ, nhiều tiện ích. Thế nhưng cho đến nay, sự thất vọng đang đè nặng và dường như CDMA tại VN chưa tìm được lối thoát.

Nhà quý tộc... sa sút

Trên thế giới hiện có khoảng 50 quốc gia sử dụng CDMA với thị phần khoảng 130 triệu thuê bao. Đã có quá nhiều những cái tên mỹ miều như “công nghệ của tương lai”, “công nghệ của 3G” dành tặng cho CDMA... Thực tế, ở nhiều quốc gia, CDMA đã chứng minh được sức mạnh của mình với mạng thoại chất lượng hoàn hảo, truy cập Internet tốc độ cao, cho phép phát triển nhiều dịch vụ trực tuyến và dịch vụ gia tăng...

 

Vì thế, CDMA vào VN với đầy đủ danh vọng và sức mạnh với 3 nhà cung cấp (NCC): S-Fone, EVN Telecom và HT Mobile.

 

Thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn, CDMA đã sớm trở thành “nhà quý tộc... sa sút”. Tại thời điểm xâm nhập vào VN, CDMA do S-Fone cung cấp đã tạo nên một cơn sốt hâm mộ cũng như mốt của nhiều người. Nhưng rồi thiết bị đầu cuối quá đắt, khó sử dụng, khó thay thế; các tính năng được kỳ vọng thì không phát huy được sức mạnh do hạ tầng chưa cho phép... Tất cả những rào cản này đã kéo lùi bước tiến tưởng như đã rất mạnh mẽ của S-Fone.

 

Rơi vào khó khăn

 

Khi EVN Telecom nhập cuộc, một cơn sốt dù không nóng bằng S-Fone, nhưng cũng đủ để thị trường để mắt đến NCC này. Không chỉ mang trên mình đầy đủ sức mạnh vốn có, EVN Telecom còn tìm cho mình nhiều hướng đi khác nhau với nhiều loại hình dịch vụ. Đó là E-Com - điện thoại cố định không dây có đủ tính năng nhắn tin, truy cập Internet; E-Phone - điện thoại di động nội vùng, nhưng có sức mạnh phủ sóng vài chục kilômét; E-Mobile - điện thoại di động có đủ sức mạnh và tiện ích hiện đại nhất.

 

Thế nhưng, trong khi EVN Telecom gặp rào cản thì CDMA của NCC này cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Do có băng tần hẹp, các dịch vụ của EVN Telecom liên tiếp bị can nhiễu với sóng truyền hình, taxi, các sóng thoại khác. Đặc biệt hơn, do sức ép cạnh tranh và “thiếu cơ chế cho CDMA”, thành ra các dịch vụ của EVN Telecom hầu như đều bị giảm thiểu sức mạnh. E-Phone bị cho là vi phạm loại hình dịch vụ; E-Com nhanh chóng bị cạnh tranh bởi dịch vụ điện thoại cố định không dây HomePhone (Viettel) và G-Phone (VNPT).

 

E-Mobile thì bị cạnh tranh quyết liệt bởi thiết bị đầu cuối đắt, khó thay thế... Chính vì thế mà cho đến nay, 3 nhà CDMA có số lượng thuê bao chưa bằng 1 trong 3 nhà GSM là Viettel, MobiFone hay VinaPhone.

 

Lối thoát nào?

 

Đây là câu hỏi mà có lẽ không chỉ 3 NCC, mà ngay cả các tập đoàn lớn thế giới cũng chưa tìm ra trong khuôn khổ thị trường VN. Trên thế giới, bản thân các DN sản xuất thiết bị đầu cuối cho CDMA cũng dần rút lui. Trong đó, với tuyên bố: “Ngừng sản xuất điện thoại sử dụng công nghệ CDMA vì thủ tục xin giấy phép bản quyền từ Tập đoàn Qualcomm - nhà cung cấp chip độc quyền cho điện thoại này - rất đắt đỏ” của Nokia đã đẩy CDMA vào tình thế vô cùng lận đận.

 

Tại VN cho đến hiện nay, dù CDMA đã trở nên khá phổ biến, thế nhưng thiết bị đầu cuối vẫn là vấn đề mấu chốt mà các NCC chưa tìm ra lời giải. Đa số khách hàng khi được khảo sát đều cho biết: Thiết bị CDMA rất đắt, khi gặp sự cố thì rất khó sửa chữa và thay thế. Đặc biệt, hạ tầng công nghệ đáp ứng các dịch vụ gia tăng, các tiện ích khác hầu như chưa có gì. Vì thế, nhiều chuyên gia nhận định CDMA như “người khổng lồ”; song hoặc bị “trói chân tay”, hoặc bị sống trong cái lồng quá chật nên đã không phát huy được sức mạnh.

 

Thế nhưng, việc để có thể bung sức với một môi trường cạnh tranh thì CDMA tại VN còn quá nhiều việc phải làm. Cụ thể, ngoài việc có được các dòng thiết bị đầu cuối phong phú, phổ biến và giá rẻ thì CDMA tại VN cần một hạ tầng công nghệ hiện đại và khổng lồ mới có thể chạy theo được các điểm ưu việt do GSM đang cung cấp hiện nay. Trong khi đó với thế mạnh hiện có, sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tiến lên 3G, các mạng GSM đang và sẽ vẫn thắng thế ở VN ít nhất trong tương lai gần.

 

Theo Lao động