Thị trường thông tin di động:

Bước dần sang “đấu trường” mới

“Sự cạnh tranh trên thị trường thông tin di động (TTDĐ) trong thời gian tới, giá cả phải gắn liền với các gói cước và các dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) mới”, ông Hồ Hồng Sơn, GĐ điều hành S-Telecom, khẳng định.

Cạnh tranh bằng gói cước...

 

Còn nhớ thời điểm ngày 14/3/2006, S-Fone tung ra gói cước Forever không giới hạn thời gian nhận tin nhắn và cuộc gọi, đã tạo ra nét mới trên thị trường TTDĐ và giúp cho mạng di động CDMA này gia tăng đáng kể lượng thuê bao (TB).

 

Các mạng lớn khác như VinaPhone, MobiFone, Viettel Mobile không dễ gì được chấp nhận những gói cước như thế. Vả lại, ưu thế của các mạng này giúp cho họ đi bằng con đường khác để thu hút thuê bao. Cả 3 mạng này lao vào khuyến mãi lớn và liên tục, cho nên cũng gần như là giảm giá cước. Sau đúng 5 tháng ra đời Forever, S-Fone lại tung ra tiếp gói cước mới Forever Couple (FC) cũng dành cho TB trả trước.

 

TB được gọi, nhắn tin đến 1 TB cùng mạng đã chỉ định trước, không giới hạn thời lượng và số tin nhắn và  mức cước chỉ 1.490 đồng/ngày. TB cũng được nhận cuộc gọi và tin nhắn mãi mãi từ TB khác.

 

Trong gói cước mới đã tích hợp ưu thế về giá, song trên thực tế S-Fone không giảm cước. Những mạng chưa đủ mạnh như S-Fone, EVN-Telecom, nếu không tỉnh táo “cố đấm ăn xôi” trong cuộc chiến giá cước sẽ dễ dàng bị các đối thủ đã có lãi lớn đè bẹp. Cho nên bước đi khéo léo chính là “cạnh tranh nhưng không khiêu chiến”, thỉnh thoảng đưa ra một chiến dịch khuyến mãi để tự “làm mới”, đồng thời cũng là cách thu hút khách hàng.

 

...và các dịch vụ giá trị gia tăng

 

Những dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) của các mạng di động tại VN hiện nay còn khá nghèo nàn. Theo chân MobiFone, VinaPhone mới đây công bố sẽ cung cấp dịch vụ "mATM". TB nếu có tài khoản tại Ngân hàng ACB có thể dùng ĐTDĐ để nạp tiền điện thoại, rút tiền không cần qua máy ATM, chuyển tiền...

 

Viettel Mobile cũng vừa công bố chính thức cung cấp dịch vụ GPRS và nhắn tin MMS tại Hà Nội và TPHCM giúp TB có thể tải hình ảnh màu, ảnh động, nhạc chuông đa âm về ĐTDĐ, truy cập Internet, đọc e-mail, gửi và nhận tin nhắn đa phương tiện... Bước đi này được cho là khá muộn so với hai “đại gia” thuộc VNPT.

 

S-Fone thì cho biết đến ngày 1/9 sẽ hoàn tất việc lắp đặt 24 trạm dành cho việc cung cấp các dịch vụ GTGT. Sau ngày 1/9 dịch vụ xem phim, nghe nhạc trực tuyến qua ĐTDĐ của S-Fone sẽ được thử nghiệm, và dự kiến thu phí từ tháng 12/2006; còn dịch vụ truy cập Internet qua ĐTDĐ sẽ được triển khai và thu phí ngay trong tháng 9 tới.

 

Ông Sơn cho biết, mức phí dịch vụ này sẽ không cao hơn mức phí dịch vụ ADSL hiện nay trên thị trường. Song nếu S-Fone muốn dùng dịch vụ này giúp làm tăng TB, thì mức phí và cách tính phí cũng cần có tính đột phá so với dịch vụ ADSL. 

 

Viettel Mobile sau khi vượt qua con số TB thứ 4 triệu, đã nghiễm nhiên bước vào hàng “đại gia” trong thị trường TTDĐ tại VN. Cả VinaPhone và MobiFone đều đang muốn Bộ BCVT phải “chuẩn” Viettel Mobile vào danh sách mạng di động chiếm thị phần khống chế (30% thị phần trở lên) nhằm kìm hãm đối thủ.

 

Theo một số chuyên gia, thị trường TTDĐ từ nay đến cuối năm sẽ khó có những sự thay đổi về giá cước và phương thức tính cước (block 6 giây + 1) có lợi thêm cho khách hàng. Vài tháng còn lại của năm sẽ là khoảng thời gian chuyển đổi dần phương thức cạnh tranh thuần túy bằng cước và khuyến mãi sang “đấu trường” mới - các gói cước mới tạo ưu thế và các dịch vụ GTGT. Chính vì thế, các đợt khuyến mãi sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng để thu hút thêm TB. 

 

Theo Thẩm Hồng Thuỵ

Lao động