Bạn có đủ can đảm để xóa tài khoản Facebook?

(Dân trí) - Sau sự việc hơn 50 triệu người dùng Facebook bị khai thác và sử dụng thông tin cá nhân trái phép, một làn sóng phản đối và kêu gọi xóa tài khoản Facebook được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng người dùng. Tuy nhiên trên thực tế, việc xóa tài khoản Facebook có thực sự dễ dàng?

Những ngày gần đây Facebook đang chịu sự chỉ trích nghiêm trọng sau khi sự việc hơn 50 triệu tài khoản Facebook bị khai thác thông tin trái phép và sử dụng cho mục đích chính trị bị phát giác. Đỉnh điểm của sự phản đối này lên cao khi Brian Acton, đồng sáng lập ứng dụng nhắn tin WhatsApp (mà Facebook đã mua lại với giá 19 tỷ USD vào năm 2014), người đã làm việc tại Facebook đến tháng 9/2017, đã đăng tải lên trang Twitter của mình thông điệp kêu gọi người dùng xóa tài khoản Facebook.

“Đã đến lúc”, Brian Acton đăng tải lên trang Twitter cá nhân, kèm theo hashtag #deletefacebook (Xóa Facebook). Lập tức, hashtag này được lan truyền nhanh chóng trên Twitter và thậm chí ngay trên Facebook, khi nhiều người dùng cùng nhau kêu gọi xóa bỏ tài khoản Facebook. Nhiều người cho rằng Facebook đã không làm đủ để bảo vệ an toàn cho thông tin cá nhân của họ và đó là lý do mà họ quyết định quay mặt với mạng xã hội này. Nhiều trang công nghệ và tờ báo lớn cũng đã lập tức viết bài hướng dẫn để người dùng xóa tài khoản Facebook của mình.

Dù vậy trên thực tế, việc xóa bỏ tài khoản Facebook có thực hiện dễ dàng như chúng ta nghĩ?

Xóa tài khoản Facebook là một quyết định không dễ dàng, thậm chí cần phải có sự can đảm của người dùng
Xóa tài khoản Facebook là một quyết định không dễ dàng, thậm chí cần phải có sự can đảm của người dùng

Facebook cho phép người dùng xóa đi tài khoản của mình chỉ bằng một vài thao tác đơn giản, tuy nhiên việc xóa đi tài khoản Facebook đồng nghĩa với việc rút lui khỏi mạng xã hội lớn nhất thế giới, với hơn 2 tỷ người dùng, rút lui khỏi một thế giới thu nhỏ là quyết định không dễ dàng gì.

Rất nhiều người hiện đã xem Facebook như một phần trong cuộc sống của mình, một cuốn nhật ký để đưa lên đó những điều vui, buồn, phẫn nộ... một nơi để kết bạn, tìm kiếm những người có cùng sở thích, một nơi để tìm hiểu thêm những kiến thức mới hay thậm chí là một nơi để kinh doanh, buôn bán... với phạm vi phủ sóng của mình, nhờ vào Facebook không ít người đã tìm lại được những người bạn mà từ lâu đã mất liên lạc, ngay cả khi họ đã chuyển ra nước ngoài sinh sống.

Nhờ vào Facebook mà những dịp quan trọng như ngày sinh nhật, ngày cưới hay những dịp lễ kỷ niệm cũng không còn bị bỏ qua. Nhờ vào Facebook mà những tin vui hay tin buồn cũng được truyền đi nhanh chóng hơn. Không quá khi nói rằng nhờ vào Facebook, khoảng cách giữa mọi người trở nên gần hơn. Rõ ràng chúng ta sẽ trở nên lạc lõng nếu không còn sở hữu một tài khoản Facebook.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng giờ đây Facebook không đơn thuần là công cụ để kết nối mọi người như mục tiêu mà CEO Mark Zuckerberg đã đề ra như ban đầu, mà giờ đây Facebook còn là một công cụ chính trị, để dẫn dắt dư luận theo những hướng khác nhau khi mà tin tức giả mạo vẫn được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội này trong khi bản thân Facebook dường như vẫn đang bất lực trong việc tìm ra cách để dẹp tan các tin tức giả mạo này.

Với hơn 2 tỷ người dùng, tầm ảnh hưởng của Facebook là không hề nhỏ và các nội dung được chia sẻ lên Facebook có thể ảnh hưởng đến những vấn đề rất nghiêm trọng. Chẳng hạn như kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016 được cho là có sự tác động không nhỏ từ các tin tức được chia sẻ trên Facebook lên các cử tri Mỹ, những người vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về lá phiếu sẽ bầu cho ứng viên Hillary Clinton hay Donald Trump. Không phải ngẫu nhiên mà khi bất kỳ một quốc gia nào khi xảy ra các biến cố về chính trị thì việc đầu tiên mà chính phủ các quốc gia đó thực hiện là chặn truy cập vào các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Chẳng hạn như trong cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016, cả Facebook lẫn Twitter đều lập tức bị chặn tại quốc gia này.

Giờ đây Facebook không còn là một môi trường vô hại như trước đây, khi Facebook chỉ hoạt động đơn thuần như một nơi để kết nối mọi người. Dù điều này ai cũng có thể nhận ra, nhưng liệu xóa đi tài khoản Facebook và tránh xa mạng xã hội này có phải là một quyết định dễ dàng?

Mỗi người trong chúng ta sẽ có những câu trả lời riêng cho câu hỏi này, vấn đề là chúng ta sử dụng Facebook như thế nào. Vấn đề nào cũng có mặt xấu và tốt, dĩ nhiên Facebook cũng không là ngoại lệ. Trách nhiệm của chúng ta khi tham gia Facebook đó là phải biết cách để tự bảo vệ cho thông tin cá nhân của bản thân, biết nhấn “Like” và chia sẻ các nội dung trên Facebook một cách có trách nhiệm cũng như biết được cách chọn lọc thông tin trên Facebook để không trở thành những kẻ “ngu ngơ” trước những tin tức giả mạo.

Tuy nhiên một điều nên nhớ rằng nếu quyết định xóa tài khoản Facebook và tránh xa mạng xã hội này, bạn hãy sao lưu lại những dữ liệu trên Facebook (như các hình ảnh đã chia sẻ) và đặc biệt Facebook vẫn cho phép người dùng 90 ngày để thay đổi quyết định trước khi xóa hoàn toàn tài khoản của bạn.

Phạm Thế Quang Huy