92% khách hàng đồng ý tăng giá cước 3G?

(Dân trí) - Khảo sát thống kê cho kết quả 92% người dùng đồng ý với giả định tăng giá cước 3G và chỉ 8% không chấp nhận… khiến nhiều người bất ngờ.

Đó là một trong những thông tin được đại diện Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ GfK Việt Nam công bố tại buổi họp báo chiều 23/4.

Theo công bố kết quả khảo sát “Nghiên cứu hành vi sử dụng dịch vụ 3G của người dùng Việt Nam năm 2014” do báo Bưu điện Việt Nam và Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ GfK Việt Nam tổ chức và thực hiện, tỷ lệ người dùng dịch vụ 3G tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong năm 2014 chiếm lên đến 38% trong tổng số người dùng di động. Khảo sát năm nay của GfK thực hiện số mẫu được chọn là 576 người, trong đó, Hà Nội có 206 người tham gia khảo sát, TPHCM là 196 người, Đà Nẵng là 174 người.

Khảo sát cũng cho biết, tỉ lệ sử dụng 3G của nữ cao hơn  cao hơn nam giới. Hà Nội là địa phương có số lượng người sử dụng 3G cao nhất với 48%, sau đó là TP. Hồ Chí Minh là 32% và Đà Nẵng là 33% với đa số khách hàng sử dụng dưới 35 tuổi.

Người dùng điện thoại di động thông minh sử dụng 3G nhiều nhất, chiếm 93%, bên cạnh máy tính bảng, điện thoại di động thông thường, mục đích sử dụng chủ yếu là đọc báo, tìm kiếm thông tin, truy cập mạng xã hội mỗi ngày. Nếu như TP Hồ Chí Minh giá cước rẻ là yếu tố cạnh tranh thì ở Hà Nội là các chương trình khuyến mãi lại được chú ý hơn.

Phản ứng về nếu việc tăng giá xảy ra thì đa số cho rằng ở mức tăng dưới 5% sẽ ít ảnh hưởng đến hành vi của khách hàng. Nếu tăng 5%-10% so với mức hiện tại, khách hàng có thể tìm gói cước rẻ hơn nhưng không thay đổi nhà cung cấp.

Tuy nhiên, nếu tăng giá trên 10% thì phần lớn người được hỏi cho biết sẽ tìm nhà cung cấp dịch vụ 3G khác.

Về mức độ hài lòng với dịch vụ 3G của các nhà mạng, kết quả khảo sát cũng cho thấy:  Người dùng chấm điểm trung bình cho dịch vụ này lên tới điểm trung bình 8,05/10.

92% khách hàng đồng ý tăng giá cước 3G?

Nhưng người được hỏi đều mong muốn nhà mạng phải thay đổi với tốc độ đường truyền nhanh hơn, mạnh hơn, độ ổn định cao hơn, phủ sóng rộng hơn đồng thời phải giảm giá cước. Trước thông tin khảo sát đưa ra về mức độ hài lòng khá cao và phản ứng của người tiêu dùng khi cước 3G tăng giá, nhiều người tham dự họp báo đã đưa ra nghi ngờ và cho rằng kết quả khảo sát chưa phản ánh đúng thực tế.

Khẳng định sự khách quan của số liệu, Bà Đinh Ngọc Bảo Trân, đại diện nhóm nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ GfK Việt Nam cho biết, công ty khảo sát thực hiện trường hợp giả định mà không dựa vào đợt tăng giá cước 3G năm 2013.

Bà Trân cũng đưa ra nội dung câu hỏi dùng cho người được điều tra về mức giá dịch vụ 3G là: Giả sử nhà cung cấp mạng 3G anh chị sử dụng thường xuyên nhất là abc dự định tăng giá cước dịch vụ 3G trong thời gian tới, mức tăng giá bao nhiêu thì anh/chị chấp nhận? Có 4 lựa chọn: Tăng dưới 5%, Tăng 5-10%, Tăng trên 10% và Không chấp nhận tăng giá.

Trước nhận xét: Câu hỏi này “cài” người được hỏi vào thế có dùng hay không chứ không phải có chấp nhận tăng giá cước hay không? Bà Trân cho rằng, thực tế câu hỏi trên cũng tương đồng với câu hỏi Anh/Chị có chấp nhận tăng giá cước hay không, chỉ là cụ thể hơn câu hỏi đại diện trên nêu ra.

"Thống kê cho thấy 93% người dùng trả lời rằng chỉ dùng 1 SIM trên mỗi thiết bị, có nghĩa là SIM dùng để liên lạc chính cho điện thoại cũng là SIM người ta dùng 3G. Chính vì vậy việc thay đổi nhà mạng 3G cũng ảnh hưởng đến việc thay đổi mạng di động, đổi số. Thực tế này dẫn đến việc thay đổi rất khó khăn nên lòng trung thành của họ đối với từng nhà mạng rất cao, kể cả khi tăng giá. Như vậy, thị phần của 3G cũng phản ánh môt phần thị phần của điện thoại, viễn thông"- Bà Trân phản biện.

Tham dự họp báo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng, tính chính xác còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo ông, 3 thành phố được chọn không đại diện cho nhiều vùng miền và những khu vực vùng sâu vùng xa sẽ cho kết quả khác với thành phố lớn. GfK thực hiện cũng chưa đủ lớn số với lượng khách hàng đang sử dụng dịch vụ viễn thông hiện nay. Do đó, theo nguyên tắc thì  tỷ lệ sai số sẽ càng lớn khi thực hiện khảo sát ở nhóm nhỏ.

Thứ trưởng nhấn mạnh, những con số vừa cung cấp chỉ là một kênh thông tin để giúp cơ quan chức năng, các nhà mạng tìm hiểu thị trường.

Khảo sát GfK vừa đưa ra cho rằng 92% khách hàng đồng ý tăng giá cước 3G, bạn có đồng ý như vậy không?
Không
Ý kiến khác (Gửi vào mục Bình luận)
  

Phạm Thanh