"90% thu nhập của ca sĩ không đến từ bản quyền"

"Công nghiệp ghi đĩa có thể chết đi, nhưng ngành công nghiệp thu âm thì không và càng không đối với âm nhạc nói chung. Âm nhạc sẽ tồn tại mãi mãi, chỉ có người phân phối sẽ khác đi...."

Internet đã thay đổi mọi thứ trong việc đưa các nội dung trí tuệ đến với cộng đồng. Những vụ kiện về bản quyền số diễn ra hàng ngày hàng giờ đã khiến người ta tự hỏi về tuơng lai của các sản phẩm trí tuệ trong thế giới mạng.

Nguyễn Thế Tân, Phó tổng giám đốc VC Corporation có cuộc trao đổi với báo giới về sự phát triển của bản quyền sở hữu trí tuệ số trong thế giới hiện nay - thế giới mà theo cách gọi của ông, là thế giới “siêu phẳng”.

 

Bản quyền sở hữu trí tuệ số là chuyện đã được tranh cãi từ rất lâu, giữa một bên là cộng đồng những nguời dùng trên Internet và một bên là các nhà sản xuất cung cấp sản phẩm trí tuệ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

 

Tôi là người thích mã nguồn mở, nội dung mở. Những gì phục vụ và mang lợi ích đến xã hội thì tôi ủng hộ.

 

Liệu điều đó có ảnh hưởng đến quyền lợi nhà sản xuất và xa hơn, có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của một ngành nào không, thưa ông?

 

Không. Họ sẽ không bị ảnh hưởng.

Theo một tài liệu nghiên cứu tôi đã đọc, 90% thu nhập của ca sĩ không đến từ bản quyền nhạc mà đến từ các show diễn, quảng cáo… Vậy thì tại sao không cho phép âm nhạc đến với người nghe một cách miễn phí. Nó sẽ là điều kiện rất tốt để ca sĩ mở rộng số lượng người hâm mộ của mình.

 

Điều đó không hề xấu, nó làm đa dạng nội dung và tạo thêm giá trị cho người dùng. Cộng đồng sẽ có lợi và tổng giá trị xã hội sẽ cao hơn.

 

Đối với phần lớn người nghe, họ sẽ chọn không mua đĩa, khi họ có thể tìm thấy nó dễ dàng trên Internet?

 

Thu nhập của ca sĩ, như tôi đã nói, phần lớn không đến từ việc bán album. Xin hãy nhìn đến lợi ích tổng thể của xã hội, và cái gì đang đem lại lợi ích lớn nhất đến cho toàn xã hội.

 

Đấy chính là cách nghĩ của tư duy “nội dung mở” trên Internet. Nó lấy người nghe làm trọng tâm, lấy những ca sĩ chưa đủ nổi tiếng làm điểm quan trọng, chứ không chỉ tập trung vào quyền lợi của thiểu số người thu đĩa. Thực tế sự phát triển của Internet ngày nay đã chứng minh điều này là đúng đắn.

 

Lấy ví dụ về một số bạn tham gia website sannhac.com của chúng tôi chẳng hạn. Rất nhiều bạn hát rất tốt. Thế giới phẳng với tính mở trong nội dung đã cho họ có cơ hội thể hiện mình, để họ đóng góp nội dung cho công đồng. Đổi lại, fan hâm mộ, khán giả sẽ đến với họ, còn họ thì được cộng đồng biết đến, được nổi tiếng.

Vậy họ làm gì để có tiền? Đơn giản là họ có thể kiếm tiền từ việc bán CD cho fan hâm mộ - những nguời thực sự muốn mua đĩa CD thần tượng của mình vì điều đó giúp họ cảm giác được làm bạn với ca sĩ.

Họ cũng có thể kiếm tiền nhờ hát show, nhờ bán chữ ký hoặc có thể họ sẽ được mời hát trong những phòng trà. Sẽ có nhiều cách kiếm tiền khi bạn nổi tiếng.

 

Hãy thử hình dung nếu tất cả đều áp dụng luật bản quyền chặt chẽ thì thế giới Internet của chúng ta sẽ buồn chán đến thế nào. Bản quyền quá chặt là bảo vệ quyền lợi cá nhân, đi ngược lại với quyền lợi của cộng đồng. Phải luôn có sự cân đối một cách hợp lý giữa sở thích cá nhân và sở thích của cộng đồng.

Có những quy luật cũ, thuộc về thế giới cũ, áp dụng cho thế giới cũ, không thể áp dụng cho thế giới ngày nay.

 

Có một thực tế là các site cung cấp nhạc miễn phí trước đây như Napster hay Allofmp3 đã bị buộc phải ngừng hoạt động hoặc chuyển sang hình thức khác là bán nhạc. Còn đối với các site tìm kiếm như Yahoo China hoặc Baidu của Trung Quốc thì đã bị Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Quốc tế (IFPI) kiện?

 

Baidu thắng kiện, còn Youtube thì hiện không ai kiện nữa. Thực tế là ngành công nghiệp âm nhạc phương Tây đã bắt đầu nhận ra sai lầm của mình và đi tìm kiếm cơ hội mới. Lý do đơn giản là nếu họ không theo sự phát triển của thế giới phẳng thì họ sẽ chỉ còn lại không nhiều ca sĩ nổi tiếng, do các ca sĩ khác sẽ từ bỏ họ và đi theo hướng mới.

Nên lưu ý là có sự khác biệt giữa ngành công nghiệp ghi âm, công nghiệp thu âm và âm nhạc nói chung. Công nghiệp ghi đĩa có thể chết đi, nhưng ngành công nghiệp thu âm thì không và càng không đối với âm nhạc nói chung.

 

Âm nhạc sẽ tồn tại mãi mãi, chỉ có người phân phối sẽ khác đi.

 

Người sử dụng sẽ quyết định ai chiến thắng, chứ không phải ai kiện giỏi hơn thì sẽ chiến thắng.

 

Theo tôi đuợc biết thì vừa qua Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Quốc tế có gửi văn bản đến Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, cảnh báo về tình trạng vi phạm bản quyền của một loạt các trang tìm kiếm - trong đó có website Baamboo của công ty ông. Vậy xin hỏi là nếu bị kiện thì các ông sẽ phản ứng như thế nào?

 

Chúng tôi sẽ làm theo luật.

 

Nhưng vấn đề là luật cần phải chỉ rõ ràng Baamboo cần làm gì, hành vi nào đã vi phạm, hành vi nào phù hợp, chứ không thể có chuyện bỗng nhiên Baamboo phải đóng cửa hoặc nộp phạt. Hiện tôi thấy chúng ta vẫn chưa có chỉ dẫn rõ ràng.

 

Lưu ý là so với Youtube thì Baamboo không lưu trữ nhạc như họ, còn so với Google thì chúng tôi có hình thức hoạt động khá tương đương. Hãy vào Google và thử gõ từ khóa “Mỹ Linh video” anh sẽ thấy bài hát của cô ấy có thể xem đuợc ngay trong kết quả đầu tiên tìm thấy.

 

"90% thu nhập của ca sĩ không đến từ bản quyền"  - 1

 

Nghe nhạc thông qua tính năng Video Search tại Google - phải chăng  Google sẽ bị "đóng cửa" tại VN (?)  


Tôi cũng muốn nói thêm là tại Mỹ, Google đã thắng trong các vụ kiện về bản quyền. Tôi nghĩ ngày càng nhiều người đã nhận thức được vấn đề, và ở một mức nào đã đó chấp nhận quyền sử dụng công bằng cho tất cả mọi nguời.

 

Tức là theo ông, trong tương lai ngành công nghiệp ghi âm sẽ không tồn tại nữa?

 

Vẫn còn, nếu như họ chấp nhận thay đổi. Họ chính là những người có điều kiện tốt nhất để thay đổi, họ có tiền, có độc giả, có ca sĩ, có công nghệ thu âm. Cái họ thiếu chỉ là một tư duy mới mà thôi.

 

Tư duy mới là gì? Tức là họ sẽ phải chấp nhận thực tế rằng những người dùng thế hệ mới muốn nghe nhạc trực tuyến, muốn copy nhạc vào điện thoại di động, muốn gửi nhạc cho bạn qua Yahoo, muốn chia sẻ nhạc với bạn và muốn biên tập lại nhạc theo ý họ. Với tư duy mới, họ sẽ tạo điều kiện cho người dùng làm tất cả những điều đó một cách dễ dàng nhất.

 

Còn làm thế nào để có được lợi nhuận thì đó là sáng tạo của họ. Nếu họ không dám bước vào thì sẽ không thể tìm ra con đường. Một điều tôi chắc chắn là khi anh mang lại lợi ích cho người sử dụng thì anh sẽ có cách thu tiền từ họ.  

 

Warner Music: Chúng tôi đã sai lầm

 

Ông chủ âm nhạc Warner Music, Edgar Bronfman, đã thừa nhận sai lầm trước công chúng tại Hội nghị di động châu Á của Hiệp hội GSM ở Macau:

 

“Chúng tôi đã từng tự lừa phỉnh chính mình”, ông nói. “ Chúng tôi đã từng nghĩ các bài hát, bản nhạc của chúng tôi như thế là đã tuyệt hảo lắm rồi.... Với việc dậm chân tại chỗ hay tiến lên một cách chậm chạp và bảo thủ, chúng tôi đã tự gây hại cho mình bằng cách từ chối những điều khách hàng mong muốn. Vì thế khách hàng đã tìm kiếm cách khác để thỏa mãn nhu cầu và việc chia sẻ file này là chiến thắng của họ.”...

 

Theo Minh Sơn
VnEconomy