Xử trí khi bị ngộ độc thức ăn

(Dân trí) - Ngộ độc thức ăn là bệnh gây ra do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn hay thức ăn có chứa các chất mang tính độc hại đối với người ăn. Ngộ độc thức ăn thường xảy sau khi ăn khoảng 30 phút, có thể sau 2-3 giờ, cũng có khi sau vài ngày.

Khi gặp các trường hợp ngộ độc thức ăn, có thể cho người bệnh nôn bằng cách kích thích cổ họng. Việc cho nôn mửa rất quan trọng, nhất là đối với các trường hợp bị ngộ độc các chất hóa học.

 

Nếu đi tiêu chảy nhiều, nhất thiết phải cho người bị ngộ độc uống nhiều nước. Cho uống dung dịch oresol nếu có theo hướng dẫn trên bao bì đóng gói hoặc pha 1 thìa muối với 8 thìa đường trong 1 lít nước sạch đun sôi để nguội và cho uống, không được để bệnh nhân nôn nhiều, đi tiêu chảy nhiều. Tình trạng bị mất nước và mất muối nhiều có thể dẫn đến tử vong.

 

Khi có vụ ngộ độc thức ăn xảy ra, cần giữ nguyên hiện trường có liên quan đến người bệnh bị ngộ độc. Các loại thức ăn thừa còn lại sau khi ăn chưa xong, các chất nôn, phân thải... cần có dụng cụ chứa đựng, bảo quản, không được vứt bỏ trước khi cán bộ y tế đến kiểm tra, lấy mẫu để giúp cho việc chẩn đoán xác định bệnh và tìm nguyên nhân gây ngộ độc một cách rõ ràng, cụ thể.

 

Cuối cùng, cần báo cáo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất biết để có biện pháp xử trí kịp thời khi có vụ ngộ độc thức ăn xảy ra.

 

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh