“Xóa trắng” nhà thuốc không có GPP trong năm 2011

Các nhà thuốc không đủ tiêu chuẩn để được cấp phép GPP (nhà thuốc thực hành tốt) trên địa bàn TPHCM sẽ bị “xóa trắng” trong năm 2011.

Đó là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang trong hội nghị tổng kết 3 năm triển khai thực hiện nhà thuốc GPP tại TPHCM diễn ra vào ngày 6/1.

Đề nghị trên đã được Phó chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận thống nhất chấp thuận.
 
“Xóa trắng” nhà thuốc không có GPP trong năm 2011  - 1

Một nhà thuốc tại TPHCM được công nhận đạt chuẩn GPP. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

 

TPHCM chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế dược cả nước. Hiện nay, theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, mạng lưới bán lẻ thuốc trên địa bàn bao gồm 4.159 cơ sở (trong đó có 3.667 nhà thuốc và 492 đại lý thuốc). Tính đến cuối tháng 12.2010, trên toàn địa bàn thành phố đã có 1.500/3.667 nhà thuốc đạt chuẩn GPP (chiếm 41%).

 

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhìn nhận những bất cập trong quản lý dược, việc mua bán thuốc trên địa bàn TP hiện nay: thói quen mua bán thuốc không hóa đơn chứng từ tạo cơ hội lưu hành cho thuốc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng; giá cả tùy tiện (nhất là khi Pháp lệnh giá chỉ quy định doanh nghiệp được quyền tự định giá, chỉ cần bán đúng giá niêm yết); các nhà thuốc chưa chú ý đến điều kiện bảo quản thuốc; tình trạng vắng mặt dược sĩ đại học và thuốc kê đơn bán tự do.

 

Trên phạm vi cả nước, Thứ trưởng Cao Minh Quang cho biết, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 43 về xác định phạm vi kinh doanh của các nhà thuốc. Theo đó, các nhà thuốc chưa đạt GPP chỉ được phép bán lẻ thuốc thuộc danh mục thuốc không kê đơn. Chỉ các nhà thuốc đạt GPP mới được bán lẻ tất cả các thuốc thành phẩm; pha chế thuốc theo đơn.

 

Như vậy, từ ngày 1/1/2011, Bộ Y tế cho thời gian 3 tháng để các nhà thuốc chưa có GPP xử lý thuốc. Sau đó, các nhà thuốc sẽ bị điều chỉnh phạm vi kinh doanh theo thông tư 43 đã nêu.

 

“Đây là biện pháp cứng rắn của nhà quản lý để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc”, Thứ trưởng Quang nói.

 

Theo ông Quang, hiện nay, người dân có thói quen tự mua thuốc uống khi có các triệu chứng bệnh. Việc mua thuốc kháng sinh như mua kẹo bánh. Thói quen này phải thay đổi để đảm bảo an toàn sử dụng thuốc, tránh lờn thuốc.

 

"Thuốc uống chứ có phải kẹo bánh đâu mà muốn mua bán bao nhiêu, loại nào thì mua bán", ông Cao Minh Quang có ý kiến.

 

Tuy nhiên, ông Quang nói thêm: Bộ Y tế không có chủ trương, chỉ đạo chuyển đổi một cách cơ học các nhà thuốc sang nhà thuốc GPP. Việc thẩm định, cấp giấy phép GPP cho hoạt động các nhà thuốc là quan trọng nhưng quan trọng hơn là hậu kiểm và quản lý GPP, chứ không để chạy theo hình thức, đến hẹn thì lại cấp phép, gia hạn.

 

Theo Nguyên Mi

Thanh Niên