1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xe rác - những ổ vi trùng di động

Những chiếc xe đựng rác, ép rác không đảm bảo an toàn vệ sinh đã phát tán những nguồn lây bệnh nguy hiểm cho người đi đường. Những ổ vi trùng này nằm rải rác khắp các quận huyện ở TPHCM.

Nhiều tuyến đường “ngập” mùi rác

 

Như đã thành thông lệ, cứ vào khoảng 5 - 6h chiều, khu vực ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Lý Chính Thắng (TPHCM) lại nồng nặc mùi hôi thối. Cạnh sát cột đèn tín hiệu này chừng 3m là một bãi tập kết các bô rác chờ xe ép rác đến xử lý tại chỗ. Tuy công đoạn ép rác chỉ diễn ra khoảng 10 - 15 phút nhưng vì đường hẹp, xe ép rác phải đậu lấn ra khu vực dừng đèn đỏ nên mùi hôi thối từ công đoạn mở nắp bô rác, đổ vào xe ép tha hồ tấn công người đi đường.

 

Một nhân viên của cửa hiệu chụp ảnh Anh Quân, nằm ngay ngã tư cho biết người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị di dời nơi tập kết rác vào sâu bên trong nhưng không được giải quyết. “Họ thường đến ép rác vào chiều tối, không che đậy gì nên mùi hôi thúi cứ thế mà xộc thẳng vào nhà chúng tôi. Nhiều người dân ở đây đã bị các bệnh về đường hô hấp mà cũng phải cắn răng chịu”, nhân viên này bức xúc.

 

Kinh khủng hơn những điểm trung chuyển rác nói trên, điểm trung chuyển rác nằm ở góc đường Bình Đông - Bùi Huy Bích (quận 8), đường Phạm Văn Hai, sát bên trường PTTH Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình), đường Nguyễn Thái Sơn (phường 3, quận Gò Vấp)... mùi hôi đứng xa vài chục mét vẫn còn ngửi rất nặng.

 

gười dân sống ở đây cho biết, khi chưa đến giờ xe ép rác đến, “đội quân” thu lượm ve chai đã xới tung lên để tìm “hàng”, khiến những bọc rác tuy đã được gói kỹ bị xé rách ra, làm mùi tanh tưởi, hôi hám dậy cả khu vực.

 

Không bị bệnh mới lạ!

 

Theo kết quả quan trắc khu vực có trạm trung chuyển rác ở một số quận, huyện (quận 1, quận 3, quận 8, quận 10, Gò Vấp, Bình Chánh...) của Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường TPHCM năm tháng đầu năm 2008, mức độ ô nhiễm vi sinh trong không khí ở nhiều nơi đang ở mức báo động. Hiện mức ô nhiễm này đã tăng trung bình từ hai đến bốn lần so với mức an toàn cho phép. Ô nhiễm CO tăng 1,44 lần, ô nhiễm bụi tăng 1,07 lần. Ở những bãi rác “nổi tiếng” về ô nhiễm như Đông Hưng Thuận (quận 12), Linh Trung (Thủ Đức)... tình trạng ô nhiễm hữu cơ gần như đã thành “mãn tính”.

 

PGS-TS Nguyễn Văn Lân, trưởng nhóm quan trắc của viện cho biết: “Ngoài ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, sức khoẻ người dân hít phải mùi hôi thối, nhiễm khuẩn từ những bãi rác lộ thiên và những chiếc xe rác chạy trên đường trong tình trạng không che đậy cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.

 

Cũng theo ông Lân, tuy chưa có điều tra dịch tễ về nguyên nhân mắc bệnh từ nguồn lây này nhưng các xét nghiệm khoa học cho thấy vi trùng có khả năng tồn tại trong rác và ngoài môi trường khá lâu. Cụ thể như vi trùng gây thương hàn có thể sống tới 115 ngày, vi trùng gây lỵ là 40 ngày, trứng giun đũa là 500 ngày... Nên theo ông, người đi đường đã bị mùi hôi của những chiếc xe rác di động tấn công mà không bị gì thì mới là... chuyện lạ.

 

“Ở nhiều nước trên thế giới, để giải quyết rác thải, người ta áp dụng chế độ 3R (Reduce, Recycle, Reuse): giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải. Cả 3R này hiện Việt Nam đều chưa đạt được nên ô nhiễm rác thải cũng là đương nhiên”, ông Lân nói.

 

Sẽ còn ô nhiễm dài dài

 

Theo số liệu của công ty môi trường đô thị TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện còn khoảng 400 điểm hẹn lấy rác. Trong đó, chỉ có bốn trạm ép rác kín, còn lại là các điểm hẹn lấy rác mở.

 

Cách đây ít lâu, từ kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM về tình trạng ô nhiễm rác thải ở một số quận huyện, UBND TPHCM đã chỉ đạo các quận 6, Bình Tân, Tân Bình, huyện Bình Chánh rà soát lại quy hoạch trạm ép rác trên địa bàn để đầu tư xây dựng thêm trạm ép rác kín. Tuy nhiên đến nay kết quả của chỉ đạo này vẫn “án binh, bất động”.

 

Ông Trần Đại Đồng, phó giám đốc công ty môi trường đô thị TPHCM cho biết công ty đã từng có kế hoạch thuê đất để xây dựng một số trạm trung chuyển rác cố định, đảm bảo đúng quy định an toàn vệ sinh nhưng đến nay vẫn chưa làm được do quỹ đất của nhiều điạ phương không đáp ứng việc cho thuê dài hạn này để xây trạm. Nhiều nơi xây trạm xong, khi vận hành thì lại bị dân “la làng” vì tiếng ồn nên phải tìm chỗ khác. Chính khó khăn này nên đã ảnh hưởng đến đầu tư xây các trạm trung chuyển rác cố định.

 

Cũng theo ông Đồng, hầu hết các xe lấy rác và ép rác công ty quản lý đều đã được trang bị hiện đại, hạn chế tối đa gây ô nhiễm khi xử lý rác. Chỉ có các xe rác dân lập là do các quận, huyện quản lý nên việc kiểm soát ô nhiễm và thời gian thu gom rác vẫn còn bất cập.

 

Điều đó cũng có nghĩa là tình trạng ô nhiễm rác trong quá trình xử lý rác sắp tới đây sẽ còn diễn ra dài dài!

 

Theo Tấn Khải

Sài Gòn tiếp thị