Xây dựng thói quen dinh dưỡng cho trẻ

(Dân trí) - Nếu muốn có một đứa con khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, người mẹ cần ý thức về thói quen ăn uống ngay trong những giờ khắc đầu tiên thai nghén. Còn nếu bạn không thể kiềm chế được sở thích bản thân thì việc giáo dục trẻ là cách duy nhất để cải thiện tình thế.

Trước khi bé chào đời

 

Các nhà nghiên cứu Anh cảnh báo những phụ nữ đang trong giai đoạn thai nghén mà nuông chiều bản thân thái quá bởi quan niệm “ăn cho 2 người” cũng có thể khiến đứa trẻ sinh ra sau này có nguy cơ bị béo phì.

 

Đặc biệt khi các bà mẹ tương lai thích ăn các thực phẩm ít dinh dưỡng nhưng lại nhiều đường, mỡ, và muối (như khoai tây chiên, pizza, bánh kẹo, các loại chip, các loại snack, nước ngọt, chè ngọt…) thì có thể sẽ sinh ra những đứa trẻ “hảo ngọt”. Thậm chí cả trong thời kỳ cho con bú, nếu các bà mẹ ăn những thực phẩm này thì cũng sẽ ảnh hưởng đến khẩu vị của đứa trẻ sau này.

 

Nghiên cứu mới nhất này cho thấy nguồn gốc của béo phì có thể xuất hiện ngay từ khi sự sống hình thành, khi thực phẩm giàu chất béo và nhiều muối “bủa vây” bào thai và sữa mẹ sẽ tác động rất lâu dài tới 1 bộ phận của não bộ, phần kiểm soát cảm giác thèm ăn.

 

BS Stephanie Bayol, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng nếu ăn một số lượng lớn “junk food” (các thực phẩm ít dinh dưỡng nhưng lại nhiều đường, mỡ, và muối) khi mang thai và cho con bú sẽ khiến cho khả năng kiểm soát cảm giác thèm ăn của não bộ bị suy yếu đồng thời lại củng cố cũng như kích thích thói quen ăn “junk food” ở con cái”.

 

Phát hiện này nằm trong cuộc chiến chống béo phì, một vấn đề nghiêm trọng nhất tại EU hiện nay, khi cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc béo phì. Tỉ lệ trẻ béo phì cũng đã tăng gấp 3 lần trong vòng 20 năm qua với 10% rơi vào trẻ dưới 6 tuổi và 17% là trẻ 15 tuổi. Vào 2050, một nửa nam sinh tiểu học và 1/5 nữ sinh tiểu học sẽ rơi vào tình trạng thừa cân tới mức ảnh hưởng đến sức khỏe.

 

Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu chính phủ các nước trong khối EU không sớm có những biện pháp ngăn chặn kịp thời thì sẽ sớm phải đối mặt với một thế hệ già nua bệnh tật, thậm chí là ảnh hưởng tới cả thế hệ sau (trẻ em ngày nay béo phì sớm hơn so với thế hệ trước mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ chính tình trạng béo phì của cha mẹ).

 

Sau khi bé chào đời

 

“Thực tế trên cho thấy để một đứa trẻ không bị béo phì và có lối sống, chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ thực sự là một thách thức lớn đối với các bậc cha mẹ quá “dễ dãi” với chuyện ăn uống của bản thân”, BS Bayol nhấn mạnh. Tuy nhiên, rất may là đã có giải pháp khi một nghiên cứu cùng thời điểm cho thấy: nếu các bậc cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với trẻ về những lợi ích của một chế độ dinh dưỡng thì có thể thay đổi thói quen đã hình thành từ trong bụng mẹ.

 

Chế độ dinh dưỡng hợp lý ngay từ khi nhỏ sẽ thể hiện rất rõ ở mức cholesterol trong máu khi trẻ bước sang tuổi 14. Đặc biệt, những hướng dẫn chỉ bảo của cha mẹ dường như có tác động mạnh tới mức cholesterol của các bé trai hơn các bé gái và các nhà khoa học cũng chưa thể lý giải là tại sao.

 

Một chế độ ăn lành mạnh đối với trẻ nhỏ là:

 

- Tránh xa các chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn, hướng trẻ sang chế độ ăn ít chất béo và chất béo no.

 

- Ăn nhiều thực phẩm giàu protein và cácbon hydrat.

 

- Không nên ăn kem và các sản phẩm bơ sữa nguyên kem hằng ngày…”.

 

Nhóm nghiên cứu của BS Harri Niinikoski, một chuyên gia về nội tiết Nhi đang công tác tại ĐH Turku (Phần Lan) cho biết họ đã so sánh nhóm tuân thủ chế độ ăn theo hướng dẫn (gồm 540 bé) với nhóm ăn uống thoải mái (gồ 522 bé) từ khi chúng được 7 tháng tuổi. Những gia đình trong nhóm tuân thủ theo hướng dẫn dinh dưỡng thường xuyên nhận được lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng và con cái họ cũng “tự động” tuân theo những chỉ dẫn này khi chúng bước vào tuổi lên 7 và bạn sẽ không phải lo lắng nhiều về sức khỏe của trẻ trong tương lai nữa.

 

“Khi bọn trẻ sớm hình thành những thói quen sống có lợi trong cuộc sống thì sức khỏe tương lai của chúng cũng được bảo đảm”, BS Harri Niinikoski nhấn mạnh.

 

Phương Uyên

Theo Reuters, Daily Mail

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ