Vung cả trăm tỉ đồng mua sắm thiết bị y tế: Máy móc mới mua đã hỏng, “trùm mền”

Giá thuốc trúng thầu cao hơn giá kê khai với Cục Quản lý dược, khi hết hợp đồng lại không tổ chức đấu thầu lại mà... gia hạn thực hiện các gói thầu cũ, khiến chi phí mua thuốc tăng thêm 5,5 tỉ đồng. Vung cả trăm tỉ đồng mua sắm trang thiết bị, trong đó nhiều máy móc không rõ nguồn gốc xuất xứ, mới mua về đã hỏng, không hỏng cũng bị... “trùm mền”.

Đó là hàng loạt sai phạm tại Sở Y tế Đắk Lắk và các đơn vị trực thuộc, vừa được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh điều tra, xử lý.


Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đến nay vẫn là công trình xây dựng dở dang, nhưng từ năm 2010 Sở Y tế Đắk Lắk đã chi 2,8 tỉ đồng mua 111 bộ máy vi tính để bàn. Ảnh: N.THÀNH

Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đến nay vẫn là công trình xây dựng dở dang, nhưng từ năm 2010 Sở Y tế Đắk Lắk đã chi 2,8 tỉ đồng mua 111 bộ máy vi tính để bàn. Ảnh: N.THÀNH

Không chịu đấu thầu thuốc

Một trong những sai phạm đáng ngạc nhiên là trong giai đoạn 2013-2014, Sở Y tế Đắk Lắk không tổ chức đấu thầu thuốc, mà tham mưu cho UBND tỉnh gia hạn thực hiện các gói thầu từ các năm 2012 - 2013 đã hết hiệu lực. Hậu quả là có tổng cộng 506 mặt hàng thuốc không trùng tên đã được thanh toán cho nhà thầu với giá cao ngất ngưởng. Nếu so sánh với giá trúng thầu thấp nhất tại các tỉnh giáp ranh, giá trị chênh lệch của 506 mặt hàng thuốc này lên tới hơn 5,5 tỉ đồng. Như vậy có nhiều doanh nghiệp không phải đấu thầu, vẫn bán được thuốc cho Sở Y tế Đắk Lắk với giá cao.

Sở Y tế biện minh rằng, mục đích là tránh thiếu thuốc điều trị cho dân trong thời gian chậm đấu thầu, nguyên nhân khác là việc diễn giải các quy định của pháp luật chưa rõ ràng. Đây là sự ngụy biện không thể chấp nhận được, bởi Thông tư liên tịch 01/2012 của liên bộ Y tế, Tài chính hướng dẫn việc đấu thầu mua thuốc đã có hiệu lực từ ngày 1.6.2012. Nhiều tỉnh, thành khác đã áp dụng quy định này để tổ chức đấu thầu, mua được thuốc cho bệnh nhân với giá phù hợp.

Điều gây bức xúc cho người dân là ngay các gói thầu của đoạn trước, Thanh tra Bộ Tài chính từng phát hiện 12 loại thuốc trúng thầu với giá cao hơn giá bán buôn được kê khai với Cục Quản lý dược, với giá trị chênh lệch 515 triệu đồng. Như vậy biết giá cao, Sở Y tế vẫn tham mưu gia hạn các gói thầu cũ, mà không tổ chức đấu thầu mới cho các năm sau theo quy định. Theo đoàn thanh tra, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk và Văn phòng UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm về sai phạm này.

Mua thiết bị tiền tỉ để… “đắp chiếu”

Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên do Sở Y tế Đắk Lắk làm chủ đầu tư khởi công vào năm 2010, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Nhưng ngay trong năm 2010, Sở Y tế đã tự dùng tiền của gói thầu số 10 (không nằm trong nội dung mua sắm trang thiết bị) để mua 111 bộ máy tính trị giá hơn 2,8 tỉ đồng. Đến nay toàn bộ số máy tính này vẫn nằm “đắp chiếu” trong kho của… nhà cung cấp là Cty CP Chương Dương (TP.Hồ Chí Minh).

Tiếp đó, từ năm 2012 - 2014, ngành Y tế Đắk Lắk chi hơn 150 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị cho các đơn vị trực thuộc, quá trình thực hiện cũng có nhiều sai phạm, gây thất thoát hàng chục tỉ đồng ngân sách. Có thiết bị trong hợp đồng là do Mỹ sản xuất, nhưng thực tế là hàng không nhãn mác; trong hợp đồng là hàng Nhật Bản, nhưng thực tế là nhãn mác Trung Quốc… như tại các BVĐK huyện Ea H’leo, huyện Lắk. Còn tại BVĐK huyện Cư M’gar và Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, mỗi đơn vị được mua nhiều thiết bị trị giá từ hàng trăm triệu đồng từ năm 2012, đến nay vẫn “trùm mền”. Đặc biệt, hệ thống mổ nội soi trị giá 1,5 tỉ đồng tại BVĐK huyện Krông Pắk trị giá 1,5 tỉ đồng, được mua sắm từ năm 2013, đến thời điểm thanh tra vẫn chưa một lần sử dụng.

Ngày 26.5, tại cuộc họp xem xét báo cáo của đoàn thanh tra số 2902, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã chỉ đạo chuyển hồ sơ nhiều nội dung sai phạm của Sở Y tế cho Công an tỉnh điều tra, xử lý theo quy định. Đó là việc chậm đấu thầu thuốc, gia hạn các gói thầu cũ, dẫn đến thanh toán 506 mặt hàng thuốc với giá cao hơn 5,5 tỉ đồng; vụ mua sắm 111 bộ máy tính trị giá 2,8 tỉ đồng “đắp chiếu” từ năm 2010 do đến nay BVĐK vùng Tây Nguyên chưa xây dựng xong, vụ mua sắm trang thiết bị tại Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc từ năm 2011-2015 gây thất thoát, lãng phí lớn.

Xem xét việc bổ nhiệm Kế toán trưởng… 16 năm

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng giao Sở Nội vụ kiểm tra việc ông Nguyễn Hữu Thông - Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán Sở Y tế - giữ chức vụ này tới 16 năm không luân chuyển, đề xuất UBND tỉnh xử lý. Cùng với Giám đốc Sở Y tế, ông Thông được cho là có liên quan đến nhiều sai phạm trong việc đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị tại Sở Y tế Đắk Lắk và các đơn vị trực thuộc trong nhiều năm qua.

Theo Đặng Trung Kiên
Lao động