Vui buồn chuyện sinh con nhờ ống nghiệm

Ba cậu bé kháu khỉnh nghịch ngợm sinh ra từ ống nghiệm đã biến cuộc sống gia đình của chị Thảo thành thiên đường. Nhưng cũng sinh con nhờ phương pháp này, chị Hiền lại phải bế con đi vì ông chồng không tin chắc đó là con mình.

Hạnh phúc vô bờ

 

Căn phòng ở số nhà 39, ngõ 126 phố Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội, của gia đình chị Đỗ Thị Thảo tối nào cũng vang tiếng cười đùa của ba cậu nhóc cưng. Nhìn ba cậu bé kháu khỉnh, tinh nghịch kia, không ai biết chúng được "tạo thành" từ ống nghiệm.

 

Chị Thảo, 39 tuổi, là người đầu tiên đăng ký sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vào năm 2000. Trước đó, sau 11 năm chữa trị khắp nơi, 3 lần mang thai nhưng đều chửa ngoài dạ con, anh chị tưởng như hạnh phúc được làm cha, làm mẹ sẽ chẳng bao giờ đến với mình. Vậy mà, nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, giờ ba "hoàng tử" đã được 4 tuổi rưỡi.

 

Chị Thảo âu yếm kể về ba cục cưng đang nô đùa trong căn phòng nhỏ: Tiến "đất" là hiền nhất, ngoan ngoãn, hay thủ thỉ với mẹ và cô giáo, Hưng "ọt" thì ra dáng anh cả, biết đi, biết nói đầu tiên, hay nhường nhịn hai em. Còn Huy "còi" bé nhất, kém anh, kém em nửa cân, nhưng bướng bỉnh, hay nghịch ngợm và thích chỉ huy nhất.

 

Từ ngày có ba nhóc, chồng chị Thảo xin làm ca chiều để có thời gian giúp vợ chăm sóc các con nhiều hơn. Khoảng 21h30 anh đi làm về, ba cậu con trai sà vào lòng, đòi bố kể chuyện. "Hôm qua bố nói đi làm bị cục đá rơi vào đầu đau lắm, sáng nay trước khi đi lớp, Tiến 'đất' dặn bố phải đội mũ sắt vào", chị Thảo cười trêu cậu con trai út. Mới đầu cả nhà định đặt tên cho bé út là Hoàng để ba anh em đều chung vần H, nhưng rồi họ quyết định lấy tên ân nhân, tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, để luôn ghi ơn người đã mang đến niềm hạnh phúc vô bờ cho gia đình.

 

Theo tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, kể từ ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ngày 27/10/2000, đến nay, đã có hơn một nghìn đứa trẻ ra đời bằng phương pháp này tại bệnh viện. Phương pháp này mở ra khả năng làm cha, làm mẹ cho các trường hợp tinh trùng yếu kém, tắc vòi trứng, trứng không thể thụ tinh... Nhiều cặp vợ chồng đi chữa trị 15-20 năm chưa được, đến khi thực hiện phương pháp này đã có con nên vui mừng khôn xiết, như chị Nhàn ở Hà Tây.

 

Ở đâu mách có người, có thuốc chữa là vợ chồng chị Nhàn cũng tìm đến. Khi thày bói bảo phải cưới lại, con mới "đến", anh chị cũng cố làm cô dâu chú rể thêm hai lần nữa, cũng không ăn thua. Lúc đến bệnh viện để thụ tinh trong ống nghiệm, chị chán nản nói với bác sĩ: "Em chỉ thử thôi, cho hoàn thành tâm nguyện của chồng chứ chẳng còn hy vọng gì nữa đâu ạ". Nhưng hạnh phúc đã đến với anh chị. Đứa con bụ bẫm, xinh xắn giờ đã là niềm vui của cả họ hàng chứ không chỉ riêng hai vợ chồng.

 

Nỗi đau tột cùng

Thế nhưng, chuyện có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm đối với một số gia đình lại không chỉ đơn thuần là niềm vui, như trường hợp của chị Hiền ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Chữa trị mấy năm trời mà chưa được mụn con, anh chị bàn nhau đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương thụ tinh trong ống nghiệm.

 

Những tưởng đứa con ra đời sẽ như cơn mưa rào tưới mát hạnh phúc vốn đã cằn cỗi của cha mẹ, nhưng chẳng biết nghe bạn bè hay họ hàng châm chọc gì mà chồng chị hằm hằm nhìn thằng bé mới chào đời rồi lạnh lùng bảo vợ: "Nó không phải con tôi. Cô 'chim chuột' với thằng nào, hay thông đồng với bác sĩ để tráo tinh trùng thì sao?".

 

Chịu không nổi sự nghi ngờ của chồng và ánh mắt khó chịu của gia đình anh, chị đành bế con đi, và từ đó không còn muốn ai nhắc đến chuyện con mình được sinh ra từ ống nghiệm nữa. Chị sợ lúc lớn lên, con sẽ bị tổn thương.

 

Theo thạc sĩ Minh Phương, y tá trưởng Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện phụ sản Trung ương, quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm rất nghiêm ngặt, không thể có chuyện nhầm lẫn, càng không có chuyện tráo đổi. Nhưng điều này vẫn không làm những ông chồng "có họ với Tào Tháo" như trên an lòng.

 

Một trường hợp khác, cũng vì nghi ngờ mà khi chia đất cho con cháu, ông bà nội nhất định gạt đứa cháu được tạo thành từ ống nghiệm với lý lẽ: "Của đâu mà trao cho đứa chẳng biết có chắc là máu mủ nhà mình không".

 

Thạc sĩ Minh Phương là người đã cùng tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến thực hiện các ca thụ tinh trong ống nghiệm từ ngày bệnh viện bắt đầu sử dụng kỹ thuật mới này cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Chứng kiến cả nỗi đau tột cùng lẫn niềm hạnh phúc vô bờ, ánh mắt lo âu, sợ hãi, những trận cãi vã..., bà ái ngại với nhiều hoàn cảnh đến đây. "Khổ tâm nhất là nhìn thấy những người phụ nữ có ông chồng vô tâm, tàn nhẫn", y tá Phương tâm sự.

 

Bà kể, có cặp vợ chồng dẫn nhau đến khám, được bác sĩ giải thích là tinh trùng của chồng kém, khuyên nên xin tinh trùng thì khả năng thành công sẽ cao hơn. Anh chồng nổi đoá quát luôn giữa phòng khám: "Tôi chả phải xin ai. Cũng chả thụ tinh thụ tiếc gì hết, về lấy vợ hai còn rẻ hơn". Có cặp khác khi thực hiện không thành công, ông chồng mắng ngay vợ trước mặt bác sĩ: "Tôi bảo cô rồi, còn cố, giờ tiền mất mà chả được gì. Sướng chưa". Còn chuyện các ông chồng đến lấy tinh trùng nhiều lần sinh khó chịu, cãi nhau với vợ ở phòng khám thì rất nhiều.

 

Chuyện gia đình anh Quang, chị Mai ở Hưng Yên cũng khá đau lòng. Lấy nhau mấy năm mà không có con, anh Quang tuyên bố thẳng với vợ: "Cô không đẻ được thì phải để tôi đi kiếm con về". Nhưng sau hai năm đi lại với người đàn bà khác để kiếm con, anh lại "trắng tay" quay về với vợ. Lúc này, hai vợ chồng mới quyết định đi thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng trước khi thực hiện, một thoả thuận giữa họ được nêu ra: Nếu thành công sẽ tiếp tục sống với nhau, nếu thất bại, hai người sẽ ly dị và chi phí tại bệnh viện sẽ được chia đôi.

 

Thiếu may mắn

 

Trong số những cặp vợ chồng chấp nhận thụ tinh trong ống nghiệm, không phải ai cũng thành công. Trong các trường hợp không may mắn, y tá Phương nhớ mãi chị Thảo ở Nghệ An. Người phụ nữ khắc khổ này đã chạy chữa khắp nơi rồi mới quyết định đến đây thực hiện phương pháp mới. Phải đến lần thứ hai cấy phôi, chị mới có bầu. Cả nhà đang vui mừng khôn xiết thì các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh thông báo: "Không có tim thai, thai chết lưu", bảo chị phải nạo ngay. Thế là vừa mất tiền, vừa mất oan con (vì 4 tuần thì chưa có tim thai), hai vợ chồng chị gần như tuyệt vọng. Rồi người chồng bỏ chị đi lấy vợ khác, Thảo phải làm túp lều ở qua ngày nơi cuối làng.

 

Còn chị Phạm Thị Lan (46 tuổi, ở Hàng Đường, Hà Nội) vốn gia đình rất giàu có, đã vào Bệnh viện Từ Dũ, sang cả Singapore để chữa trị nhưng 4 lần có thai rồi mà chưa được làm mẹ. Những lần chữa trị tốn kém đã tiêu hết cả gia sản. "Mới đây, gặp chị ấy đến khám, nhìn đôi tất rách mà tôi thấy xót xa quá", bà Phương kể lại.

 

Tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hiện chỉ đạt 30-35% nên nhiều cặp vợ chồng đã phải thất vọng ra về, ông Tiến cho biết. Chi phí 30-40 triệu đồng cho mỗi lần thực hiện cũng là một thách thức lớn đối với những gia đình kinh tế eo hẹp, như trường hợp chị Vân ở Ba Vì, Hà Tây.

 

Mới 25 tuổi, Vân bị tắc vòi trứng, phải đến bệnh viện nhờ các bác sĩ giúp thụ tinh trong ống nghiệm để có con. Đang dùng thuốc dở thì bà mẹ chồng từ quê xuống xin các bác sĩ ngừng lại vì "hơn chục triệu tiền bán con bò đã hết rồi, giờ nhà tôi chả đào đâu ra mà lo tiếp cho nó". Tiếc tiền, tiếc công làm dở, lại khát khao có đứa con bế bồng, Vân không thể ngừng được, chị đã tìm ra giải pháp khác: cho trứng một cặp vợ chồng khác và đổi lại, họ sẽ trả toàn bộ chi phí thực hiện thụ tinh của chị. Thế nhưng đến nay, đã qua 3 lần thực hiện, Vân vẫn chưa được làm mẹ.

 

Mặc dù những câu chuyện buồn vẫn xảy ra nhưng vào các buổi sáng, hành lang của tầng 1, nhà D của Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, vẫn đông kín người chờ khám, đến tiêm thuốc, thực hiện chuyển phôi... Bởi tỷ lệ 30-35% khả năng thành công và niềm hạnh phúc của những người đã được làm mẹ nhờ khoa học cũng đủ để bùng lên hy vọng ở những cặp vợ chồng hiếm muộn.

 

Theo Minh Thuỳ

Vnexpress