Vụ tử vong sau tiêm thuốc dị ứng: Đúng phác đồ nhưng cần rút kinh nghiệm

(Dân trí) - Đến bệnh viện An Sinh điều trị vì nổi mẫn ngứa, nữ bệnh nhân được bác sĩ tiêm thuốc trị dị ứng sau đó rơi vào hôn mê, tử vong. Báo cáo được Sở Y tế gửi đến cơ quan quản lý khẳng định bệnh viện xử lý “đúng phác đồ” nhưng cần xử lý tiêm bắp thay vì tiêm dưới da....

Như Dân trí đã thông tin, ngày 17/4 sau khi ăn cơm với thịt bò, ăn bánh tráng trộn và uống trà sữa tráng miệng, cơ thể chị L.N.T. (30 tuổi, ngụ tại TPHCM) bị nổi mẩn ngứa. Ngày 18/4 tình trạng mẫn ngứa không thuyên giảm, chị T. được chồng đưa đến Bệnh viện An Sinh điều trị.

Sau thăm khám, thực hiện xét nghiệm, bác sĩ đã tiêm thuốc trị dị ứng cho bệnh nhân. Sau chích thuốc, người bệnh có diễn tiến nặng nên được đưa vào phòng cấp cứu. Tại đây người bệnh được tiêm thêm 2 mũi thuốc nhưng diễn tiến bệnh ngày càng nặng, phải chuyển sang Bệnh viện Nhân Dân 115. Dù được bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua được nguy kịch.

Bệnh viện An Sinh nơi tiếp nhận, điều trị ban đầu cho người bệnh
Bệnh viện An Sinh nơi tiếp nhận, điều trị ban đầu cho người bệnh

Sau vụ việc, ngày 27/4 Sở Y tế đã họp Hội đồng chuyên môn làm rõ quá trình khám, chữa bệnh của Bệnh viện An Sinh và Bệnh viện Nhân Dân 115 về ca bệnh trên. Ngày 14/5, Sở Y tế TPHCM cung cấp thông tin cho biết, ngày 3/5 sở đã báo cáo kết quả lên Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế.

Theo báo cáo được PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế ký và gửi Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: “Sau khi Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Nhân Dân 115 báo cáo kết quả khám chữa cho người bệnh và xem xét các dữ liệu trên hồ sơ Hội đồng chuyên môn kết luận, bệnh nhân bị phản vệ độ IV do dị ứng thức ăn; nguyên nhân tử vong, tổn thương đa cơ quan (tim, phổi, gan) do sốc phản vệ.

Tại Bệnh viện An Sinh, lúc nhập viện bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán dị ứng thức ăn (độ I) là phù hợp; bệnh viện xử trí đúng phác đồ. Lúc 20h (ngày bệnh nhân nhập viện - PV) bác sĩ đã theo dõi sát và phát hiện kịp thời sốc phản vệ, xử lý tiêm Andrenalin tiêm dưới da thay vì tiêm bắp; bệnh nhân bị sốc phản vệ nguyên nhân dị ứng thức ăn, không nghĩ tới thuốc điều trị; bệnh viện đã tổ chức cấp cứu kịp thời và hiệu quả sau đó rút nội khí quản khi bệnh nhân có biểu hiện chống thở máy vào lúc 23h30 cùng ngày.

Tuy nhiên, bệnh diễn tiến nặng đột ngột, sau hội chẩn liên viện người bệnh được chuyển sang Bệnh viện Nhân Dân 115 điều trị. Tại đây các kết quả xét nghiệm tìm thấy Chlopheniramin, Seduxen là những thuốc đã được bệnh viện An Sinh sử dụng với liều lượng đúng.

Từ ca bệnh trên, trong phần rút kinh nghiệm chuyên môn Sở Y tế cho rằng, Bệnh viện An Sinh cần xử lý tiêm bắp (theo thông tư 51/2017/TT-BYT) thay vì tiêm dưới da.

Bệnh viện nên hội chẩn liên viện sớm ngay sau khi cấp cứu ngưng hô hấp, tuần hoàn thành công; tiếp tục thở máy khi người bệnh có biểu hiện chống máy thở nhưng tình trạng còn nặng; nên chụp X-quang phổi tại giường kèm siêu âm tim, đánh giá chức năng co bóp cơ tim và thể tích máu để tìm và xử lý nguyên nhân phù phổi.

Vân Sơn