Vụ tiêm nhầm vắc xin: Tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ

(Dân trí) - Tin từ Sở Y tế cho biết, ngay sau khi có thông tin về việc tiêm nhầm vắc xin tại Trạm y tế phường Kim Mã, hôm nay, 22/5, Thanh tra Sở Y tế sẽ tiến hành thanh tra, tìm hiểu vấn đề này.

Trước đó, ngày 18/5, chị Nguyễn Thu Trang (ở địa chỉ ngõ 82 Kim Mã) đưa con trai 2 tuổi tên là Phí Tuấn Hiệp tới Trạm y tế phường Kim Mã để tiêm phòng ho gà, uốn ván, bạch hầu theo đúng định kỳ. Tuy nhiên, thay vì tiêm đúng vắc xin ngừa các loại bệnh trên, cô y tá lại tiêm nhầm sang vắc xin viêm não Nhật Bản B cho cháu Hiệp.

 

Bà Đào Thị Thúy, bà ngoại của cháu Hiệp kể, sau khi y tá tiêm cho bé Hiệp xong và ghi vào sổ theo dõi tiêm chủng, bà Thúy đã xem lại và phát hiện thấy thay vì tiêm vắc xin ho gà, uốn ván, bạch hầu, y tá đã tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B. Khi gia đình cho biết trước đó 1 tháng, cháu Hiệp đã được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B, cô y tá lập tức nhận lỗi với gia đình và đã viết đơn cam đoan với gia đình chị Nguyễn Thu Trang.

 

Trong bản cam đoan ghi rõ, vắc xin cháu Hiệp bị tiêm nhầm là loại vắc xin viêm não Nhật Bản B được nhập từ Hàn Quốc. Nếu  có vấn đề gì xảy ra với cháu Hiệp, y tá sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Trạm y tế này còn hẹn tháng sau gia đình đưa cháu Hiệp đến tiêm lại mũi vắc xin này.

 

Hôm qua (21/5), bà Thúy cho biết sau khi bị tiêm nhầm vắc xin, cháu Hiệp biếng ăn hơn mọi ngày, hơi sốt nhẹ, không quấy khóc.

 

Bác sĩ Vũ Quý Hợp - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Nhi TƯ) - cho biết:  “Bệnh viện từng tiếp nhận vài trường hợp trẻ bị tiêm nhầm vắc xin phải đến cấp cứu. Theo bác sĩ Hợp, từ khi bị tiêm nhầm tới khoảng 1 tuần sau, phần lớn trẻ có biểu hiện như sốt cao, sưng tấy vùng tiêm, mắt lờ đờ, vận động kém, nặng hơn là nôn oẹ. Tuy nhiên, cũng tùy vào loại vắc xin mà cơ thể trẻ sẽ có những phản ứng khác nhau”.

 

Bác sĩ Hợp khuyến cáo, sau khi tiêm vắc xin, dù được tiêm đúng hay bị tiêm nhầm như trường hợp trên, nếu cơ thể trẻ xuất hiện những biểu hiện bất thường, người lớn cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được khám và theo dõi.

 

Trao đổi với PGS.TS Phạm Ngọc Đính, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ về sự việc này qua điện thoại, ông Đính cho biết,  trường hợp cháu bé tiêm nhầm vắc xin viêm não Nhật Bản B, nhất là không đúng vào thời điểm (vì vừa tiêm vắc xin này 1 tháng trước đây) sẽ làm giảm khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, việc tiêm nhầm này có ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu bé hay không thì còn phải theo dõi thêm một thời gian nữa.

 

Hồng Hải