Vụ ngộ độc 7 người chết tại Lai Châu: Bệnh nhân nặng sẽ bị di chứng

(Dân trí) - Ông Tống Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, liên quan đến vụ ngộ độc tập thể 7 người chết, cả 38 bệnh nhân (có 4 phụ nữ) đang được điều trị tích cực tại các cơ sở y tế và bệnh viện; đặc biệt có 3 bệnh nhân phải lọc máu và chạy thận nhân tạo.


Các nạn nhân vụ ngộ độc tại tỉnh Lai Châu vẫn đang được điều trị tích cực.

Các nạn nhân vụ ngộ độc tại tỉnh Lai Châu vẫn đang được điều trị tích cực.

Theo ông Hải, ca ba bệnh nhân này đã qua cơn nguy kịch tuy nhiên vẫn phải điều trị tích cực thì mới có thể bảo đảm an toàn đến tính mạng.

Đại tá Bùi Xuân Phong, Phó Giám đốc CA tỉnh Lai Châu, người trực tiếp có mặt tại hiện trường vụ ngộ độc tập thể để chỉ đạo lực lượng điều tra cho biết, trong số 38 bệnh nhân bị ngộ độc có 4 phụ nữ và người trẻ nhất là sinh năm 1999.

Theo Đại tá Phong, hiện cơ quan điều tra vẫn đang khẩn trương tiến hành hành công tác điều tra, giám định pháp y và sẽ thống nhất cùng cơ quan Y tế đưa ra kết luận sớm nhất về ngộ độc thực tập thể này.

“Hiện nay, cơ quan chức năng đang nghiêng nhiều về hướng các nạn nhân bị ngộ độc do hàm lượng methanol”, Đại tá Phong nói.

Hiện tại, ngoài 7 người đã tử vong, số bệnh nhân còn lại đang được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, Trung tâm y tế huyện Phong Thổ và trạm y tế xã.

Bác sỹ Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, cho hay, các bệnh nhân nặng vẫn đang được duy trì lọc thận luân phiên. Tất cả những người này đều đã qua cơn nguy kịch nhưng có thể bị các di chứng như mờ mắt, trí nhớ kém. Các y bác sỹ đang tiến hành khám lại tổng thể, đánh giá bệnh tình từ đó đưa ra phác đồ điều trị tốt hơn.

Chiều 15/2, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã cử đoàn các bác sĩ, kỹ thuật viên tiếp tục lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu hỗ trợ y tế địa phương điều trị cho các nạn nhận bị ngộ độc.

Đoàn công tác do GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai là Trưởng đoàn. Dự kiến sáng sớm 16/2, đoàn sẽ xuất phát, mang theo các thiết bị và thuốc nhằm hỗ trợ bệnh viện tỉnh và y tế địa phương công tác chuyên môn với mong muốn điều trị hiệu quả nhất cho các bệnh nhân.

Một thành viên của đoàn cho biết, các xét nghiệm hiện tại chưa khẳng định chính xác tác nhân gây ngộ độc, tuy nhiên với các triệu chứng lâm sàng, giới chuyên môn rất nghi ngại về tác nhân gây độc là cồn công nghiệp methanol. Đây là chất có thể gây suy tạng và nhiễm độc hệ thần kinh. Chất này rất thường ảnh hưởng đến thần kinh thị giác khiến bệnh nhân giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí bị mù sau khi được cứu sống.

Ngay sau khi xảy ra vụ ngộ độc sau đám ma ông Phù Văn Lèng, 60 tuổi, ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu các cơ quan chức năng đang khẩn trương làm rõ nguyên nhân. Các mẫu thực phẩm (rượu, kẹo, một số thực phẩm khác dùng tại bữa ăn) đã được y tế địa phương gửi về xét nghiệm tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai và Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia.

Tuấn Hợp