Khánh Hòa:

Vụ khách Trung Quốc tìm cách “xù” viện phí: Xử lý thế nào?

(Dân trí) - Liên quan đến bài báo: “Nhọc nhằn săn viện phí vì bệnh nhân Trung Quốc dây dưa” mà báo Dân trí phát hiện đăng tải, một số chuyên gia du lịch cho rằng, ngoài việc cần quản lý chặt chẽ việc khám chữa bệnh, các công ty lữ hành đón khách Trung Quốc ở Nha Trang cần phải kiểm tra, giám sát, yêu cầu các công ty lữ hành quốc tế của Trung Quốc mua bảo hiểm cho khách.

Khách Trung Quốc không bảo hiểm, bệnh viện thiệt đủ thứ

Ông Lê Kim Nhựt, Giám đốc Công ty Du lịch Nha Trang Trẻ (TP Nha Trang) phân tích, ngoại trừ các trường hợp khách Trung Quốc tự nhập viện do tai nạn bất ngờ, còn các trường hợp khác nếu có đại diện công ty du lịch đưa đến thì việc đòi viện phí là không khó vì có địa chỉ, hồ sơ cụ thể.

Ông Nhựt cho rằng, trước mắt các bệnh viện cần tăng cường quản lý, giám sát chặt hồ sơ, giấy tờ của bệnh nhân Trung Quốc để đề phòng tình trạng bệnh nhân trốn viện, “xù” viện phí.

“Cũng có thể do bệnh nhân không đàng hoàng, vào khám xong rồi trốn luôn. Nhưng cũng có thể họ sợ rắc rối trong thủ tục, ảnh hưởng đến hành trình, chuyến đi nên trốn để khỏi phải làm thủ tục, hoặc về nước cho kịp chuyến bay”, ông Nhựt lập luận.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho rằng, việc bệnh nhân người Trung Quốc không có bảo hiểm du lịch khi khám chữa bệnh thì trách nhiệm đầu tiên là thuộc về các đơn vị lữ hành quốc tế của Trung Quốc.

Khách du lịch Trung Quốc đến bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa khám bệnh - Ảnh: Viết Hảo
Khách du lịch Trung Quốc đến bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa khám bệnh - Ảnh: Viết Hảo

Theo ông Thành, trong chương trình, hợp đồng bán tour giữa đơn vị lữ hành quốc tế của Trung Quốc (outbound) và đơn vị lữ hành quốc tế Việt Nam (inbound) ràng buộc nhiều điều khoản, trong đó có việc mua bảo hiểm du lịch cho du khách. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho khách, đơn vị lữ hành quốc tế đón khách Trung Quốc ở Nha Trang cần giám sát, kiểm tra.

“Chuyện này trước tiên là trách nhiệm chính của hãng lữ hành outbound Trung Quốc. Trong quy định bắt buộc phải có in bound nhận khách từ khi vào nhập cảnh. Việc mua bảo hiểm du lịch cũng phải được kiểm tra, kiểm soát trước giữa 2 bên. Phía “inbound” phải yêu cầu phía “outbound” mua đầy đủ các quyền lợi cho khách”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo ông Thành, trong trường hợp khách Trung Quốc không có bảo hiểm du lịch thì không những họ bị thiệt thòi mà các bệnh viện, cơ sở y tế tại TP Nha Trang cũng thiệt thòi theo. Trong trường hợp này, các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh được xem như một mảng của dịch vụ du lịch.

Bất cập trong Luật Du lịch hiện hành?

Bà Lương Thị Bích Ngọc, Trưởng bộ phận Chăm sóc khách hàng, Trung tâm Dịch vụ Y tế, bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết, du khách Nga, Châu Âu… khi đến khám chữa bệnh đều có bảo hiểm du lịch, tạo thuận lợi cho bệnh viện trong quá trình thu viện phí. Tuy nhiên, với du khách Trung Quốc, bệnh viện rất khó khăn khi thu viện phí, thậm chí phải “săn”.

Theo bà Kiều Thị Thư, Điều dưỡng trưởng Khoa cấp cứu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, thời gian gần đây khi khách Trung Quốc đến Nha Trang đông, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân Trung Quốc đến chữa bệnh. Bà Thư cho biết khách Trung Quốc đến chữa trị thường rất lộn xộn, thậm chí là nói to, tìm cách gây gổ khi cảm thấy không hài lòng.

“Có nhiều trường hợp bệnh nhân Trung Quốc ban đầu không thanh toán viện phí. Sau đó mình liên lạc với bên khách sạn, đơn vị lữ hành thì 3-4 ngày sau họ mới quay lại thanh toán”, bà Thư nói. Bà Thư cũng cho biết, do khách Trung Quốc không nói được ngôn ngữ nào ngoài tiếng của họ nên Khoa cấp cứu cũng chuẩn bị một tổ phiên dịch để phục vụ việc khám chữa bệnh.

Bệnh viện sao chụp hồ sơ của bệnh nhân sau khi nhập viện - Ảnh: Viết Hảo
Bệnh viện sao chụp hồ sơ của bệnh nhân sau khi nhập viện - Ảnh: Viết Hảo

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, Luật Du lịch hiện hành quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa “mua bảo hiểm du lịch cho khách du lịch nội địa trong thời gian thực hiện chương trình du lịch khi khách du lịch có yêu cầu” (khoản 2, điều 45, Luật Du lịch 2005). Đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế khi “kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài”, quy định nêu rõ “phải mua bảo hiểm du lịch cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian thực hiện chương trình du lịch (điểm b, khoản 2, điều 50, Luật Du lịch 2005).

Tuy nhiên, trong trường hợp “kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam”, Luật Du lịch lại không quy định doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải mua bảo hiểm cho khách (khoản 1, điều 50, Luật Du lịch 2005). Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng có thể đây bất cập, gây rắc rối khi xử lý nếu phía lữ hành của Trung Quốc không mua bảo hiểm cho khách.

Viết Hảo