Vụ 2 chị em ruột bị cắt bỏ tử cung: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang trả lời vòng vo, thiếu thuyết phục

Sau sự cố của hai chị em ruột Lê Thị Vịnh và Lê Thị Nhị bị cắt bỏ tử cung với một quy trình giống nhau đến kỳ quái của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, gia đình cũng đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các y-bác sĩ ca trực. Đồng thời đặt ra nghi ngờ do trình độ chuyên môn kém của các y-bác sĩ này nên dẫn đến sự việc đau lòng của con cháu mình. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, đến nay Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang vẫn trả lời vòng vo, thiếu thuyết phục.

Trình độ, năng lực còn hạn chế

Theo thông báo số 190/TB-UBND tỉnh Bắc Giang ngày 3.9.2015 về việc kết quả giải quyết tố cáo do ông Lại Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ký, trả lời bà Hà Thị Thuý Liên (SN 1952) trú tại đường Á Lữ, phường Trần Phú, TP.Bắc Giang, là mẹ chồng chị Vịnh.

Trong phần kết luận của bản thông báo nêu rõ: Sở Y tế yêu cầu ông Đinh Văn Thành - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi - nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về việc chưa tích cực giải quyết đơn thư. Ông Thân Ngọc Bích - Trưởng khoa Phụ sản - xử lý bằng hình thức, không phân trực lãnh đạo và quyết định yêu cầu ông Bích phải đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Ông Đào Xuân Hiền - Trưởng khoa Hỗ trợ sinh - là bác sĩ trực cột I của kíp trực bị đình chỉ trực cột 1 do trình độ năng lực còn hạn chế chưa, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ được phân công.

Đối với ông Hà Ngọc Đại - bác sĩ Khoa phụ, trực cột 2 - do phát hiện các triệu chứng, ra y lệnh còn chưa toàn diện, chưa phù hợp với diễn biến bệnh lý của sản phụ, nên phê bình trước toàn bệnh viện.

Về nội dung: “Việc bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang chẩn đoán nhầm lẫn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với sản phụ Lê Thị Vịnh nhưng không được bồi thường và có ý kiến xin lỗi gia đình”. Qua kiểm tra, xem xét và xác minh thấy nội dung này chưa được Giám đốc Sở Y tế xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Trong mục xử lý và kiến nghị cũng nên rõ: “Yêu cầu Giám đốc Sở Y tế xem xét, kết luận nội dung liên quan đến việc bồi thường và có ý kiến xin lỗi gia đình. Kết quả trả lời công dân và báo cáo Chủ tịch UBND theo quy định.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Thuý Liên cho biết: “Là mẹ chồng của chị Vịnh, con cái còn làm ăn nên con dâu uỷ quyền cho tôi để đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang trả lời, làm rõ việc có hay không trình độ chuyên môn kém của các y-bác sĩ ca trực làm cháu nội tôi chết, con dâu tôi không còn khả năng sinh nở. Tuy nhiên, việc trả lời của các cơ quan chức năng đến giờ vẫn vòng vo, thiếu thuyết phục”.

Cụ thể, theo như bà Liên thì thông báo của UBND tỉnh nội dung cũng không khác gì so với thông báo của Sở Y tế Bắc Giang trước đó. Họ đều khẳng định do trình độ, chuyên môn của y-bác sĩ còn hạn chế, phải đi học, đào tạo lại nhưng lại không làm rõ trách nhiệm cụ thể.

Ông Đào Xuân Hiền là một Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản mà sản phụ ra huyết lại đoán là đau ruột thừa. Hay những người làm chứng là sản phụ lại không biết sản phụ là ai. Còn theo kết luận của hội đồng chuyên môn “Đây là căn bệnh khó hiếm gặp, không có dấu hiệu doạ vỡ nên khó chẩn đoán. Kết quả xét nghiệm bạch cầu tăng cao nên dẫn đến chẩn đoán nhầm với bệnh viêm ruột thừa. Kíp trực chưa đủ kinh nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh của bệnh nhân…”.

Và mãi đến ngày 31.3.2016, Sở Y tế mới có công văn số 379/SYT-TTr về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại thông báo số 190 ngày 3.9.2015 do ông Ong Thế Viên - Giám đốc - ký, gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Với nội dung bà Liên không cung cấp được thông tin, tài liệu gì mới so với nội dung đã gửi trước nên Bệnh viện Sản Nhi giữ nguyên nội dung trả lời trước đây. Đề nghị của bà Liên đòi bồi thường, khắc phục hậu quả đối với sản phụ và thai nhi bị tử vong, bệnh viện không đáp ứng được yêu cầu của bà Liên.

Tuy nhiên, ngay phía dưới lại có nội dung: “Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi cùng các nhân viên kíp trực ngày 19.8.2014 động viên, chia sẻ cùng gia đình sản phụ Lê Thị Vịnh”.

Đề nghị “chia sẻ” 50 triệu đồng

Sau rất nhiều lần đi lại, đơn từ đến ngày 29.8.2016, mẹ con bà Liên được ông Hoàng Văn Xuân - Thanh tra Sở - mời lên phòng tiếp dân của Sở Y tế, đến đây bà mới được đưa giấy mời và nội dung buổi làm việc.

Ngay sau khi vào phòng cùng với Lê Công Tước, Nguyễn Tú Tuyến (Bệnh viện Sản Nhi). Bà Liên kể lại: “Ngay sau đó ông Xuân đề nghị mọi người tắt điện thoại không ghi âm buổi làm việc. Một biên bản được lập trong đó có ghi gia đình nhận 50 triệu do anh em kíp trực chia sẻ và cam kết không khiếu kiện tiếp. Sau đó yêu cầu tôi ký tên, tôi đã ghi rõ: “Tôi chưa nhận tiền mà đã bắt tôi ký cam kết”. Sau đó, ông Tước, ông Tuyến, ông Xuân đi ra ngoài lập một biên bản khác đề nghị tôi ký lần 2 nhưng tôi không ký, còn biên bản lập trước đó thì bị ông Xuân xé ngay trước mặt mẹ con tôi”.

Vụ việc của chị Lê Thị Vịnh đã qua 2 năm còn chưa được làm rõ, thì lại xảy ra vụ việc của chị Lê Thị Nhị. Vì ở Lạng Giang xa thành phố hàng chục cây số nên chị Nhị đã làm đơn uỷ quyền cho bà Liên (mẹ chồng chị gái) đứng đơn gửi các cơ quan chức năng. Sau khi làm đơn gửi Sở Y tế Bắc Giang ngày 25.5.2016 thì sau hơn 2 tháng, đến ngày 9.8.2016 Bệnh viện Sản Nhi mới có công văn số 56/TB-BVSN thông báo kết quả giải quyết tố cáo do Giám đốc Đinh Văn Thành ký.

Một lần nữa bà Liên và mọi người trong gia đình thất vọng trước cách trả lời thờ ơ, vòng vo của Bệnh viện Sản Nhi. Dù khẳng định kíp trực đều là các bác sĩ có trình độ sau đại học. Bác sĩ CKII Hoàng Thị Thuý Vinh, BS CKII Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, BS CKI Tạ Thị Hợp… nhưng nhóm bác sĩ này chưa có kinh nghiệm chuyên môn, chưa gặp trường hợp tương tự trong quá trình hành nghề đã có chẩn đoán chưa chính xác nên xử trí chuyển bệnh nhân sang bệnh viện đa khoa tỉnh.

Bà Hà Thị Thuý Liên - mẹ chồng của chị Vịnh - trao đổi với phóng viên.
Bà Hà Thị Thuý Liên - mẹ chồng của chị Vịnh - trao đổi với phóng viên.

Đây là trường hợp cấp cứu nên các bác sĩ hướng dẫn sang bệnh viện đa khoa là đúng theo quy định. Song về thủ tục hành chính còn thiếu khi chuyển tuyến là không ghi giấy chuyển cho bệnh nhân theo quy định. Bác bỏ kết luận này, bà Liên cho rằng trong phiếu siêu âm, xét nghiệm đều ghi rõ bệnh nhân cấp cứu lại bảo không phải trường hợp cấp cứu là vô lý.

Chính bác sĩ Tạ Thị Hợp có nói với người nhà bệnh nhân là “Xuống bệnh viện đa khoa tỉnh khám, nếu bệnh của sản nhi thì quay trở lại Bệnh viện Sản Nhi điều trị”. Nhưng khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại là bệnh sản nhi.

Ngay trong phần kết luận cũng ghi: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Sản Nhi để phẫu thuật. Đây là bệnh lý vỡ tử cung ở tuổi thai 14 tuần… và dù ở bệnh viện nào thì bệnh nhân cũng phải mổ”.

Trong phần xử lý cũng nêu rõ: Giám đốc bệnh viện ra văn bản nhắc nhở lần đầu đối với các bác sĩ chuyển tuyến khám cho người bệnh mà chưa làm thủ tục. Các bác sĩ khám cho sản phụ Lê Thị Nhị phải trực tiếp xin lỗi người bệnh và gia đình. Xếp công loại V thu nhập 1 tháng đối với 2 BS CKII Hoàng Thuý Vinh và Nguyễn Thị Thanh Thuỳ.

Tuy nhiên, trao đổi với chị Lê Thị Nhị, cho đến thời điểm hiện tại chị vẫn chưa một lần thấy các bác sĩ bệnh viện có ý kiến hay thông tin gì với mình. Ông Lê Công Tước và ông Nguyễn Tú Tuyến nhiều lần hẹn nhưng không thấy xuống.

Trao đổi với ông Lê Công Tước - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang - về 2 trường hợp hy hữu trên, được ông lý giải: “Trường hợp của sản phụ Lê Thị Nhị, bên bệnh viện đa khoa có điện cho tôi, tôi đã yêu cầu BS Đào Xuân Hiền sang phối hợp mổ cho bệnh nhân. Dù ở bệnh viện nào thì bệnh nhân cũng phải mổ và đã không gây hậu quả đối với người bệnh. Trường hợp của chị Lê Thị Vịnh cũng vậy.

Chúng tôi không làm sai mà chỉ do trình độ năng lực của các bác sĩ còn hạn chế trước những ca bệnh hiếm gặp, nên bệnh viện không có trách nhiệm bồi thường mà chỉ động viên, chia sẻ”. Còn việc ông lên nhà chị Nhị chỉ là để xác minh xem có đúng chị Nhị uỷ quyền cho bà Liên không?

Vụ 2 chị em ruột bị cắt bỏ tử cung: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang trả lời vòng vo, thiếu thuyết phục - 2

Ông Lê Công Tước - Phó Giám đốc bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.

Theo Doãn Kiên - Mạnh Hùng

Lao động