Vụ 100% mẫu mì tôm, măng có acid oxalic: Cơ chế gây hại của acid này như thế nào?

Tại sao acid oxalic lại có trong thực phẩm như mỳ tôm, măng? Sử dụng thực phẩm có acid oxalic liệu có gây nguy hại cho sức khỏe? Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM, xung quanh vấn đề này.

BS có thể nói rõ hơn cho bạn đọc biết về acid oxalic?

 

 

BS có thể nói rõ hơn cho bạn đọc biết về acid oxalic?

 

 Acid oxalic là một acid hữu cơ mạnh, có áp lực cao với các ion kim loại như calci, sắt, natri, magne, kali... tạo nên các muối oxalat. Thông thường, acid oxalic được sử dụng trong công nghiệp và gia dụng. Chẳng hạn, trong ngành gỗ để làm trắng gỗ bị đen do thời tiết, nắng...; làm chất tẩy rửa các dụng cụ gia đình; trong xử lý nước thải để loại bỏ calci trong nước thải...

 

Trong thực phẩm tự nhiên, tại sao vẫn có acid oxalic?

 

Acid oxalic là một thành phần vốn có tự nhiên của nhiều loại rau, củ, quả, thức ăn, thức uống... Tuy nhiên, hàm lượng acid oxalic thay đổi theo từng loại rau, củ, quả tùy theo đặc tính của đất, nước, phân bón, môi trường... Mỗi loại thực phẩm được trồng những nơi khác nhau sẽ có hàm lượng acid oxalic khác nhau. Đáng chú ý, acid oxalic còn được tạo ra trong cơ thể người do nấm, do biến dưỡng và do vitamin C (nếu sử dụng liều cao, thời gian dài).

 

Vậy thực phẩm nào có acid oxalic?

 

Có nhiều khảo sát về hàm lượng acid oxalic trong thực phẩm đã được công bố. Theo đó, acid oxalic tồn tại trong tự nhiên trong rất nhiều loại rau, củ quả như: Khế, ngò tây, cây đại hoàng, rau sam, cà rốt, tỏi, đậu, măng tây, cần tây, bông cải xanh, bắp cải, trà (lá), hạt cacao, hạt càphê, gạo, bột mì, chuối cam, gừng, xoài...

 

Nên lưu ý rằng, người bình thường ăn rau củ quả, ngũ cốc có acid oxalic tự nhiên với lượng ăn bình thường khó có tác dụng độc hay gây sỏi thận.

 

Cơ chế gây hại của acid oxalic như thế nào?

 

Acid oxalic kết hợp với Ca thành oxalat calci, có thể lắng đọng ở thận, lâu ngày tạo sạn thận. Lâu nay, một số cơ sở chế biến thực phẩm đã lạm dụng loại hoá chất này để tẩy trắng thực phẩm.

 

Việc đưa acid oxalic vào thực phẩm là hành vi bất hợp pháp, vì hoá chất này không nằm trong danh mục được phép dùng trong thực phẩm.

 

Những ai cần cảnh giác với thực phẩm có acid oxalic?

 

Người có vấn đề về thận, gút, thấp khớp, đau mạn tính vùng âm hộ cần hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng acid oxalic cao. Riêng những người không mắc các bệnh trên thì có thể sử dụng các loại thực phẩm có axid oxalic trong tự nhiên một cách bình thường. Để tăng bài tiết acid oxalic khỏi cơ thể, cách đơn giản và hiệu quả nhất là uống nhiều nước.

 

Để tránh việc lạm dụng hóa chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm, theo ông, cơ quan chức năng cần phải làm gì?

 

Dưới chức năng của Hội Y tế công cộng TPHCM, chúng tôi kiến nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành rõ quy định hoá chất, phụ gia thực phẩm được sản xuất, kinh doanh trong các cơ sở thực phẩm. Cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý việc kinh doanh phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, phải tách rời khỏi việc kinh doanh hóa chất công nghiệp.

 

Xin cảm ơn ông!

 

 Bốn nhóm thực phẩm có chứa acid oxalic:

 

Loại chứa acid oxalic rất cao: Các loại cám, hạnh nhân, hạt mè nguyên khô, rau dền, khế, các loại hạt hỗn hợp...

 

Loại chứa acid oxalic cao: Hạt điều, đậu phộng, khoai tây chiên miếng, khoai lang, măng...

 

Loại chứa acid oxalic trung bình: Hạt dẻ, bơ đậu phộng, hạt óc chó, khoai tây chiên cọng, cà rốt, cần tây, xốt cà chua...

 

Loại chứa ít acid oxalic: Cơm dừa, hạt hướng dương, măng tây nấu chín, bơ, bông cải xanh, bông cải trắng, bắp, dưa chuột, gạo...

 

(GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật TPHCM)