Vĩnh biệt muộn phiền

(Dân trí) - Bạn có thể làm gì nếu lo lắng luôn thường trực trong cuộc sống của bạn? Chỉ có bạn mới biết rằng liệu mình có bị bệnh rối loạn lo lắng do thể trạng hay tâm thần và bạn có thể tự đương đầu hay phải cần tới sự giúp đỡ của các chuyên gia.

Lo lắng - Sự rối loạn cảm xúc?

 

Trong thế giới bận rộn này, cảm giác lo lắng là điều hết sức bình thường nếu thỉnh thoảng nó chợt đến với những mối bận tâm về gia đình, công việc, sức khỏe, những điều riêng tư; mối quan hệ với bạn bè, với mọi người; về những gì sẽ phải đối mặt trong tương lai. Chúng có thể là động cơ thúc đẩy bạn hoàn thành một việc hay vượt qua những thời khắc khó khăn.

 

Tuy nhiên, có những lo lắng lại trở thành một vấn đề nghiên trọng khi nó trở thành cảm xúc chính trong cuộc sống của bạn, khi bạn dường như không thể ngừng lo lắng. Lo lắng sẽ quấy rầy những thói quen hằng ngày của bạn, cản trở sự tập trung vào công việc, làm bạn mất ngủ. Nghiêm trọng hơn, bạn sẽ có cảm giác bất an với chính bản thân và lo lắng về bất cứ điều gì cho đến khi nó kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của bạn.

 

Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo:

 

- Bạn cảm thấy lo lắng hầu như tất cả mọi thời điểm

 

- Bạn đang có một rắc rối chỉ bé bằng cái đinh ghim nhưng không hiểu sao bạn vẫn cảm thấy lo lắng. Hoặc khi bạn giải quyết được một vấn đề khiến bạn lo lắng thì ngay lập tức một vấn đề khác lại xuất hiện.

 

- Bạn bắt đầu tránh những tình huống mà có thể là khởi nguồn cho cảm giác lo lắng

 

- Bạn chán ngán những gì trước đây bạn rất yêu thích

 

- Đôi khi, bạn trở nên lo lắng đến nỗi mà bạn có cảm giác kinh hãi, thậm chí trở nên bất động, thu mình.

 

- Những triệu chứng cho thấy bạn bắt đầu lo lắng thường xuyên hơn: rối loạn giấc ngủ, run rẩy, đau đầu, căng cứng các cơ, đổ mồ hôi, mắt nảy đom...; cảm giác khó thở hay khó tập trung; dễ cáu kỉnh và hay thất vọng, chán nản.

 

Bạn có thể làm gì?

 

Tự giúp mình

 

Về cơ bản, bạn cảm thấy lo lắng vì luôn nghĩ tới những điều xấu nhất có thể xảy ra. Tức là những vấn đề bạn gặp phải cũng giống mọi người thôi nhưng đối với bạn, những vấn đề bé như con kiến sẽ trở thành to đùng như con voi… và chứng rối loạn lo lắng sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi bạn không thể kiểm soát được nó.

 

Để thay đổi cách nghĩ về một khó khăn, một vấn đề gặp phải, bạn cần tìm hiểu rõ những lo lắng này. Hãy viết ra tất cả những gì bạn nghĩ và hãy thử nghĩ xem liệu bạn có thể làm gì để thay đổi nó.

 

Ví dụ: - Tôi có một dự án phải thực hiện và nó phải được hoàn thành ở mức tốt nhất hoặc tôi sẽ bị nổ tung.

          - Tôi đã làm việc ở công ty này rất lâu và đủ để biết rằng mình đã mắc lỗi gì và sếp có khiển trách hay không. Tôi đang ở tình thế khó khăn và cách tốt nhất là hãy làm việc chăm chỉ để chuộc lỗi… hoặc là đi để mở cho mình những cơ hội mới.

 

Khi bạn viết ra những suy nghĩ không tích cực, bạn sẽ tập trung sự chú ý vào cách làm sao để giải quyết được chúng. Khi tinh thần lạc quan hơn vì trút bỏ được những lo lắng trong đầu lên giấy thì hãy mổ xẻ và đưa ra giải pháp cho những điều bạn đã viết ra. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn và sự rèn luyện. Khi sự luyện tập trở thành kinh nghiệm, bạn sẽ luôn có suy nghĩ lạc quan mà không cần tới tờ việc ghi ra giấy những điều làm bạn lo lắng nữa.

 

Ngoài ra, hãy tập cách làm thế nào để suy nghĩ của bạn về một vấn đề không được phép “lân” sang ngày khác.

 

Trên thực tế, thay đổi cách nghĩ về một vấn đề không phải là việc đơn giản và diễn ra trong một sớm một chiều nhưng bạn sẽ có thể "khỏi bệnh", suy nghĩ tích cực hơn khi nghĩ tới những người còn khó khăn hơn bạn.

 

Hãy gặp gỡ những người hay lo lắng để thấy rằng:

 

- Mình đã phủ nhận hay cường điệu quá mức về hậu quả của một vấn đề liên quan

 

- Nghĩ về mọi thứ không như thực tế diễn ra

 

Nhờ chuyên gia

 

Còn nếu như bạn không thể giúp mình và cảm thấy rằng lo lắng đang kiểm soát cuộc sống của bạn (hay một phần cuộc sống của bạn) hoặc nếu bạn có bất cứ một trong những dấu hiệu kể trên thì cách tốt nhất là nên nói chuyện với một chuyên gia sức khỏe bởi những rối loạn sẽ tồi tệ hơn nếu không được điều trị.

 

Liệu pháp kinh nghiệm – định hướng hành vi thường được các chuyên gia sức khỏe áp dụng để điều trị cho những trường hợp rối loạn cảm xúc với 2 phương pháp: dùng “kinh nghiệm” để giải tỏa suy nghĩ của bạn và dùng “hành vi” để hướng bạn làm theo.

 

Phương Uyên

Theo Headaches