Việt Nam: Trên 50% nam giới hút thuốc lá

(Dân trí) - Ở bất cứ nơi công cộng nào, dù bến xe, ga tàu, thậm chí cả trong bệnh viện chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp rất nhiều người, từ trẻ đến giá hút thuốc. Dường như lời cảnh báo trên vỏ bao thuốc lá có cũng như không.

Hút thuốc - Cái chết từ từ

 

Đến chơi một nhà người bạn, trong căn phòng nhỏ chỉ 15m2, 4 cậu thanh niên vừa chơi bài “tét mũi” vừa phì phèo điếu thuốc. Căn phòng dù được mở toang cánh cửa chính nhưng vẫn mịt mù khói thuốc. Cả 4 gã choai choai này đều hút thuốc từ thời phổ thông. Đến nay, dù học đại học thêm nhiều khoản tốn kém, nhưng số tiền gia đình gửi cho, bao giờ họ cũng dành một phần cho khói thuốc.

 

Khi được cảnh báo về tác hại của thuốc lá với sức khoẻ, Nguyễn Hải (sinh viên năm thứ 4) thản nhiên: “Sống chết có số, lo gì”!

 

Hay như T.P, phóng viên một tờ báo lớn, vì “trót” hút thuốc theo chúng bạn từ thời cấp 3, đến khi lên đại học, gặp được một nửa của mình đã rất khổ sở bỏ thuốc theo “lệnh” của nàng. Thế nhưng hút thuốc thì dễ, bỏ thuốc khó, không biết bao lần P đã phải “trốn” không gặp người yêu vì sợ nàng phát hiện mùi thuốc lá.

 

Không chỉ giới trẻ, mà người lớn tuổi, trung niên tỷ lệ hút thuốc lá, thuốc lào cũng không ngừng gia tăng. Trong khi đó, ở người lớn tuổi, nguy cơ ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khoẻ càng trầm trọng hơn.

 

GS. TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội tim mạch bày tỏ sự lo ngại của mình trước tình hình sử dụng thuốc lá đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt là trong giới trẻ. GS Khải cho biết, thuốc lá là một nguyên nhân quan trọng gây các bệnh về tim, mạch. Các bệnh về tim mạch mà người hút thuốc thường hay mắc phải là xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ…

 

“Tất nhiên, không phải hút thuốc một sớm một chiều đã có ngay tác hại ngay nên người ta rất chủ quan. Họ đâu biết qua mỗi ngày, những chất độc hại của thuốc lá lại dần tích tụ, tấn công phổi, làm xơ vữa động mạch… Hút thuốc lá là tự mang đến cái chết từ từ cho mình và làm gây ảnh hưởng cả tới những người xung quanh”, nhiều chuyên gia tim mạch cảnh báo.

 

Ngày 21/9, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả thăm dò người dân về sử dụng hình ảnh gây ấn tượng để cảnh báo tác hại trên vỏ bao thuốc lá.

 

Ông Vũ Gia Phan cho biết, gần 90% người được hỏi, trong đó có cả nam giới hút thuốc đồng ý với việc in cảnh báo tác hại cuả thuốc lá bằng hình cảnh. 83% số phiếu ủng hộ cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh và chữ chiếm một nửa diện tích mặt trước và mặt sau vỏ bao thuốc lá.

 

Theo tính toán của các chuyên gia, việc cảnh báo bằng hình ảnh sẽ giảm được 300 - 700 ca tử vong mỗi năm trong nhiều thập kỷ tới.

Không chỉ ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hút thuốc còn gây ung thư phổi, gây chảy máu não, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhữnng người bị các bệnh hô hấp mãn tính…

 

Riêng với phụ nữ, dù hút thuốc lá chủ động hay bị động đều ảnh hưởng tới sức khoẻ của họ, đặc biệt với thai nhi khi họ mang bầu.

 

Cảnh báo sức khoẻ nhỏ như… con kiến

 

Theo kết quả cuộc điều tra Y tế quốc gia 2002, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá, thuốc lào cao trong khu vực và trên thế giới với tỷ lệ nam giới sử dụng thuốc lá khoảng 56,1%. Tổ chức Y tế ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người chết vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá như tim mạch, ung thư và các bệnh đường hô hấp mãn tính…

 

Trước những tác hại rất lớn do khói thuốc gây ra, ở Việt Nam, quy định bắt buộc về in lời cảnh báo sức khoẻ bằng tiếng Việt được thực hiện từ năm 1996. Tuy nhiên, những lời cảnh báo sức khoẻ này “hết sức nhỏ bé”, chỉ chiếm 2 - 2,5cm2 (trên 150cm2 vỏ bao) và nằm phía bên cạnh vỏ bao, khiến nhiều người hút thuốc chẳng khi nào để ý đến nó.

 

Hơn nữa, lời cảnh báo “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” rất chung chung, chưa chỉ ra hết được những tác hại to lớn của thuốc lá. Và vì bằng chữ, nên nó “nằm ngoài vùng phủ sóng” của những người mù chữ.

 

Theo điều tra của TS Nguyễn Đức Chính, Viện Lao và Bệnh phổi TƯ: “Hơn một nửa số ngừơi hút thuốc nói họ không quan tâm, hoặc không để ý thấy lời cảnh báo hiện nay trên vỏ bao thuốc lá. Khoảng gần 1/2 số phụ nữ và hơn 40% trẻ vị thành niên cũng có câu trả lời tương tự”.

 

Và trên thực tế, rất nhiều người khi đọc dòng chữ “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” không hề khiến họ sợ không dùng thuốc! “Lời cảnh báo đó có cũng như không, nó không đập ngay vào mắt chúng tôi và chúng tôi chẳng bao giờ để ý”, Hải cho biết.

Trước thực trạng lời in cảnh báo sức khoẻ trên vỏ bao thuốc lá không thu hút được sự chú ý của cộng đồng, vì nó được in quá nhỏ, ở vị trí khó đọc, cảnh báo chung chung…, GS Phạm Gia Khải cho rằng, cần tăng cường công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, tăng cường công tác nâng cao nhận thức của người dân để giảm dần nhu cầu sử dụng thuốc lá. Hội tim mạch Việt Nam ung hộ biện pháp in cảnh báo sức khoẻ bằng cả lời và hình ảnh trên bao bì thuốc lá vì nó mang lại hiệu quả cảnh báo cao.

 

Theo ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam, lời cảnh báo của chúng ta hiện nay trên các vỏ bao thuốc lá không có tác dụng. Trong khi đó, người tiêu dùng có quyền được thông tin và lựa chọn. Dán nhãn cảnh báo về sức khoẻ trên bao bì thuốc lá là cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn trước khi mua sản phẩm.

 

Do vậy, Hội cũng kiến nghị nhà nước cần ra quyết định sớm về nội dung và hình thức của thông điệp cảnh báo về tác hại của thuốc lá trên bao bì thuốc lá. Lời cảnh báo cần có nội dung cụ thể, và thay đổi nội dung với những thông điệp khác nhau. Thông điệp cần dược thể hiện bằng ngôn ngữ và hình ảnh. Nội dung thông điệp cần được trình bày gây ấn tượng mạnh, rõ rằng, được in ở hai mặt trước và sau của bao thuốc lá. Nếu in ở hai mặt, diện tích bản thông điệp không được dưới 1/3 tổng diện tích mỗi mặt. Nếu in ở một mặt thì diện tích thông điệp không được nhỏ hơn ½ diện tích mỗi mặt.

 

Hà Linh