Viêm tai do dùng tăm gãi ngứa

Bà Nguyễn Thị Th, 51 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa phải đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ trong tình trạng người hầm hập sốt, tai có tiếng òng ọc như có nước bên trong mỗi khi quay đầu sang hai bên hoặc cúi xuống. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết bà bị viêm ống tai có mủ.

Được biết, bà Th. có thói quen ngoáy tai hằng ngày từ nhiều năm nay. Dù tai chẳng hề có ráy, nhưng mỗi khi tắm xong, bà phải dùng tăm bông để thấm nước. Dần dần, bà đâm nghiện cảm giác buồn buồn dễ chịu khi ngoáy tay.

 

Không chỉ sau khi tắm mà cứ mỗi khi rảnh rỗi hay lúc xem tivi, trong tay bà lại xuất hiện chiếc tăm bông. Nếu không ngoáy, bà cảm thấy ngứa ngáy trong tai rất khó chịu. Vì vậy, trong phòng tắm nhà bà, lúc nào cũng có sẵn lọ tăm bông giúp bà “thoả mãn” mỗi khi lên “cơn nghiện”.

 

Hôm đó, bà tìm mãi không thấy lọ tăm bông đâu. Hỏi ra thì được biết, cháu trai bà vừa sơ ý để rơi khi đang tắm. Không chờ được đến lúc đi mua lọ mới, sẵn chiếc tăm đang xỉa răng trong tay, bà dùng luôn để ngoáy cho thoả cơn ngứa.

 

“Cơn nghiện” của bà đã được đáp ứng, nhưng mấy ngày sau, bà thấy đau nhức trong tai. Đau mỗi lúc một tăng nhưng bà không đi khám vì nghĩ rằng: “Chỉ xước tí, chẳng sao”.

 

Thế rồi, nhiều ngày sau, những tiếng òng ọc xuất hiện trong tai, kèm theo những cơn sốt hầm hập. Bác sĩ cho biết, tình trạng của bà chưa đến mức quá trầm trọng, chưa ảnh hưởng đến thính lực. Song chỉ vì sự bất cẩn của mình, bà Th. phải điều trị kháng sinh và thấm hút mủ trong khoảng một tuần rồi còn phải tái khám sau khi dùng hết thuốc.

 

Theo GS Trần Hữu Tuân, nhiều người coi ráy tai là bẩn và tìm cách lấy ra hết, nhưng trong thực tế ráy tai có vai trò nhất định trong việc bảo vệ thành ống tai, trừ những trường hợp ráy ảnh hưởng đến sức nghe.

 

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, càng ngoáy tai thì ráy tai phát triển càng nhanh và nhiều hơn. Nhiều người có cảm giác buồn buồn, êm êm, rất dễ chịu khi ngoáy tai nên có xu hướng lạm dụng. Các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng cho rằng, đây là thói quen xấu cần loại bỏ.

 

Các dụng cụ ngoáy tai nếu không sạch có thể gây nhiễm trùng niêm mạc bên trong tai từ những vết xước. Đặc biệt, việc lấy ráy tai ở những cửa hàng cắt tóc, gội đầu bằng dụng cụ không được tẩy trùng có thể gây lây nhiễm nấm.

 

Lúc này, việc điều trị rất phức tạp, bệnh dễ tái phát, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Nếu người bị xây xước da khi lấy ráy tai đã bị nhiễm HIV thì dụng cụ không được tẩy trùng có thể gây lây nhiễm loại virus nguy hiểm này cho người khác.

 

Theo Hà Giang

Tiền phong