Viêm não Nhật Bản vào mùa cao điểm

(Dân trí) – PGS.TS Phạm Ngọc Đính, Viện Phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nay, ở một số tỉnh đã có một số bệnh nhi nghi viêm não, trong đó có thể có trường hợp bị viêm não Nhật Bản. Theo quy luật, từ đầu tháng 5 trở đi, VNNB sẽ phát triển mạnh và đỉnh của dịch sẽ rơi vào tháng 6 và tháng 7.

PGS Đính khẳng định, tuy chưa thống kê được số liệu, nhưng ở thời điểm này (gần giữa tháng 5), đã bắt đầu xuất hiện các ca VNNB. Ở nước ta, tháng 5 đến tháng 9, khi mưa nhiều, nhiệt độ cao, hoa trái nhiều muỗi - vật trung gian truyền bệnh VNNB phát triển mạnh và đây cũng là thời điểm vào “mùa” viêm não.

 

BS Nguyễn Văn Lộc, Phó GĐ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có những năm, bệnh viện tiếp nhận những ca VNNB từ rất sớm. Như trong hai năm 1997, 1998, chỉ riêng trong hai tháng 5 và 6, số trẻ nhập viện do viêm não lên tới 500-600. Do vậy, ở thời điểm này rất khó có thể phán đoán về tình hình bệnh viêm não năm nay.

 

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục phó Cục Y tế dự phòng, VNNB có thể xảy ra ở khắp các địa phương, không loại trừ vùng nào, chỉ khác nhau về mức độ giữa các vùng.Trước đây, căn bệnh này chỉ xảy ra ở miền Bắc, đặc biệt vào mùa hoa vải, hoa nhãn, nhiều nhất ở các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… nhưng mấy năm gần đây bệnh đã xuất hiện tại miền Nam. Nguyên nhân có thể do thời tiết thay đổi và việc đi lại của người dân tăng lên.

 

Biểu hiện của bệnh

 

Viêm não Nhật Bản (còn được gọi là viêm não mùa hè, viêm não B) là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn đến tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh không truyền từ người này sang người khác.

 

BS Lộc cho biết, dịch VNNB thờng vào đầu hè vì nó liên quan tới sự phát triển mạnh mẽ của muỗi. Khi bị muỗi Culex đốt, trẻ có nguy cơ bị nhiễm virus VNNB. Khoảng 60-70% trường hợp mắc bệnh là trẻ em, thường ở lứa tuổi 2-7.

 

Bệnh khởi đầu với các biểu hiện kém ăn, có các triệu chứng sốt nhẹ, sổ mũi, tiêu chảy,  nhức đầu, nôn mửa... và có thể có rối loạn tâm lý, trong trường hợp nặng, trẻ có thể bị co giật, động kinh, sốt cao. Thời gian ủ bệnh trước khi có triệu chứng từ 4-8 ngày.

 

Nếu không được điều trị, VNNB để lại những di chứng nặng nề. Người bệnh bị rối loạn ý thức, sốt cao, diễn tiến ngày càng nặng và có thể dẫn đến tử vong.

 

Cho đến nay, chưa có một phác đồ điều trị đặc hiệu cho bệnh VNNB. Ðiều trị chủ yếu là làm bớt đi phần nào các triệu chứng, cứu người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch do suy hô hấp, trụy tim mạcn, nhiễm trùng. Sau giai đoạn này, người bệnh cần được huấn luyện phục hồi chức năng. Cơ hội phục hồi tốt hơn nếu người bệnh được đưa đến viện sớm để được chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời.

 

Có thể kiểm soát

 

“Tất cả mọi người đều có khả năng nhiễm virus, nhưng 1.000 người mang virus, chỉ 1 người có thể bị triệu chứng bệnh do chưa có miễn dịch.

 

Dịch mang tính chu kỳ, vì vậy, có thể kiểm soát được dịch bệnh”, PGS Đính khẳng định.

 

Phòng chống VNNB bằng cách tăng cường vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, nạo vét cống rãnh, ao hồ, không để nước tù đọng; phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy ở chum, vại, bồn, chậu chứa nước, nằm màn... Chú ý không cho trẻ chơi ở các vùng ẩm thấp, nhiều hoa nhãn, vải có rất nhiều ruồi, muỗi. 

 

Biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất vẫn là tiêm văcxin phòng bệnh. BS Lộc cho biết, cần tiêm văcxin viêm não Nhật Bản cho trẻ trước mùa dịch vài tháng, vì sau tiêm từ 2 đến 3 tháng, cơ thể mới sinh ra kháng thể chống lại virus. BS cũng khuyến cáo, dù đã được tiêm phòng cũng phải thận trọng, trẻ đã tiêm văcxin này vẫn có thể vẫn bị viêm não do các loại virus khác.

 

“Tuy nhiên hiện nay, TCMR VNNB mới phủ 50% số trẻ với tỷ lệ phía Bắc là 60%, phía Nam 40%. Cần phấn đầu đưa lên 100% trẻ dưới 5 tuổi được tiêm phòng VNNB. Để làm được điều đó, chúng ta cần tăng cường sản xuất văcxin cũng như kêu gọi, khai thác thêm các nguồn tài trợ quốc tế. Vì hiện tại, Văcxin VNNB do VN sản xuất chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu”, PGS Đính cho biết.

 

Hồng Hải