Việc mua BHYTTN: Vẫn chưa thể bỏ các điều kiện cũ

(Dân trí) - Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội khóa XII vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu hứa rằng sẽ sớm xem xét bãi bỏ điều kiện tham gia bảo BHYTTN. Nhưng dường như lời hứa đó chưa thể thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã hứa trước Quốc hội sẽ bỏ 1 trong 2 điều kiện ràng buộc của Thông tư 06 để bất kỳ ai có nhu muốn mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN) cũng có thể mua được.

Theo đó, trừ điều kiện tăng mức đóng góp lên 240.000 đồng/người vẫn giữ nguyên, sẽ tìm cách gỡ bỏ một trong hai điều kiện ràng buộc còn lại là không thực hiện cùng chi trả 20% phí KCB và điều kiện ít nhất 10% số hộ trong phường xã phải đồng ý mua hay 100% thành viên trong gia đình tham gia.

Mới đây, ngày 28/11, Bộ Y tế đã họp bàn và đưa ra 3 phương án sửa đổi quy định tại Thông tư 06 đối với người tham gia mua BHYTTN. Và cả ba phương án này về bản chất, không có nhiều đổi mới so với Thông tư 06.

Phương án 1 đề nghị bỏ quy định tỷ lệ 100% thành viên trong gia đình và 10% số hộ trên địa bàn xã/phường tham gia BHYTTN; phương án 2 đề nghị bỏ quy định 10% số hộ trong địa bàn xã/phường tham gia BHYTTN nhưng giữ lại điều kiện 100% số thành viên trong gia đình phải tham gia; và phương án 3 đảm bảo 100% số thành viên trong gia đình tham gia nhưng sẽ giảm mức đóng BHYTTN đó với trường hợp có trên 10% số hộ trong xã/phường tham gia tại thời điểm phát hành thẻ BHYTTN. 

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) gửi Thủ tướng Chính phủ, năm ngoái, BHYTTN thâm hụt 1.210 tỷ đồng. Năm nay dự tính sẽ âm tiếp 2.100 tỷ đồng. Thêm nữa, số người mua thẻ BHYTTN lại giảm. Nếu không kể năm đầu tiên thực hiện BHYTTN mới được 0,3 triệu người tham gia, các năm sau, số tham gia năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2005 thu hút được 1,5 triệu người và, năm ngoái, có 3,1 triệu người. Nhưng từ đầu năm 2007 đến nay, chỉ mới có 0,7 triệu người tham gia.

Chiều qua (4/12), ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban BHYTTN (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) khẳng định, rất khó bỏ một trong hai các điều kiện nêu trên. Vì nếu bỏ một trong hai điều kiện, đối tượng tham gia BHYTTN có thể sẽ chỉ còn những người ốm. Như vậy, dù cho mệnh giá BHYTTN có lên đến 3 triệu đồng/năm, nhà nước vẫn sẽ phải bù lỗ một số tiền khổng lồ. Theo tính toán của liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bảo hiểm Việt Nam, nếu có 1 triệu người tham gia đơn lẻ, Nhà nước sẽ phải hỗ trợ từ 800-1.000 tỷ đồng.

Ông Thiết cho rằng, việc áp dụng thực hiện mua thẻ BHYTTN như quy định trong Thông tư 06 là cần thiết (nghĩa là giữ nguyên cả hai điều kiện) vừa phù hợp nguyên lý bảo hiểm, vừa tránh “vỡ” quỹ.

Được biết, hiện  có khoảng 42-43 triệu người thuộc diện vận động tham gia BHYTTN. Người có thẻ BHYTTN được hưởng quyền lợi giống BHYT bắt buộc như: được thanh toán chi phí khám bệnh kỹ thuật cao, chi trả tới 20 triệu đồng/lần sử dụng, được khám chữa bệnh nội trú điều trị tiểu đường, tim mạch, huyết áp...

Ông Thiết nhấn mạnh, Thông tư 06 ra đời từ tháng 3/2007 nên cần có thêm thời gian. Có thể, năm đầu, năm thứ 2 áp dụng quy định trên vẫn khiến quỹ BHYT bị “âm”. Nhưng sang đến năm thứ 3 nguồn quỹ sẽ cân đối vì những người bị bệnh nặng đã được chữa ổn định.

Vì vậy, trong năm 2008, tạm thời, BHXH Việt Nam vẫn thực hiện chủ trương bán thẻ BHYTTN cho các địa phương có 10% số xã, phường và 100% thành viên trong hộ gia đình cùng tham gia. Đồng thời, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam nhân rộng mô hình điểm ra 9 tỉnh, TP  triển khai thực hiện tham gia BHYTTN.

Hồng Hải