Vị thành niên đi nạo thai

Ánh đã bỏ thai ba lần ở Hà Nội. Vào Bệnh viện Từ Dũ TPHCM lần này, Ánh phá thai lần thứ tư. Ánh bảo cô chưa có khả năng nuôi con vì làm công nhân lương rất ít, bởi đã lỡ thì phải phá...

Nỗi đau không của riêng ai

 

Chúng tôi đến Bệnh viện Từ Dũ vào một buổi sáng. Trong hàng trăm khuôn mặt đang căng lên vì đợi chờ và lo lắng có những cô gái còn rất trẻ, thân hình chưa qua khỏi cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Họ được người thân dẫn đến đây nhờ “giải quyết hậu quả”.

 

Chúng tôi cố tìm cho mình một chỗ ngồi để quan sát nhưng trước dãy phòng khám, phòng tư vấn, các phòng phẫu thuật đều không còn chỗ trống. Một cô bé chừng 16, 17 tuổi cúi đầu rất nhanh khi ánh mắt chúng tôi vô tình dừng lại nơi cô. Nhìn chiếc váy xanh rộng thùng thình như muốn nuốt lấy thân hình nhỏ thó của em, chúng tôi thấy thật xót xa.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, người đã công tác ở khoa khá lâu, bảo: “Chuyện ở đây kể hoài không hết. Chẳng ngày nào không có những trường hợp mà bác sĩ tư vấn cũng cảm thấy bất lực vì thực trạng đáng buồn của xã hội”.

 

Chị Dung kể, buổi sáng vừa giải quyết hai ca nạo phá thai cho hai cô gái tuổi 15 - 16. N.T.Hằng, 15 tuổi, nhà ở quận 8, TPHCM. Em này ngây ngô nói với bác sĩ là em không biết có thai từ khi nào.

 

Trong một lần tan học, đợi mãi không thấy người nhà tới đón, gặp một bạn trai mới quen đứng trước cổng trường rủ đi chơi, Hằng đã cùng người này đi uống cà phê. Sau đó, cậu ta chở Hằng vào nhà nghỉ đến 9 giờ tối mới đưa về.

 

Một thời gian sau, mẹ Hằng thấy con gái có triệu chứng khác lạ, hỏi thì Hằng bảo không có kinh nguyệt đã 2 tháng. Đưa con vào Bệnh viện Từ Dũ khám, trời đất như sụp đổ dưới chân bà khi bác sĩ cho biết Hằng đã mang thai gần mười tuần tuổi. Gạt nỗi đau sang bên, giấu biệt người nhà, mẹ Hằng đành nhờ bác sĩ giải quyết cho Hằng để em có thể đến trường bình thường.

 

Còn Vân, 16 tuổi, ba mẹ ly hôn nên từ nhỏ sống với bà ngoại. Phụ bán hàng ở ga Sài Gòn, Vân quen biết với nhóm bạn sàn sàn tuổi thường lang thang ở ga. Có lần đi chơi rồi nhậu say, cả nhóm rủ nhau về nhà một người trong nhóm ngủ. Sau một thời gian, Vân thấy trong người đổi khác. Được một người bạn hướng dẫn, Vân đến Bệnh viện Từ Dũ khám và “giải quyết hậu quả”.

 

Vào đây, Vân khai mình 19 tuổi. Nhưng, nhìn dáng dấp của cô bé, các bác sĩ biết Vân còn nhỏ nên yêu cầu có người thân đi theo mới làm thủ thuật cho em được. Hôm sau, Vân đành nhờ một người chị họ đi cùng bảo lãnh để em được “giải quyết hậu quả”.

 

Tất cả các trường hợp đến Khoa Kế hoạch hóa gia đình - Bệnh viện Từ Dũ đều được tư vấn rất kỹ về tác hại của việc nạo hút thai cũng như biện pháp phòng tránh thai. Thế nhưng, số người quay lại bỏ thai lần sau vẫn rất nhiều, đông nhất là lứa tuổi từ 22 đến 26.

 

Có một trường hợp làm các tư vấn viên ở Khoa Kế hoạch hóa gia đình -Bệnh viện Từ Dũ nhớ mãi. Đó là Ánh, 21 tuổi. Ấn tượng ban đầu về cô là một thân hình nhỏ nhắn, gương mặt rất xinh nhưng xanh xao. Ánh đã bỏ thai 3 lần ở Hà Nội, vào Từ Dũ lần này là lần thứ tư. Ánh bảo cô chưa có khả năng nuôi con vì làm công nhân lương rất ít, không đủ chi phí cho bản thân, có con sẽ khổ.

 

Khi được hỏi đã dùng các biện pháp tránh thai nào, Ánh cho biết chưa hề thử vì... sợ như thế sẽ không có con (!). Điều Ánh không biết là nguy cơ vô sinh sẽ tăng cao nếu cô nạo phá thai nhiều lần.

 

Những tai biến dẫn đến vô sinh như hở cổ tử cung, tổn thương trong tử cung, viêm dính buồng trứng... không hiếm ở những trường hợp đã từng có tiền sử nạo phá thai. Sau khi được tư vấn, Ánh “hứa” với bác sĩ là sẽ dùng biện pháp tránh thai và sẽ không bỏ thai lần nào nữa.

 

Bỏ thai ngoài ý muốn không ai cấm cản, nhưng có những trường hợp đi “kế hoạch hóa” làm những người trong cuộc không biết nên khóc hay nên cười.

 

Tình là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, vào phá thai lần này là lần thứ hai. Tình có một nhóm bạn con nhà giàu, thường tụ tập đi nhảy ở các quán bar, vũ trường.

 

Lần đầu tiên Tình dính bầu là vào hôm sinh nhật mười tám tuổi. Tình đã dâng hiến đời con gái cho người yêu. Sau khi biết cô có mang, anh chàng quất ngựa truy phong khiến Tình phải một mình đến bệnh viện giải quyết.

 

Lần này, Tình quen người khác và cũng có thai với anh ta, nhưng khi chàng đòi cưới để đứa bé có cha thì Tình... không chịu. Cô nhất quyết giải quyết cái thai vì con đường công danh của cô đang ở phía trước. Thế là Tình vác bụng bầu hơn ba tháng vào bệnh viện. Nhìn Tình mặc áo bầu màu hồng, tay đeo chiếc giỏ da sang trọng, tìm lên Khoa Kế hoạch hóa gia đình, các cô y tá tưởng đi nhầm nên hướng dẫn: “Em ơi, phòng khám thai ở dưới đất, trên này là nơi bỏ thai”.

 

Thấy vậy, Tình trả lời tỉnh bơ: “Không, em đi bỏ thai đấy chứ”. Cũng vào phòng tư vấn, cũng lên bàn phẫu thuật nhưng mặt Tình lạnh như tiền, không một chút e ngại hay lo sợ.

 

Các bác sĩ Khoa Kế hoạch hóa gia đình - Bệnh viện Từ Dũ cũng khuyên giới trẻ khi bỏ thai ngoài ý muốn nên đến bệnh viện để được làm thủ thuật. Không nên vì thiếu hiểu biết hoặc sợ gia đình và xã hội dè bỉu rồi tìm đến các cơ sở lậu, nhất là những trường hợp thai quá lớn.

 

Hành động dại dột của các em có khi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Trường hợp nạo thai lậu dẫn đến thủng tử cung... phải vào bệnh viện cấp cứu không phải là hiếm. 

 

Cần sự phối hợp của các ngành chức năng

 

Số ca nạo phá thai trong thanh thiếu niên tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vì đây là nơi có đông dân ngụ cư với đủ mọi thành phần. Trong đó, thanh niên từ các tỉnh đổ xô về tìm cơ hội làm việc, sinh sống, học tập rất nhiều.

 

Xu hướng buông thả trong cuộc sống của giới trẻ, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên, đã để lại hậu quả nặng nề cả về thể xác lẫn tâm hồn cho những người trong cuộc.

 

Theo thống kê của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, cứ năm thanh niên Việt Nam ở độ tuổi 15 - 24 thì một người có quan hệ tình dục. 80% nam thanh niên không sử dụng bao cao su trong lần quan hệ đầu tiên.

 

Việc quan hệ tình dục và nạo phá thai ở tuổi thanh thiếu niên dẫn đến những hậu quả khó lường như biến chứng gây vô sinh, lây nhiễm các bệnh qua đường sinh dục, tinh thần suy sụp, gia đình ruồng bỏ...

 

Quan hệ tình dục khi chưa được chuẩn bị đầy đủ những hiểu biết về sức khỏe sinh sản là điều vô cùng tệ hại. Các em có thể có thai ngoài ý muốn, viêm nhiễm dẫn đến vô sinh hoặc sa đà bỏ học dẫn đến con đường hư hỏng như ma túy, mại dâm...

Với đà phát triển toàn diện của xã hội, tuổi dậy thì của các em ngày càng trẻ hóa. Phim ảnh, Internet... là phương tiện để các em tiếp xúc rất sớm với hình ảnh, tư liệu về tình dục. Và những gì các em xem được, nghe được không phải lúc nào cũng lành mạnh.

 

Kiến thức lệch lạc về tình dục thu lượm được cùng với sự tò mò của trẻ con lại không được người lớn để ý, uốn nắn khiến lớp trẻ rất dễ dãi trong quan hệ tình dục.

 

Đa số trường hợp mang thai ngoài ý muốn của trẻ vị thành niên đều rơi vào trường hợp thiếu sự quan tâm của bố mẹ, bỏ bê con cái hoặc bố mẹ ly dị nên không được ai dạy bảo. Cũng do thiếu hiểu biết, nhiều em không biết mình đã mang thai hoặc nếu biết, các em cũng không dám nói với bố mẹ hoặc người thân vì sợ bị đánh.

 

Đến khi thai quá to, người lớn phát hiện ra thì phải can thiệp bằng cách cho đẻ non, ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như sức khỏe của người mẹ trẻ. Có nhiều trường hợp trẻ vị thành niên mang thai, sợ gia đình và bạn bè biết nên tự đến bệnh viện giải quyết một mình. Khi yêu cầu có bố mẹ hoặc người thân đi theo bảo lãnh, các em đành ra... thuê một phụ nữ nào đó làm mẹ bất đắc dĩ.

 

Cần phải làm gì để ngăn chặn việc nạo phá thai trong thanh thiếu niên? Đó là vấn đề cần sự tham gia không chỉ của riêng ngành y tế. Trước tiên và cần thiết nhất vẫn là khâu tuyên truyền giáo dục cho giới trẻ hiểu biết cơ bản về những thay đổi trong cơ thể, sự phát triển bình thường của các bộ phận.

 

Nên đưa giáo dục giới tính vào học đường, vì với sự phát triển của xã hội, ngày càng có nhiều kênh thông tin về giới tính để các em tiếp cận mà nếu không biết lựa chọn sẽ dễ bị lôi kéo vào “ma trận” sex trên mạng. 

 

Sau đó cần cho các em biết những biện pháp phòng tránh thai và phòng ngừa những căn bệnh lây qua đường tình dục để các em tự bảo vệ mình trước những làn sóng “web đen”.

 

Bên cạnh đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường và các tổ chức xã hội để hướng các em đến lối sống lành mạnh, nhằm bảo vệ sức khỏe sinh sản và chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đang ngày một lan nhanh trong giới trẻ.

 

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo Thanh Thuỷ - Ngọc Anh
Công an TP Hồ Chí Minh