Vì sao trẻ sợ đi học?

Đứa con gái 7 tuổi đã khiến chị M.T.T.T (35 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) gần như "phát điên" vì chuyện học. Suốt năm bé học lớp 1, chị đã phải vất vả bởi con không hòa đồng được với bạn bè. Lúc đón con, chỉ cần trễ vài phút là bé khóc lóc dữ dội, nghĩ rằng đã bị mẹ bỏ rơi.

Con bệnh mà không biết

Mùa hè, vì là giáo viên nên một tháng đầu chị được nghỉ, chỉ ở nhà chơi với con. Sau đó, vì phải đi dạy ôn tập hè nên chị bàn với chồng cho bé đi học hè và học vài môn ngoại khóa như đàn, vẽ… để bé vui và dạn dĩ hơn. Thế nhưng, vừa nghe cha mẹ nói chuyện đi học, cô bé đã gào khóc, bứt tóc, nói mẹ căm ghét, muốn bỏ mình nên mới không chịu ở nhà. Ngày đầu đi học đàn, cô giáo cho biết bé khóc suốt và chỉ chờ được mẹ đón. Do quá stress, người mẹ đi khám tâm lý và vị chuyên gia này đề nghị chị thử cho bé đi khám luôn. Sau đó, chị mới biết con không hề hư mà một vấn đề tâm lý mang tên "rối loạn lo âu chia ly" đang khống chế cô bé.

Trong một buổi sinh hoạt về chủ đề khó khăn trong học tập ở trẻ do Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 tổ chức gần đây, ThS-BS Phạm Minh Triết, Trưởng Khoa Tâm lý của BV, kể lại một trường hợp ông từng gặp. Đó là một bé trai đã 12 tuổi, từ nhỏ hễ đi học là khóc, đi đâu cũng bám lấy mẹ, không muốn ra ngoài, sợ người lạ, sức học không tốt và không có bạn… Nghĩ con mình chỉ nhút nhát, không hòa đồng, phụ huynh không đưa bé đi khám trong những năm đầu. Cho đến khi gặp được bác sĩ, cháu bé đã trải qua đến 7 năm với chứng "ám ảnh sợ xã hội".

Theo ThS-BS Phạm Minh Triết, rối loạn lo âu chia ly, ám ảnh sợ xã hội hay những rối loạn cảm xúc khác như phản ứng stress cấp, câm nín chọn lọc, rối loạn hoảng loạn, rối loạn tính khí, rối loạn thích ứng, trầm cảm… có thể là những nguyên nhân khiến nhiều bé phản ứng dữ dội, không chịu đi học và kết quả học tập không tốt. Ông cho biết có nhiều bệnh nhi từng kể với ông cứ mỗi lần đi học là cháu lại lo ở nhà ba mẹ bị tai nạn, bị bệnh, bỏ đi… Những nỗi ám ảnh này có khi đi cả vào giấc ngủ.


Các cuộc trò chuyện ngắn có tác dụng giảm những lo âu, căng thẳng mà bé có thể gặp phải. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các cuộc trò chuyện ngắn có tác dụng giảm những lo âu, căng thẳng mà bé có thể gặp phải. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ba nguyên nhân trẻ sợ đi học

Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh, Trưởng Khoa Sức khỏe tâm trí BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho rằng việc trẻ sợ, không chịu đi học có thể do 3 nguyên nhân: thứ nhất, sự thay đổi môi trường có thể khiến trẻ lo lắng, ví dụ từ chỗ đang ở nhà rồi bắt đầu đi học mẫu giáo hoặc lớp 1, chuyển cấp học; thứ hai do bệnh lý; thứ ba do trẻ gặp phải một vấn đề gì đó ở trường (bị bắt nạt, trêu chọc, sợ bị thầy cô đánh giá…).

"Tốt nhất, khi bé chuẩn bị đi học hay chuyển cấp học, phụ huynh hãy giải thích trước với bé về những điều sẽ diễn ra. Ví dụ, một số em từ cấp I lên cấp II cảm thấy khó khăn khi không còn gặp cô chủ nhiệm thân thiết nữa, mà mỗi thầy cô sẽ dạy một môn. Nếu được chuẩn bị tâm lý trước, các em sẽ dễ thích nghi hơn. Với trẻ nhỏ hơn, như chuẩn bị vào mẫu giáo hay lớp 1, cha mẹ có thể dùng tranh ảnh, truyện tranh để giải thích cho bé hiểu "đi học" là như thế nào" - BS Minh nói.

Những bất ổn tâm lý do lo lắng, bỡ ngỡ… thông thường sẽ mất đi khi trẻ dần thích nghi với môi trường mới. Tuy nhiên, BS Lâm Hiếu Minh khuyên rằng nếu quá 2 tuần mà bé vẫn có những rối loạn lo âu, ám ảnh sợ và những biểu hiện bất ổn khác, cha mẹ nên đưa con đi khám vì đó có thể đã là bệnh. Còn với tình huống trẻ gặp rắc rối trong các mối quan hệ ở trường học, nên bình tĩnh tìm hiểu và có phương án động viên, giúp trẻ giải quyết.

ThS-BS Phạm Minh Triết cho rằng khi một đứa trẻ gặp rắc rối trong việc học, ví dụ như kết quả học không tốt, không chịu học hay có những biểu hiện không phù hợp trong việc học, cha mẹ đừng vội cho rằng trẻ hư, khó bảo, lười biếng…

Theo thống kê tại Mỹ, có đến 10% trẻ em gặp khó khăn trong học tập vì các nguyên nhân xuất phát từ bản thân trẻ (bao gồm các bệnh lý về tâm lý - tâm thần) và các nguyên nhân từ môi trường. Trước hết, hãy bình tĩnh tìm hiểu vấn đề của con, đưa con đến chuyên gia tâm lý nếu cần. Luôn nhớ rằng quá trình can thiệp của chuyên gia tâm lý rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của gia đình và nhà trường.

Tạo thói quen trò chuyện với con

BS Lâm Hiếu Minh cho biết hiện nay nhiều phụ huynh hay có thói quen kiểm tra vở, điểm số của con. Nên thay thói quen đó bằng một thói quen mềm mỏng, tâm lý hơn: trò chuyện cùng trẻ. Cuộc trò chuyện đó nên nhẹ nhàng, giống như cuộc nói chuyện giữa hai người bạn, đừng quá gay gắt khi bé có điểm thấp hay làm gì không vừa ý. Tạo cho con thói quen trò chuyện, kể với cha mẹ những điều xảy ra ở trường sẽ giúp bạn hiểu được tình trạng của con và hỗ trợ trẻ tốt hơn khi cần thiết.

Theo Anh Thư

Người lao động