Vì sao bạn hói đầu?

Điều dễ nhận thấy là tuyệt đại đa số những người hói đầu đều là đàn ông. Từ đó, các nhà khoa học đã chỉ ra được sự liên hệ giữa một số bệnh mà hói đầu chính là một trong những biểu hiện đầu tiên.

Những nghiên cứu về sự phát triển cá thể trên người đã chứng minh rằng trước khi hệ sinh dục nam hình thành một cách đầy đủ, một kiểu tế bào trong mầm tuyến sinh dục nam (tế bào Leydig) đã tiết ra hormone sinh dục nam testosteron (T).

 

T kích thích sự hình thành ống dẫn tinh và túi chứa tinh. Ngoài ra, một phần T chuyển hóa thành DHT (dihydrotestosteron) nhờ một chất xúc tác có tên là reductaz. DHT kích thích sự hình thành cơ quan sinh dục ngoài của bé trai là dương vật, bìu (túi chứa tinh hoàn) và tuyến tiền liệt.

 

Ở những hài nhi là trai nếu thiếu reductaz thì thiếu DHT. Điều này dẫn đến không thấy xuất hiện dương vật và bìu, nhìn bên ngoài dễ tưởng nhầm đó là cơ quan sinh dục của bé gái và người ta có thể ghi vào giấy chứng sinh “giới tính: gái”.

 

Đến lúc dậy thì, các tinh hoàn của nam thiếu niên tiết ra nhiều T và chất này với số lượng dồi dào kích thích sự tạo hình dương vật và bìu. Thế là những bé nam sơ sinh do thiếu reductaz bị gán cho giới tính gái, nhưng đến lúc dậy thì lại trở thành nam giới 100%.

 

Hội chứng này tạm gọi là “trai giả gái” được phát hiện ở nước Cộng hòa Dominicana (1975). Còn ở VN, có vẻ như được phát hiện tại Hội khỏe Phù Đổng năm 2000.

 

Ở một số đáng kể đàn ông, sự chuyển hóa T thành DHT vẫn diễn ra. Ở người trưởng thành, sự dư thừa DHT gây ra chứng hói đầu. Như vậy chứng hói đầu là sự báo hiệu trong cơ thể người đàn ông có dư thừa DHT do dư thừa chất xúc tác reductaz.

 

Ngoài chứng hói đầu, DHT còn có thể gây phì đại tuyến tiền liệt - một bệnh rất khó chịu cho những người đàn ông lớn tuổi. Vì thế những người hói đầu có nguy cơ phì đại tuyến tiền liệt hơn người bình thường.

 

Có thể chữa cả chứng hói đầu và phì đại tuyến tiền liệt bằng Finasteride (Proscar) - chất chống chuyển hóa T thành DHT.

 

Theo Thanh Đạt

Tuổi trẻ